Chủ Nhật, 24/11/2024 21:33:15 GMT+7
Lượt xem: 840

Tin đăng lúc 02-10-2021

Điều gì đã đưa xuất khẩu 9 tháng qua đạt tăng trưởng 18,8%?

Thời gian qua, dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là các biện pháp giãn cách xã hội đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu. Mặc dù vậy, xuất khẩu của Việt Nam trong các tháng 4, 5, 6, 7 vẫn tăng so với cùng kỳ của năm 2020.
Điều gì đã đưa xuất khẩu 9 tháng qua đạt tăng trưởng 18,8%?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng trưởng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản cũng đã có tăng trưởng 2 con số (tăng 10,8%). Thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam là Trung Quốc, và riêng kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 25,5% sản lượng ở mặt hàng này. Trong bối cảnh kiểm soát dịch bệnh COVID-19 từ phía bạn ngày càng chặt cũng như những yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn sản phẩm sang thị trường này đòi hỏi việc giao thương hàng hoá cần được chuyển mạnh sang chính ngạch để tạo thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu.

 

PV VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh về vấn đề này.

 

PVMặc dù chịu tác động rất lớn bởi dịch covid-19 song tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng qua vẫn đạt được 18,8%. Thứ trưởng nhìn nhận như thế nào về kết quả này cũng như sự nỗ lực của doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua ?

 

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Thời gian qua dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là các biện pháp giãn cách xã hội đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù vậy, xuất khẩu của chúng ta trong các tháng 4, 5, 6, 7 vẫn tăng so với cùng kỳ của năm 2020, chỉ giảm trong tháng 8, tháng 9, song cũng ở mức giảm cũng rất là khiêm tốn. Được như vậy, trước hết là nhờ sự nỗ lực cao độ của tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ Thủ tướng cho đến Bộ trưởng các bộ, ngành, từng người, từng cơ quan, ở vị trí của mình đã đóng góp rất to lớn vào công việc này. Tôi xin nhấn mạnh nỗ lực của tất cả các doanh nghiệp đã giữ vững được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian vừa qua. Và đây thực sự là một điểm sáng trong cái điều hành của Chính phủ trong thời gian dịch bệnh vừa qua.

 

PVCụ thể chúng ta đã triển khai những công việc gì để có được kết quả như vậy, thưa Thứ trưởng?

 

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Chúng ta đã làm được rất nhiều việc, ví dụ như kết nối giữa người bán và người mua, chúng ta cũng đã tận dụng để phổ biến, tuyên truyền cho các doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà chúng ta đã ký kết. Nhưng tựu trung lại thì có 3 việc rất lớn mà chúng ta đã làm được:

 

Thứ nhất, là nỗ lực cao độ để duy trì sản xuất và xuất khẩu. Điển hình, chúng ta đã duy trì được nhịp độ sản xuất và xuất khẩu tại khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung, trong đó có những trung tâm xuất khẩu rất lớn như tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên. Nếu như chúng ta không kiểm soát được dịch bệnh và duy trì được sản xuất xuất khẩu tại những trung tâm xuất khẩu lớn này thì xuất khẩu đã có thể còn giảm hơn nữa.

 

Thứ hai, chúng ta đã dồn toàn lực bảo đảm lưu thông hàng hóa trong bối cảnh giãn cách xã hội, bao gồm cả hàng hóa là đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu cũng như là hàng xuất khẩu trên đường ra các cảng biển để xuất khẩu. Đối với lĩnh vực, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải đã rất quyết liệt. Cho nên nhiều ách tắc phát sinh đã được xử lý kịp thời trong một thời gian tương đối ngắn để giữ cho dòng chảy của hàng hóa xuất khẩu không bị gián đoạn.

 

Điểm cuối cùng cũng hết sức quan trọng, đó là, rút kinh nghiệm của những quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan… ở những nước này thì khi mà dịch bệnh lan đến các cảng biển nó đã làm cho xuất khẩu bị tê liệt và sau đó xuất khẩu đã giảm rất mạnh. Tuy nhiên, ở nước ta, chúng ta đã lưu ý đến việc này từ rất sớm để giữ an toàn cho tất cả các cửa ngõ xuất khẩu chính. Chính nhờ sự quan tâm này nên trong thời điểm khó khăn nhất các cảng biển ở khu vực TP Hồ Chí Minh vẫn hoạt động an toàn. Ví như Cảng Cát Lái cũng có đình trệ nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn đã khôi phục trở lại, còn các cửa ngõ xuất khẩu ở biên giới phía Bắc tuy tốc độ thông quan có chậm hơn thông thường nhưng về cơ bản vẫn xuất khẩu được, nhờ đó đã giúp tiêu thụ một khối lượng rất lớn nông sản hàng hóa cho người nông dân, nhất là các sản phẩm nông sản trái cây khi vào mùa vụ.

 

PVĐược biết việc XK hàng hoá, nông sản thực phẩm của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng lớn, và việc XK nông sản vào thị trường Trung Quốc đã có các quy định khắt khe hơn. Xin Thứ trưởng cho biết cụ thể về vấn đề này?

 

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Tổng cục Hải quan Trung Quốc trong thời gian vừa qua đã đưa ra các quy định mới về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc, tác động đến lĩnh vực nông sản thực phẩm. Tức là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc từ nay trở đi sẽ phải tiến hành đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc. Trước hết, việc hướng dẫn các quy định của Trung Quốc trong lĩnh vực nhập khẩu nông sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn cho các doanh nghiệp, và Bộ cũng sẽ tập trung vào những mảng do Bộ Công Thương phụ trách, ví dụ thực phẩm làm từ tinh bột sẽ do Bộ Công Thương chủ trì hướng dẫn cho các doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng ta cũng thấy những quy định này chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (xuất khẩu tiểu ngạch). Từ trước đến nay chúng ta có thực tiễn là khu vực biên giới phía Bắc chủ yếu xuất khẩu không theo hình thức chính ngạch mà xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, những hợp đồng bằng miệng, không có hợp đồng chính thức và cũng không tuân theo một quy chuẩn, quy tắc nào cả. Còn những doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức chính ngạch thì dễ đáp ứng các điều kiện mới này của Trung Quốc hơn, bởi vì về cơ bản thì cũng chỉ là đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu thôi.

 

Cho nên thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm vào Trung Quốc. Thứ hai, Bộ Công Thương đã nhiều lần nhấn mạnh, chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu đi Trung Quốc cần chuyển nhanh và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch. Chúng ta có thể thấy thực tế trong những thời điểm khó khăn nhất xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông hết sức bình thường, còn xuất khẩu tiểu ngạch tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Hình thức trao đổi cư dân tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Vì vậy,  trong lúc này để bảo đảm tiêu thụ được hàng hóa, đặc biệt là nông sản cho người nông dân, các doanh nghiệp cũng như các thương nhân cần chú trọng chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

 

PVViệc chuyển từ XK tiểu ngạch sang XK chính ngạch liệu có khó khăn nhiều không và lợi ích của XK chính ngạch như thế nào thưa Thứ trưởng?

 

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Xuất khẩu chính ngạch không phải là điều quá khó, đơn giản chỉ là việc ký kết hợp đồng với những điều khoản rất cụ thể về thời gian giao hàng, về địa điểm giao hàng, phương thức giao hàng, phương thức thanh toán, trong đó quy định trách nhiệm và quyền lợi rất rõ ràng. Khi chúng ta chuyển sang xuất khẩu chính ngạch như vậy các cửa khẩu chính ngạch ví dụ như cửa khẩu Hữu Nghị ở Lạng Sơn, hay là các cửa khẩu chính ngạch trên ngả Cao Bằng - hiện nay các cửa khẩu chính ngạch ở Cao Bằng rất thông thoáng nhưng các doanh nghiệp không đi mà họ tập trung vào xuất theo hình thức trao đổi cư dân.

 

Nếu như chúng ta có thể chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch thì những trở ngại, nhất là đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu hay những trở ngại khác của trao đổi cư dân sẽ không gặp phải. Khi đó, việc xuất khẩu sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhiều.

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!./.

Theo Vov.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang