Chủ Nhật, 24/11/2024 23:24:03 GMT+7
Lượt xem: 55458

Tin đăng lúc 31-08-2019

Diễn đàn “Thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam khi thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung”

Ngày 30/8/2019, tại thành phố Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam khi thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung”.
Diễn đàn “Thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam khi thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung”
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

Đây là sự kiện quan trọng mở đầu cho chuỗi sự kiện truyền thông về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam vừa tham gia, bao gồm Hiệp định CPTPP và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và cộng đồng về những cam kết cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội mở rộng thị trường tại các nước đối tác của các FTAs. Đây cũng là một kênh kết nối, đồng hành giữa Chính phủ với doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các FTAs. Với cách làm có tính tương tác trực tiếp giữa đại diện các Bộ, ngành và các chuyên gia kinh tế với cộng đồng doanh nghiệp, Diễn đàn đã thu hút sự tham gia đông đảo của đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các Đại sứ quán, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp Việt Nam, các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương.

 

Diễn đàn bao gồm hai phần. Phiên thứ nhất tập trung đánh giá tình hình thực thi Hiệp định CPTPP kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực. Phiên thứ hai nêu lên thực trạng và những vấn đề cần lưu ý cho doanh nghiệp khi tận dụng Hiệp định CPTPP trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Các đại biểu, doanh nghiệp tham dự Diễn đàn cũng đã có cơ hội thảo luận với các diễn giả của Chương trình về các cơ hội và khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, từ đó tìm ra hướng xử lý cho phù hợp đối với nền kinh tế nói chung và đối với từng ngành hàng cụ thể nói riêng.

 

 

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh

 

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2019, về cơ bản, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước CPTPP có tăng trưởng, trong đó một số thị trường ghi nhận mức tăng trưởng lớn như Ca-na-đa (tăng 32,9%), Mê-hi-cô (tăng 23,4%). Ngoài ra, có những mặt hàng đạt mức tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn chưa có Hiệp định CPTPP như máy móc, thiết bị, phụ tùng có mức tăng gần 125% sang Ca-na-đa, điện thoại và linh kiện tăng hơn 331% sang Mê-hi-cô. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã biết tận dụng CPTPP để tăng trưởng xuất khẩu nhưng thống kê cho thấy, tỷ lệ tận dụng ưu đãi vẫn còn rất thấp. Đơn cử như hàng xuất theo mẫu CPTPP chỉ đạt 190 triệu USD trong tổng số 16,4 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu, tương ứng với việc chỉ tận dụng được 1,17%. Theo kết quả điều tra sự quan tâm của doanh nghiệp với CPTPP đối với 8.600 doanh nghiệp tham gia khảo sát, mặc dù các doanh nghiệp đã có mức độ quan tâm với CPTPP khi có tới 26% doanh nghiệp có tìm hiểu, nhưng vẫn còn hơn 70% doanh nghiệp chưa rõ về CPTPP.

 

Trong bối cảnh hiện nay, xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc đang diễn biến ngày càng phức tạp, từ chiến tranh thương mại đã chuyển sang chiến tranh công nghệ và tiền tệ, tạo ra những áp lực lớn đối với doanh nghiệp và chính phủ. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tận dụng lợi thế từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong việc đa dạng hóa bạn hàng thương mại, tránh phụ thuộc vào một thị trường, và quan trọng nhất hiện nay là tăng cường tính chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu, nắm rõ các thông tin, cam kết cụ thể trong các hiệp định này để có kế hoạch, chiến lược kinh doanh phù hợp. Về phía Chính phủ, cần thúc đẩy quá trình thực thi Hiệp định một cách hiệu quả, kịp thời; cải thiện môi trường kinh doanh để chống chọi lại với bối cảnh có nhiều rủi ro của kinh tế toàn cầu; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Hiệp định, hỗ trợ doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu sâu và tận dụng được các cam kết của Hiệp định để đem lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế

 

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang