Thứ Sáu, 22/11/2024 06:37:12 GMT+7
Lượt xem: 3351

Tin đăng lúc 09-12-2019

Điện gió - kỳ vọng "chủ công" trong phát triển năng lượng tái tạo

Với tổng công suất gió ước tính đạt khoảng 513.360 MW, được đánh giá là quốc gia có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng tổng công suất điện gió của Việt Nam mới chỉ đạt 200MW chia cho 6 dự án. Đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, điện gió có nhiều thuận lợi để phát triển: có thể thay thế cho nhiệt điện than, khí, có thể phát điện 24/24 giờ,…. Vì thế, nên phát triển điện gió ngoài khơi trở thành mũi nhọn, nòng cốt thay thế cho năng lượng hóa thạch.
Điện gió - kỳ vọng "chủ công" trong phát triển năng lượng tái tạo
Hội thảo về dự án điện gió Thăng Long đã thu hút sự quan tâm của đại diện nhiều cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành liên quan

Theo ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt nam (EVN) xác định từ năm 2020 tới năm 2023 sẽ xảy ra thiếu điện nghiêm trọng nếu các dự án trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh tiếp tục bị chậm tiến độ thì việc thiếu điện tiếp tục đến năm 2030, lúc đó tình hình kinh tế đất nước sẽ gặp nhiều khó khăn.

 

Bên cạnh việc giải quyết bài toán năng lượng lâu dài cho quốc gia, việc đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi và kinh tế biển sẽ góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia và lãnh hải, thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhà thầu từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, còn có thể tận dụng công nghệ và thiết bị xây dựng góp phần chuyển giao/bổ sung chiến lược và lao động hiện có của các ngành vận tải biển và cảng, thăm dò và khảo sát biển.

 

Thông tin tại Hội thảo: ThangLong Wind – Sự cần thiết cho kinh tế Việt Nam, do Đại sứ quán Vương quốc Anh, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và Tập đoàn Enterprize Energy tổ chức chiều 6/12 tại Hà Nội, ông Gareth Ward, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam cho biết: Báo cáo của Chương trình Hỗ trợ Quản lý Năng lượng ESMAP cho thấy, Việt Nam cũng là quốc gia có tài nguyên gió ngoài khơi tương tự so với Vương quốc Anh. “Chính vì vậy, Vương quốc Anh rất mong muốn hỗ trợ Việt Nam khai thác tài nguyên này để giúp đáp ứng các mục tiêu về năng lượng của đất nước.

 

Cập nhật những thông tin mới nhất về tiến độ khảo sát của dự án điện gió Thăng Long sau khi nhận văn bản số 4146/ BCT – ĐL ngày 12/6/2019 từ Bộ Công Thương về việc chấp thuận thực hiện khảo sát, nghiên cứu và đầu tư xây dựng đối với dự án, ông Ian Hatton, chủ tịch tập đoàn Enterprize Energy cho biết: dự án năng lượng gió rất lớn với công suất là 3.400 MW, xứng tầm với tiềm năng gió của Việt Nam. Dự án điện gió Thanglong Wind trong tương lai có thể bù đắp được lượng năng lượng thiếu hụt tại Việt Nam, đặc biệt tại khu vực phía Nam, tạo ra đột phá cho nền kinh tế nhưng dự án hiện vẫn chưa chính thức được đưa vào quy hoạch điện quốc gia. Việc bổ sung nguồn công suất từ dự án ThangLong Wind vào quy hoạch là rất cấp thiết.

 

Bên cạnh đó, với những chính sách phù hợp và ổn định từ Chính phủ Việt Nam, hợp đồng mua bán điện hợp lý, sử dụng những công nghệ tua bin được kiểm chứng từ nhà thầu uy tín để chế tạo và lắp đặt, các ngân hàng quốc tế sẽ đảm bảo đủ vốn cho việc xây dựng dự án. Thành công của dự án sẽ cung cấp một lượng điện năng sạch rất lớn cho hệ thống điện Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường trong tương lai.

 

 

Ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá về tiềm năng phát triển điện gió tại Việt Nam

 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định: Dự án ThangLong Wind là một đột phá đủ bổ sung nguồn điện hỗ trợ cho tình trạng thiếu điện từ năm 2023 đến năm 2027 và đến năm 2030 trở đi, rất có ý nghĩa với nền kinh tế Việt Nam. Mong muốn của dự án này là được Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh vào thời gian giữa năm 2020 để chủ đầu tư triển khai thực hiện trong thời gian 2 năm nữa đến năm 2023 các tổ máy đầu tiên bắt đầu phát điện.

 

Các chuyên gia năng lượng cũng cho rằng, đây là dự án có tiềm năng rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Dự án nếu thành công sẽ tối ưu hoá nguồn nội lực của Việt Nam về các ngành công nghiệp thiết kế, gia công, chế tạo với kỳ vọng sử dụng từ 6-8,3 tỷ USD vốn đầu chi cho các nhà thầu tại Việt Nam trong quá trình khảo sát, thiết kế, gia công, chế tạo và tạo ra doanh thu hàng năm khoảng 600 triệu USD cho các nhà thầu Việt Nam trong quá trình vận hành vào bảo trì, bảo dưỡng.

 

Hiện tại, bên cạnh việc thực hiện kế hoạch khảo sát theo đúng kế hoạch, Tập đoàn Enterprize Energy đang hợp tác chặt chẽ với EVN-PECC3 để xác định những hạn chế về lưới điện và công suất hiện có trong Kế hoạch phát triển điện quốc gia VII hiện hành (đã sửa đổi). Đại diện Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 (PECC3), ông Tôn Thất Hùng- Phó Tổng giám đốc cũng chia sẻ, việc được Chính phủ xem xét bổ sung quy hoạch điện, ngoài việc tạo thuận lợi cho dự án bước vào giai đoạn ký kết các hợp đồng điện và đầu tư, cũng sẽ giúp phân định rõ việc đầu tư hệ thống truyền tải điện, đường dây, các trạm điện...

 

Theo đại diện liên danh Vietsovpetro & PVC- MS, đây là dự án sẽ có tỉ lệ nội địa hoá lên đến 50%, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn. Vietsovpetro & PVC- MS có nhiệm vụ đảm nhiệm toàn bộ phần công việc thiết kế thi công, chế tạo, hạ thủy, vận chuyển, lắp đặt các chân đế ngoài khơi và các phần việc khác liên quan mà đơn vị có thể đảm nhận được. Dự án này sẽ tận dụng được năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trong thi công các kết cấu thông qua Vietsovpetro và PVC- MS, giúp Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu ở Đông Nam Á về phát triển điện gió ngoài khơi.

 

Trước đó, ngày 22/09/2019, tập đoàn Enterprize Energy – chủ đầu tư của dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long (ThangLong Wind) đã chính thức ký cam kết đầu tư với UBND Tỉnh Bình Thuận. Từ ngày 15/9/2019, Tập đoàn đã cùng các đối tác hoàn thành triển khai lắp đặt, vận hành hệ thống LIDAR để đánh giá tiềm năng gió trên giàn khai thác dầu khí Diamond ngoài khơi lân cận vùng dự án điện gió. Đối với công tác thực hiện khảo sát bằng máy bay, Tập đoàn Enterprize Energy đã hoàn thành các chuyến bay đầu tiên lần lượt vào các ngày 28/10/2019 và 2/11/2019 sử dụng thiết bị chụp không ảnh với độ phân giải cao để đánh giá sự di trú của các loài chim biển và sinh vật biển trong khu vực phát triển dự án. Dự kiến cuối Quý 1/2020 sẽ tiến hành thực hiện công tác Khảo sát địa vật lý (geophysical Survey) và địa kỹ thuật (Geotechnical survey) để đánh giá điều kiện địa chất đáy biển.

 

Dự án ThangLong Wind nằm ngoài khơi cách bờ biển Bình Thuận (tính từ mũi Kê Gà trở ra) khoảng 50km, diện tích trên 2.000 km2, có tốc độ gió bình quân 9,5m/s; kết cấu trụ gió đặc biệt, các tua bin có thể có công suất khác nhau. Những tua bin đầu tiên được xây dựng có công suất khoảng 9,5MW, sau đó với sự tiến bộ của công nghệ sẽ được tăng lên 10MW - 12MW.


Giai đoạn I của dự án ThangLong Wind sẽ được hòa lưới điện vào cuối 2022, đầu 2023 với công suất 600 MW, 64 cột gió.

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang