Thứ Bẩy, 23/11/2024 06:47:01 GMT+7
Lượt xem: 6252

Tin đăng lúc 06-03-2017

Điều mất mùa, doanh nghiệp vất vả vượt khó

Chưa năm nào giống như năm nay, khi thời tiết nắng mưa bất thường, không đoán định được, sau Tết nguyên đán Đinh Dậu, nhiều vườn điều của nông dân ở miền Đông Nam bộ cũng lâm cảnh mất mùa nghiêm trọng... Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến - xuất khẩu điều cũng phải hết sức vất vả vượt khó.
Điều mất mùa, doanh nghiệp vất vả vượt khó
Điều mất mùa do thời tiết bất thường

Mưa trái mùa, điều mất mùa

Ông Nguyễn Văn Trung, ngụ xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cho biết: “Những cơn mưa trái mùa đổ xuống liên tục từ trước đến sau Tết, dẫn tới vườn điều gần 4 ha của gia đình tôi đã không đậu trái, năng suất bị giảm sút nghiêm trọng. Gần đây, tôi trông chờ đợt thụ trái kế tiếp; nhưng mấy ngày gần đây, lại mưa lốc diễn ra, bông điều rụng hết, coi như mất trắng mùa điều”. Tương tự, gia đình anh Điểu Mom ở xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập cũng rơi vào cảnh bi đát không kém khi 2 ha điều của gia đình anh đã bị mất mùa hơn 70%. Trong khi đó, anh Lê Minh Thành, ngụ xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng – cho biết: “Mưa trái mùa gây rụng bông điều, dẫn tới cây không thụ trái; bên cạnh đó, bệnh thán thư và sâu bệnh cũng phát sinh, khiến trái điều hư hỏng nặng nề… Vườn điều gần 10 ha của nhà tôi bị mất mùa hơn 50%. Giờ này năm trước, cả gia đình tôi tất bật thu hoạch điều. Nhưng năm nay, coi như … chơi không, điều đâu mà hái? Trong khi đó, giá thu mua điều năm nay cao ngút ngàn – 45.000 đồng/kg. Tiếc, không có điều mà bán”.


Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, theo phản ánh của nhiều nông dân, đây là năm thứ tư nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu mất mùa điều. Ông Nguyễn Văn Thành (thường trú xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc), cho biết: “Với  3 ha điều, hằng năm gia đình tôi thu hoạch khoảng 2,5 – 3 tấn điều thô, thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Song, trước diễn biến thời tiết như hiện nay, coi như vụ điều năm 2017, gia đình tôi mất trắng”. Trong khi đó, tình hình thu hoạch điều ở tỉnh Đồng Nai cũng không mấy sáng sủa. Tại hai huyện Thống Nhất và Trảng Bom – thủ phủ cây điều của tỉnh Đồng Nai, năng suất điều đã giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 1,5 – 2 tạ/ha, sụt giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoài. Mặc dù giá thu mua điều ở Đồng Nai khá cao, khoảng 46.000 – 50.000 đồng/kg điều tươi, tăng từ 16.000 – 18.000 đồng/kg, so với năm trước. 


Ông Nguyễn Văn Đạo - Trưởng phòng thông tin chuyển giao, thuộc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước) nói: “Hằng năm, vụ thu hoạch điều bắt đầu từ tháng 2 và kéo dài đến hết tháng 5. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên tháng 2 cây điều mới ra bông, dự kiến phải đến giữa tháng 4 mới cho thu hoạch. Hiện tượng mưa trái mùa xảy ra, chưa hẳn vườn điều nào cũng mất mùa, vì chỉ những vườn đang ra bông rộ và thụ phấn tại thời điểm mưa mới bị ảnh hưởng, còn những vườn đã đậu trái non hoặc chưa ra bông nhiều sẽ có kết quả khả quan”. Theo khảo sát của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, ở 2 huyện Phú Riềng và Đồng Phú, do ảnh hưởng của mưa trái mùa, nhiều vườn điều đã xuất hiện bệnh thán thư và dày đặc bọ xít phá hoại. Bọ xít chích tới đâu gây ra nấm bệnh đến đó và là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh thán thư lây lan nhanh và nặng hơn, làm bông, trái non chảy nhựa, ảnh hưởng tới năng suất cũng như mẫu mã hạt điều. Ngoài ra, trên các vườn điều trong tỉnh còn xuất hiện bệnh khô cành, khô đọt. Đó là những nguyên nhân gây mất mùa điều trong năm 2017 này. Ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thống kê của ngành NN-PTNT cho biết: toàn tỉnh có tổng cộng 9.800 ha điều đã bị thiệt hại nặng do mưa trái mùa (trong đó có không ít vườn điều mất trắng).

