Thứ Sáu, 22/11/2024 12:36:19 GMT+7
Lượt xem: 522

Tin đăng lúc 07-06-2023

Điện, xăng, thực phẩm tăng giá, gánh nặng chi tiêu ‘đè lên vai’ người tiêu dùng

Từ đầu tháng 5 tới nay, hàng loạt mặt hàng trên thị trường bắt đầu tăng giá. Người tiêu dùng thêm gánh nặng chi tiêu bởi đợt tăng giá này lại diễn ra ở một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng, thực phẩm…
Điện, xăng, thực phẩm tăng giá, gánh nặng chi tiêu ‘đè lên vai’ người tiêu dùng
62% người tiêu dùng có xu hướng giảm tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu

Tiết giảm chi tiêu là một trong những giải pháp được nhiều người tiêu dùng lựa chọn trong bối cảnh hiện nay. Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn trong những tháng qua đã khiến nhiều người lao động khó tăng thêm thu nhập, chưa kể số khác còn mất việc làm.

 

62% người tiêu dùng giảm chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu

 

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,55% so với cùng kỳ 2022, lạm phát cơ bản tăng 4,83%. Nguyên nhân được Tổng cục Thống kê cho là do giá lương thực, thực phẩm tăng, giá điện, nước sinh hoạt cũng tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài.

 

Trước bối cảnh thu nhập từ lương tăng không bằng với mức tăng của nhiều loại hàng hóa, người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Khảo sát “Thói quen tiêu dùng 2023” của PwC cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang thận trọng hơn trong thói quen chi tiêu. Cụ thể, 62% người tiêu dùng có xu hướng giảm tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu.

 

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho hay sức mua trong kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 có nhích một chút so với mức khá thấp của 4 tháng trước đó. Thế nhưng hết lễ thì sức mua của người tiêu dùng trong những ngày gần đây tuy không giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng không tránh khỏi việc thắt chặt chi tiêu và ngày càng tính toán hơn khi mua sắm.

 

Khách hàng có xu hướng cân nhắc về giá, giảm chi tiêu khá nhiều, nhất là phân khúc những người có thu nhập trung bình. Chính vì vậy, trong năm nay Công ty TNHH Thương mại quốc tế hải sản Hoàng Gia đặt ra chỉ tiêu kinh doanh giảm hơn 2022, không mở cửa hàng mới, củng cố những điểm bán đang có và tập trung bán hàng online… "Tình hình chưa thấy có dấu hiệu gì sáng hơn dù đã sắp hết quý II/2023. Đây là khó khăn chung từ thế giới đến trong nước, không biết khi nào kinh tế hồi phục và sức mua tăng trở lại", ông Trần Văn Trường, giám đốc công ty chia sẻ.

 

Là một đầu mối bán buôn quần áo online, chị Thuý (Hoàng Mai, Hà Nội) than thở, hàng rất ế, đăng bài lên nhưng lượng tương tác ít, khách mua cũng ít và giảm về số lượng. Người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu. “Như nhà tôi buôn bán, hàng không bán được nên cũng không có tiền. Các con nghỉ hè nhưng vẫn phải tiết kiệm, tiền học phí, đồng phục, xây dựng trường lớp… đều phải tiết kiệm từ bây giờ để chuẩn bị chi cho năm học mới” chị Thúy nói.

 

“Cấp cứu” sức mua bằng công cụ của Nhà nước

 

Giá xăng dầu từ đầu năm đến nay số lần tăng nhiều hơn số lần giảm và giữ nguyên giá bán. Trong khi đó, từ đầu tháng 5, ngành điện điều chỉnh tăng giá điện thêm 3% so với giá điện bán lẻ bình quân trước đó. Bên cạnh đó, Hà Nội đang dự kiến tăng giá nước sạch từ tháng 7, với mức tăng trung bình từ 8.300 đồng/m3 lên hơn 11.900 đồng/m3 trong 6 tháng cuối năm 2023 và 13.323 đồng/m3 năm 2024.

 

Theo các chuyên gia, tất cả những khoản chi này đều “đánh” trực tiếp vào túi tiền của người tiêu dùng. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng lo ngại khó tránh khỏi đợt “té nước theo mưa” xảy ra đối với nhiều mặt hàng trong thời gian tới. Chị Nguyễn Thu Hiền, Quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) lo ngại: “Năm nào cũng vậy, sau khi giá các mặt hàng thiết yếu tăng, nhiều mặt hàng, nhất là thực phẩm có xu hướng tăng giá. Năm nay, nhiều mặt hàng thiết yếu xăng, điện, nước... lũ lượt kéo nhau tăng giá. Với tình hình này, giá sinh hoạt chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể, trong khi thu nhập, lương không tăng theo kịp. Gánh nặng này người tiêu dùng lại hứng chịu, đời sống những người thu nhập thấp sẽ càng khó khăn”.

 

Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm có giải pháp kìm giá nguyên liệu, xăng dầu..., nếu không giá bán thực phẩm sẽ còn tăng. Đồng thời, để kinh tế sớm phục hồi, phải tăng sức mua cho thị trường, bằng cách triển khai kích thích nhu cầu nội địa thông qua công cụ của Nhà nước và công cụ của doanh nghiệp.

 

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, với công cụ của Nhà nước, tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) là cần thiết. Theo ông, giảm thuế VAT xuống 8% là chưa đủ, mà cần có giải pháp mạnh hơn, thậm chí giảm xuống còn 5-6%. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, kích cầu thị trường nội địa thông qua tín dụng tiêu dùng.

 

"Về phía doanh nghiệp, nên chấp nhận thực hiện các chiến dịch giảm giá, kích thích thị trường trên tất cả lĩnh vực, để giảm hàng tồn kho, một mặt phục vụ thị trường nội địa, một mặt chờ tín hiệu từ thị trường quốc tế để nối lại hoạt động xuất khẩu", ông Lịch nói.

 

Đồng tình với việc giảm VAT 2% để góp phần thúc đẩy sức mua trong nước, song chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng việc giảm thuế VAT 2% phải được áp dụng trong thời gian dài hơn. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giải ngân đầu tư công.

 

Ông Hiển phân tích, hiện nay, một phần lượng tiền đầu tư công ở Việt Nam lại chi cho giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng nên sẽ không trực tiếp tạo ra nhiều công ăn việc làm hay tăng sức mua cho các lĩnh vực liên quan như vật liệu xây dựng. Đó là chưa kể, việc đầu tư công chỉ mang lại hiệu quả góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian dài. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chính sách giảm thuế, phí nhiều hơn ở nhiều dịch vụ, sản phẩm.

 

Theo Vnbusiness


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang