Thứ Ba, 26/11/2024 18:45:43 GMT+7
Lượt xem: 96

Tin đăng lúc 26-11-2024

Diễn đàn Kinh tế xanh: Phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Sáng 26/11/2024, tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV tổ chức "Diễn đàn kinh tế xanh: Phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu".
Diễn đàn Kinh tế xanh: Phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Tham gia Diễn đàn gồm có: Lãnh đạo một số Bộ, ngành, nhà quản lý, nhà nghiên cứu chính sách, các chuyên gia kinh tế, diễn giả, học giả, các doanh nghiệp… tham gia trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đó là hướng đi tích cực nhằm giảm thiểu những tác động rủi ro của biến đổi khí hậu.

 

Các chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn, nghiêm trọng hơn, trở thành một trong những vấn đề cấp bách toàn cầu. Biến đổi khí hậu đã và đang làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và mọi mặt của đời sống xã hội. Vì thế, phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là vấn đề bức thiết của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là xu thế của toàn thế giới và phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đã và đang được nhiều quốc gia hướng tới.

 

Kinh tế xanh được định nghĩa là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội.

 

Tại Diễn đàn đã nêu bật những chiến lược quốc gia về phát về tăng trưởng xanh của Việt Nam điển hình: Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 -2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, đề ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng… Qua đó, đã khẳng định: “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”.

 

Nhằm cụ thể hóa các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế xanh hướng đến sự ổn định, bền vững, thịnh vượng của đất nước, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, "Diễn đàn kinh tế xanh: Phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu" do Báo Điện tử VOV tổ chức với mong muốn là nơi để các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng cùng thảo luận, trao đổi thông tin và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa cũng như những thách thức khó khăn, vướng mắc, đồng thời đưa ra những cơ hội, chính sách mới trong phát triển kinh tế xanh bền vững gắn với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

 

Tại diễn đàn các chuyên gia nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu, đòi hỏi nguồn lực khổng lồ để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Các giải pháp bao gồm chuyển đổi ngành công nghiệp, tăng cường quy định ESG (môi trường, xã hội, quản trị) và các cam kết quốc tế như: COP26, COP27, COP28. Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này rất lớn, ước tính hàng chục nghìn tỷ USD toàn cầu, tập trung vào các dự án thân thiện môi trường (năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh, vận tải bền vững).

 

Ông Đặng Huy Đông - Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển, đã đề cập tổng lượng phát thải rác sinh hoạt cả nước hiện nay là 65.000 tấn/ngày. Khoảng 30% lượng rác này được đốt, phát thải gần 10 triệu tấn CO2 mỗi năm, còn 70% chôn lấp phát thải khoảng 05 triệu tấn CO2 mỗi năm cũng đã được ứng dụng công nghệ xử lý. Tại diễn đàn ông đã đưa ra đề xuất với Việt Nam cần bắt đầu bằng việc quy hoạch đô thị ưu tiên giao thông công cộng, hạn chế giao thông cá nhân, hạn chế dần và đi đến cấm xe chạy xăng, dầu trong đô thị; Việc quy hoạch kiến trúc các khu đô thị ứng dụng công nghệ tiên tiến để giảm tiêu thụ điện năng và gián tiếp giảm phát thải CO2. Ví dụ, tính toán hướng gió, hướng mặt trời hợp lý có thể giảm 2 - 3 độ C khí hậu đô thị, tương đương với việc giảm hàng tỷ kWh điện dùng cho điều hòa. Hay, ứng dụng công nghệ làm mát trung tâm cho cả khu phố, khu đô thị có thể giảm 40 - 50% lượng điện tiêu thụ so với điều hòa độc lập.

 

Ông Đông cho rằng, việc quản lý quy hoạch, giao thông, chất thải rắn, nước thải với những công nghệ hiện hữu sẽ góp phần giảm hàng trăm triệu tấn CO2 mỗi năm, trên cơ sở đó, Việt Nam có cơ sở để tin tưởng rằng mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết quốc tế là khả thi.

 

Công Du


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang