Điều kiện ngừng, giảm mức cung cấp điện được quy định tại Thông tư 22/TT-BCT như sau:
Đối với trường hợp không khẩn cấp:
- Ngừng, giảm mức cung cấp điện theo kế hoạch của bên bán điện khi có nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, xây lắp các công trình điện, điều hoà, hạn chế phụ tải do thiếu nguồn điện và các nhu cầu khác theo kế hoạch;
- Ngừng cấp điện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có liên quan trong trường hợp để đảm bảo an toàn phục vụ thi công các công trình;
- Ngừng, giảm mức cung cấp điện theo yêu cầu của bên mua điện.
Đối với trường hợp khẩn cấp:
- Có sự cố xảy ra trên lưới điện cấp điện cho bên mua điện; sự cố trong hệ thống điện gây mất điện mà bên bán điện không kiểm soát được;
- Có nguy cơ gây sự cố, mất an toàn nghiêm trọng cho người, thiết bị và hệ thống điện;
- Hệ thống điện thiếu công suất dẫn đến đe dọa an ninh hệ thống điện;
- Có sự kiện bất khả kháng.
Trường hợp do tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật:
- Bên mua điện có hành vi vi phạm quy định tại:
+ Các khoản 1, 4, 5, 6, 7 và khoản 8 Điều 7 Luật Điện lực;
+ Điểm a và điểm b khoản 2 Điều 46; điểm b và điểm c khoản 2 Điều 47 Luật Điện lực;
- Bên mua điện không thực hiện thanh toán tiền điện theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực;
- Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện biện pháp cưỡng chế ngừng cấp điện theo quy định tại Điều 43 Nghị định 134/2013/NĐCP ngày 17/10/2013;
- Bên mua điện không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng, không duy trì biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 12 Nghị định 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013.
Lưu ý:
- Bên bán điện là đơn vị điện lực thực hiện ngừng và cấp điện trở lại, bao gồm: Đơn vị phân phối điện, Đơn vị phân phối và bán lẻ điện.
- Bên mua điện là tổ chức, cá nhân mua điện để sử dụng hoặc để bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện, gồm: Đơn vị phân phối và bán lẻ điện, khách hàng sử dụng điện.
Thông tư 22/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/10/2020.
Theo Dân Việt