 

 

Do mưa nhiều, bông điều rụng không đậu trái, khiến nhiều nông dân ở Bình Phước 
mất mùa điều. Ảnh: Đ.A

 

Có thiếu nguyên liệu để chế biến?

 

Trước thực trạng mất mùa điều, vấn đề đặt ra ở đây, các DN chế biến hạt điều lấy đâu ra nguyên liệu điều thô để sơ chế và xuất khẩu? Ông Lê Quang Luyến – Giám đốc Cty TNHH chế biến điều Phúc An (Bình Phước) – cho rằng: “Đây là khó khăn cho các DN điều VN. Một khi điều trong nước không đủ cung ứng, chắc chắn các DN phải bỏ ngoại tệ khá lớn để nhập khẩu điều thô từ châu Phi, Campuchia, Indonesia… Nhập khẩu nhiều, lợi nhuận sẽ giảm, chí phí vận chuyển tăng. Chưa nói, chất lượng điều thô nhập khẩu lại kém, không bằng điều trong nước”. Theo Hiệp hội Điều VN (Vinacas): Dự kiến trong năm 2017, các DN chế biến điều VN sẽ xuất khẩu 360.000 tấn nhân điều, với kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ USD (tăng 3,4% về sản lượng và  tăng 5,6% về giá trị kim ngạch so với năm 2016). Và, để đạt mục tiêu đó, ngành điều VN phải nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn điều thô. Tuy nhiên, theo Vinacas, sản lượng điều thô tồn kho trong nước tới thời điểm đầu tháng 1.2017 còn khá thấp, trong khi mùa vụ năm 2017 dự báo không sáng sủa, có thể sụt giảm, mất mùa.v.v… Để đối phó với khó khăn thiếu nguyên liệu sản xuất, Vinacas cho rằng, các DN sẽ phải cân đối, nhập khẩu nhiều nguyên liệu mới đủ cho sản xuất; bằng không, ngành điều sẽ thiếu nguyên liệu sản xuất.v.v… Ở tỉnh Bình Phước có 34 DN chế biến điều tham gia xuất khẩu trực tiếp. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hạt điều nhân của tỉnh đạt 504,1 triệu USD. Trong lĩnh vực nhập khẩu, toàn tỉnh có 286 DN và 328 cơ sở chế biến hạt điều đang hoạt động với công suất khoảng 600 ngàn tấn/năm. Tuy nhiên, tổng sản lượng hạt điều của Bình Phước năm 2016 chỉ có 153.530 tấn. Do vậy, sản lượng điều trong tỉnh không đáp ứng đủ công suất chế biến của các nhà máy. Năm 2016, các đơn vị chế biến điều trên địa bàn tỉnh đã phải nhập khẩu 400 ngàn tấn điều thô. Thống kê của Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 2, lượng điều xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 22 nghìn tấn (tương đương 198 triệu USD). Tuy nhiên, VN phải chi tới 172 triệu USD để nhập khẩu gần 68.000 tấn nguyên liệu điều. Đồng nghĩa, số lượng điều nhập khẩu về gấp hơn 3 lần số lượng điều xuất khẩu…Trước đó, vào năm 2016, VN cũng đã nhập khẩu một lượng điều lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 1 triệu tấn, tăng 14% so với năm trước và gấp 3 lần so với lượng điều xuất khẩu được.

 

Làm gì để đạt 3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu điều?

 

Phải thừa nhận một thực tế, trong 11 năm liên tiếp, các DN ngành điều  đã đưa VN trở thành nước chế biến - xuất khẩu điều lớn nhất thế giới. Riêng năm 2016, VN đã xuất khẩu được 348.000 tấn điều nhân các loại với kim ngạch xuất khẩu 2,84 tỷ USD, tăng 5,6% về lượng và tăng 18,4% về trị giá so với năm 2015. Vinacas đặt kế hoạch trong năm 2017 sẽ xuất khẩu 360.000 tấn nhân điều, đạt kim ngạch 3 tỷ USD. Trước hàng loạt khó khăn như mất mùa, thiếu nguyên liệu, vậy cách nào để ngành điều VN đạt con số 3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu? Theo ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Vinacas: “Chúng ta không nên coi việc nhập khẩu điều thô là bất lợi… Trái lại, việc nhập điều thô về chế biến sâu, rồi xuất khẩu, sẽ nâng giá trị từ 30 - 40%. Như vậy là tốt, chứ đâu có bất lợi”. Ông Thanh cho rằng, cái quan trọng là các DN nhập khẩu điều thô phải  tạo dựng mối quan hệ tốt với nước sản xuất điều thô, thu mua nguyên liệu có chất lượng cao, tìm phương thức thanh toán an toàn, không để bị lừa đảo trong mua bán... Công nghệ chế biến sâu sẽ là chiếc chìa khóa đưa VN vươn lên trở thành quốc gia chế biến nhân điều và xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới. Khi đó, chẳng có lý do gì ngại ngần nhập khẩu điều thô.

