Chung một dòng sông – con sông Mê Kông huyền thoại - là số phận đã gắn bó chúng ta. Trung Quốc, Lào, Campuchia, My-an-mar, Thái Lan, Việt Nam, sáu quốc gia trải dài theo dòng sông này qua bao thế hệ. Chúng ta tự hào được sinh ra ở nơi đây. Một khu vực trù phú, giàu tiềm năng, đa văn hóa, điểm kết nối giữa các nền kinh tế lớn: ASEAN, Trung Quốc, và Ấn Độ. Với nỗ lực của các quốc gia thành viên và sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, nhiều chương trình hợp tác GMS đã được hình thành.
Chuỗi giá trị GMS đang rộng mở
Một phần tư thế kỷ qua đi kể từ khi chương trình hợp tác kinh tế GMS được khởi động, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực cải cách và kỳ tích phát triển ở khu vực này. Kỳ tích quan trọng nhất, đó là quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ, gắn liền với những thành công trong xóa đói giảm nghèo và sự phát triển bùng nổ của khu vực kinh tế tư nhân GMS 2018.
Đóng góp vào sự nghiệp phát triển này có vai trò tiên phong của Hội đồng Kinh doanh GMS (GMS-BC). Đây là một cơ chế kết nối của cộng đồng kinh doanh trong khu vực và là một đối tác đối thoại công tư vì sự phát triển của GMS trong đó vai trò chủ thể thuộc về các phòng thương mại và công nghiệp quốc gia.
GMS-BC họp phiên mở rộng ngày 30/3 và cũng là phiên khai mạc Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh GMS (lần đầu tiên được tổ chức) để bàn về triển vọng kinh tế và những động lực phát triển trong thời gian tới. Diễn đàn cũng sẽ thảo luận và quyết định chương trình hành động phát triển kinh tế tư nhân 2018.
Chúng ta thống nhất với nhau rằng: dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng GMS vẫn đang là vùng trũng của sự phát triển trong tương quan so sánh với ASEAN, châu Á và thế giới, xét cả trên bình diện GDP trên đầu người, kết cấu hạ tầng, khả năng công nghệ, tài chính và chất lượng nguồn nhân lực... Trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, cả cơ hội và thành thức đổi mới GMS đều vô cùng lớn.
Với vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng, với nguồn tài nguyên và nhân lực dồi dào, với công cuộc cải cách và hội nhập đang diễn ra sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang tràn tới, chúng ta có lợi thế phát triển trong các lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, và có thể trở thành bếp ăn của thế giới. Chúng ta cũng có thể trở thành công xưởng mới của nền kinh tế thế giới, với lợi thế lao động còn rẻ và cơ cấu dân số trẻ...
Hóa giải thách thức
Thách thức lớn nhất của các nền kinh tế GMS về chất lượng thể chế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là phải vươn tới chuẩn mực quốc tế để có thể kết nối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Động lực của sự phát triển trong khu vực GMS trong thời gian tới sẽ phải là tinh thần khởi nghiệp, là sự phát triển của khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khu vực doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ...
Chúng tôi hoan nghênh các vị đứng đầu chính phủ và các bộ trưởng đã tới Diễn đàn để tham gia đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi cũng hoan nghênh sáng kiến của Campuchia về việc thiết lập mạng lưới doanh nhân trẻ GMS. Về phần mình, VCCI cũng đề xuất thành lập mạng lưới doanh nhân nữ GMS và mạng lưới khởi nghiệp GMS. Tôi hy vọng cùng với những sáng kiến, chương trình, dự án để thúc đẩy kết nối khu vực, thuận lợi hóa thương mại đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững... thì mạng lưới các cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhân lên sức mạnh của GMS trong những nỗ lực hội nhập và phát triển.
Chúng tôi cũng đề nghị nghiên cứu triển khai chương trình kết nối hệ thống cáp quang siêu tốc, dỡ bỏ phí điện thoại roaming, thành lập hiệp hội hợp tác xử lý các vấn đề về an ninh mạng giữa các quốc gia GMS. Sáng kiến này nếu được thực hiện, sẽ tạo một nền tảng kết nối để có thể đi tắt, đón đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế GMS.
Với niềm tin vào sự hợp tác và chia sẻ giữa các quốc gia GMS theo tinh thần “chung một dòng sông”, Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS 2018 nhân lên sức mạnh của GMS trong những nỗ lực hội nhập và phát triển.
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI