Dự và phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định Việt Nam luôn quan tâm và đặt mục tiêu phát triển điện phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đến nay, hệ thống điện quốc gia đã có những bước phát triển vượt bậc, đảm bảo cung cấp đủ điện với chất lượng và độ tin cậy ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Tuy nhiên, ngành điện Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn trong giai đoạn tới. Đó là thiếu nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện dẫn đến Việt Nam phải nhập khẩu than ngay từ năm 2016 và quy mô tiếp tục tăng lên khoảng 50 triệu tấn năm 2020, trên 80 triệu tấn từ sau năm 2030; nhu cầu vốn đầu tư ngày càng lớn; yêu cầu về độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng dịch vụ khách hàng ngày càng cao...
Vì vậy, Phó Thủ tướng nêu rõ thời gian tới, ngành điện Việt Nam cần phải tiếp tục đổi mới, định rõ chiến lược phát triển nhanh, bền vững; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện VII để có các giải pháp điều hành hợp lý, đảm bảo cung ứng đủ điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch và yêu cầu nhập khẩu than cho phát điện bằng cách phát triển các nguồn năng lượng thay thế, đặc biệt là năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Trong đó, nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng khá lớn và có thể đưa sản lượng điện sản xuất từ khoảng 58 tỉ kWh năm 2015 lên đạt khoảng 101 tỉ kWh vào năm 2020, khoảng 186 tỉ kWh vào năm 2030 và trên 452 tỉ kWh vào năm 2050.
Đồng thời, ngành điện cần thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư cho phát triển ngành điện. Việc chuyển đổi giá điện sang cơ chế thị trường liên quan đến việc xóa bỏ bao cấp trong cả sản xuất và tiêu thụ điện nhằm bảo đảm giá điện tạo ra động lực đủ lớn khuyến khích đầu tư và sử dụng điện tiết kiệm, tách hoạt động công ích ra khỏi sản xuất, kinh doanh điện.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cảm ơn sự hỗ trợ, hợp tác đạt hiệu quả cao của WB trong lĩnh vực này thời gian qua; mong muốn WB và các tổ chức tín dụng quốc tế sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho Bộ Công Thương cũng như các doanh nghiệp để phát triển ngành điện Việt Nam bền vững, góp phần đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ.
Ảnh: VGP/Nguyên Linh
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng những nguồn năng lượng chi phí thấp và nguồn tài nguyên thiên nhiên khác đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng hiện nay, mô hình tiêu thụ và sản xuất, tốc độ đô thị hóa chưa từng có đang gây áp lực rất lớn lên các nguồn tài nguyên.
Với tốc độ hiện nay, phát thải từ các ngành năng lượng, công nghiệp, giao thông có thể tăng gấp 4 lần tính theo đầu người, chủ yếu do tăng sử dụng than cho phát điện. Tỉ lệ than trong cơ cấu phát điện sẽ tăng từ 17% năm 2010 lên 58% vào năm 2030.
Bên cạnh đó, các nhà hoạch định, chuyên gia cũng đã trình bày kịch bản tăng trưởng ít phát thải carbon mà qua đó Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia với việc đạt giảm phát thải tích lũy 845 triệu tấn CO2 vào năm 2030.
Tin tưởng cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với con đường phát triển ít phát thải carbon thông qua việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vào năm 2012, song các chuyên gia cũng khuyến nghị cần có hành động sớm và cam kết chính sách quan trọng, thiết kế và triển khai thực hiện trên các lĩnh vực trọng điểm.
Trên cơ sở phân tích trên, các chuyên gia trong nước và quốc tế kiến nghị một số vấn đề về cải cách cơ chế định giá cho các loại nhiên liệu hóa thạch và nhất là không trì hoãn việc điều chỉnh giá năng lượng để trang trải các chi phí, trong đó có giá than và giá điện. Tích cực thực hiện tiết kiệm năng lượng trong các lĩnh vực, thay thế phát điện than bằng tua bin khí chu trình hỗn hợp, kết hợp với thủy điện, điện gió và điện mặt trời...
Nguồn: Chinhphu.vn