Trong lúc đó, ngay tại tỉnh Bình Phước – được coi là thủ phủ của ngành điều, nơi có diện tích trồng điều lớn nhất nước – chính quyền và các cơ quan ban ngành cũng hết sức quan tâm đến việc phát triển ngành điều trong năm 2017 này. Thế nhưng, theo các DN ở tỉnh Bình Phước: Khó khăn lớn nhất của ngành điều tỉnh Bình Phước hiện nay, chủ yếu là sản xuất bán thành phẩm, DN nhỏ lẻ, không đủ vốn, không đủ nhân lực để chế biến đến sản phẩm cuối cùng. Để vượt qua khó khăn này, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ DN chế biến đến sản phẩm cuối cùng. Cần có cơ chế thông thoáng hơn để DN tiếp cận vốn vay ngân hàng và đưa cây điều thành cây rừng phòng hộ để vừa tạo rừng vừa tạo nguyên liệu ổn định sản xuất.
Phát biểu trong buổi gặp gỡ các DN chế biến điều mới đây, ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước – nhấn mạnh: “Là tỉnh nông nghiệp, điều là cây chủ lực. Đã đến lúc không còn mạnh ai nấy làm. Phải liên kết để nâng cao năng suất cho cây điều. Phải liên kết giữa nông dân với nhà khoa học, với DN để tạo chuỗi giá trị gia tăng cho cây điều. Thị trường bắt buộc chúng ta không thể “ăn xổi”. Các DN phải xây dựng theo chuỗi giá trị cho ngành điều, chia sẻ lợi nhuận cho người nông dân, người sản xuất bằng nhiều cách”. Về vốn vay ngân hàng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo: Phối hợp xử lý nợ xấu và tái cơ cấu lại vốn cho các DN thuộc ngành điều trên tinh thần chia sẻ khó khăn với DN. Gói 60.000 tỷ đồng, ngân hàng phải hướng dẫn quy trình, thủ tục vay vốn cho DN.

Trong khi đó, theo ông Trương Quang Dũng – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Phước: “Nguồn vốn dành cho vay để trồng, chăm sóc, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ cây điều hiện nay không thiếu, nếu không muốn nói là khá dồi dào. Riêng năm 2016, doanh số cho vay đối với ngành điều 12.455 tỷ đồng; doanh số thu nợ của ngành điều 10.429 tỷ đồng; nợ xấu đối với ngành điều 110 tỷ đồng, chiếm 0,29% tổng dư nợ trên địa bàn toàn tỉnh. Vốn từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hiện nay sẵn sàng hỗ trợ các DN thu mua, chế biến, xuất khẩu điều nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung”.

Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Phước, tính đến ngày 16.2, tổng dư nợ cho vay đối với ngành điều trên địa bàn tỉnh đạt 5.682 tỷ đồng; trong đó cho vay để trồng và chăm sóc 1.786 tỷ đồng; thu mua, chế biến 3.036 tỷ đồng và vay để xuất khẩu 858 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 654 DN kinh doanh, chế biến, xuất khẩu sản phẩm điều đã vay tổng cộng 3.193 tỷ đồng. Ngoài DN còn có 34.477 hộ gia đình, cá nhân vay 2.421 tỷ đồng để trồng và chăm sóc cây điều.

Theo ông Đặng Hoàng Giang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vinacas: “Bình Phước là thủ phủ của ngành chế biến – xuất khẩu điều VN. Hầu hết các DN chế biến – xuất khẩu điều lớn nhất nước đều có cơ sở ở Bình Phước. Trước quyết tâm hỗ trợ DN mạnh mẽ của lãnh đạo, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước, thì Vinacas cũng hết sức yên tâm rằng, các DN xuất khẩu điều sẽ vượt qua khó khăn trong vụ mùa năm 2017, để đạt con số 3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017”.

 

Nguồn Laodong.com.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang