Dòng điện đã tiên phong
Tính đến 31/3/2014, tổng sản lượng điện mà Công ty Điện lực Kon Tum đã cấp cho nước bạn Lào qua cửa khẩu Bờ Y đạt 5.182.594 kWh với doanh thu là 352.993 USD tương đương 7.326.684.286 VNĐ.
Khi mới đóng điện, nhu cầu phụ tải cho huyện Phu Cưa ( Atăpư, Lào) chỉ là 0,3 MW, với sản lượng chỉ vài ngàn kWh. Nhưng đến nay, nhu cầu phụ tải đã tăng lên gần 4MW, với sản lượng trung bình hàng tháng đến trên dưới 200.000 kWh. Hiện nay, nguồn điện cấp điện cho nước bạn Lào qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y lấy từ xuất tuyến 471/E46. Trước ngày 27/4/2013, nguồn điện được lấy từ xuất tuyến 475/E46.
Riêng các tỉnh Bắc Trung bộ, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) và Tổng công ty Điện lực Lào (EDL) đã thống nhất phương án nâng công suất bán điện từ Việt Nam sang tỉnh Savannakhet - Lào thông qua cửa khẩu Lao Bảo bằng việc tổ chức thực hiện chuyển đổi cấp điện áp 22 kV được cung cấp từ phía Việt Nam cho Lào.
Hơn 14 năm qua, thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Lào (8/1998), Công ty Điện lực Quảng Trị đã tiến hành cấp điện cho tỉnh Savannakhet qua cửa khẩu Lao Bảo. Đến nay Công ty Điện lực Quảng Trị đã cấp điện cho 4 huyện thuộc tỉnh Savannakhet với công suất 5,5 MW. Điện mua tại cửa khẩu Lao Bảo được EDL cấp cho 4 huyện giáp biên với bán kính hơn 120 km và hơn 130 máy biến áp phụ tải. Đặc biệt, 14 năm qua, giá bán điện cho Lào chỉ duy trì ở mức hữu nghị là 6 cents/kWh, thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Mở đường cho nhiều dự án đầu tư
Đến nay, Lào đã cấp phép cho các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN), 413 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỉ USD đứng thứ 2 trong các quốc gia đầu tư vào Lào. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực: Năng lượng, dịch vụ hạ tầng, nông-lâm nghiệp, khai khoáng…
Phó Thủ tướng Lào thăm khu kinh tế Nhơn Hội Bình Định
Hầu hết hoạt động đầu tư của các DNVN vào Lào tập trung vào 2 khu vực Trung và Nam Lào. Kết quả, tính đến tháng 9.2014, tổng số dự án đầu tư vào 2 khu vực trên là 199 dự án, với tổng số vốn đạt hơn 4,7 tỉ USD; chiếm 95,4% tổng số vốn đầu tư vào Lào. Trong đó, số vốn mà Việt Nam tham gia là 4,4 tỉ USD, tương đương với hơn 95% tổng số vốn FDI Việt Nam đầu tư vào Lào.
Riêng kết quả hợp tác kinh tế giữa các tỉnh Nam Trung bộ -TN với các tỉnh Trung - Nam Lào thời gian qua cũng rất đáng ghi nhận, trong đó có vai trò của tỉnh Bình Định, được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Phân ban hợp tác Việt Nam - Lào đánh giá là địa phương đi đầu trong các hoạt động hợp tác với các tỉnh Nam Lào.
Các DN Bình Định đã triển khai nhiều dự án đầu tư tại Lào, tiêu biểu như: Dự án trồng 8.000 ha cây cao su, cây lấy gỗ và xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại tỉnh Sekong của Công ty Cao su hữu nghị Lào - Việt (LVF), với tổng vốn đầu tư 20 triệu USD, trong đó Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (BIDIPHAR) góp 80%; Dự án trồng 10.000 ha cây cao su, cây lấy gỗ và xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại tỉnh Sekong của Công ty cổ phần Công nông nghiệp Bình Định (BIDINA), tổng vốn đầu tư 23 triệu USD; Dự án liên doanh nhà máy dược phẩm tại tỉnh Champasak (do BIDIPHAR liên doanh với Xí nghiệp Dược Champasak thực hiện), tổng vốn đầu tư 2 triệu USD…
Cùng vượt khó, tạo hướng liên kết bền vững
Theo Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad, từ lâu mối quan hệ Lào - Việt được coi là “quan hệ hữu nghị đặc biệt”, vì vậy quan hệ kinh tế cũng là “quan hệ đặc biệt”. Ông đánh giá cao kết quả các chương trình hợp tác kinh tế giữa các tỉnh miền Trung-TN Việt Nam với các tỉnh Trung- Nam Lào thời gian qua. Tuy nhiên, kết quả mang lại chưa đáp ứng so với mục tiêu mà Chính phủ hai nước đề ra và chưa thực sự đúng tầm “quan hệ kinh tế đặc biệt”.
Tại buổi tọa đàm lần thứ II-2014, các DNVN đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư tại Lào. Việc phân cấp, cấp phép đầu tư tại Lào chưa rõ ràng, thời gian xử lý hồ sơ của các cơ quan nhà nước Lào (như cấp phép, cấp đất, giải phóng mặt bằng…) còn chậm; chính sách hay thay đổi nên gây khó khăn cho nhà đầu tư. Một số dự án trồng cao su của các DNVN không được cấp đủ quỹ đất, hoặc chậm triển khai do bị dừng, thu hẹp diện tích… Bên cạnh đó, Chính phủ Lào chưa có quy định rõ ràng về chính sách tạm nhập tái xuất thiết bị thi công dự án; thủ tục hải quan chưa thuận tiện; các loại thuế tại Lào còn cao…
Các ý kiến của DNVN đã được hai Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Somsavat Lengsavad ghi nhận. Hai Phó Thủ tướng thống nhất: Chính phủ 2 nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các DN phát triển đầu tư tại Lào, trong đó có khu vực Trung - Nam Lào; đồng thời sẽ chỉ đạo các bộ, ngành của 2 nước rà soát, chấn chỉnh lại các thủ tục pháp lý, loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp (nhất là đối với các lĩnh vực hải quan, thuế, đất đai…).
Chính phủ 2 nước cũng sẽ nghiên cứu để ký kết một số Hiệp định khung về xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; thống nhất về các thủ tục cấp phép, thống kê, quản lý các dự án đầu tư của Việt Nam sang Lào. Ngoài ra, hai bên sẽ phối hợp rà soát các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào, nhằm phân loại, đánh giá và có giải pháp hỗ trợ, xử lý dứt điểm đối với dự án khó khăn; ưu tiên giao các dự án dọc biên giới Việt Nam- Lào cho các DNVN và DN Lào thực hiện…
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa của mối quan hệ truyền thống hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, đồng thời lưu ý: Khi triển khai các chương trình hợp tác kinh tế với Lào, các bộ, ngành, DNVN cần phải nhớ lời dạy của Hồ Chủ tịch “Giúp bạn cũng chính là giúp mình!”.
Văn Thuận