Phục hồi sau đại dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa hiện còn đối diện với nhiều khó khăn, đòi hỏi tính tự chủ cao của mỗi DN về nguồn nguyên vật liệu, công nghệ, chất lượng sản phẩm cũng như tính bền vững trong phát triển xuất nhập khẩu.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký - Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam thông tin, do các tác động của tình hình quốc tế, xuất khẩu da giày sang các thị trường EU, Mỹ đang có sự sụt giảm. Trong khi đó, tồn kho của ngành da giày đang khá lớn và đơn hàng có phần chững lại.
“Thách thức lớn nhất của ngành da giày trong phát triển bền vững khi tham gia các FTA thế hệ mới là phải tuân thủ các yêu cầu, quy định về môi trường và nguồn lao động. Khi thực hiện các cam kết FTA, các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, nhưng các hàng rào phi thuế quan sẽ được dựng lên, vì thế các DN phải chủ động nắm bắt được thông tin để có sự chuẩn bị và có chiến lược hoạt động sẵn sàng, phù hợp”, bà Xuân cảnh báo.
Lo ngại tình hình lạm phát và những căng thẳng trên thế giới sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT - Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, nhiều khả năng khó khăn ngắn hạn của ngành dệt may sẽ xuất hiện vào quý IV/2022 và đầu năm 2023, mức độ còn phụ thuộc vào diễn biến xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina và giá dầu trên thế giới.
“Nhu cầu sản phẩm 6 tháng cuối năm có thể sụt giảm, nhưng việc Ủy ban châu Âu (EC) mới thông qua Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn dệt may, trong đó đề cao yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái sẽ là thách thức đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu dệt may. Theo chiến lược này, các DN phải chịu trách nhiệm về sản phẩm trong chuỗi giá trị có đề cao yêu cầu về bảo vệ môi trường”, ông Vương Đức Anh chỉ rõ.
Tăng nội lực cho doanh nghiệp
Để phát triển sản xuất và xuất khẩu bền vững cho DN da giày thời gian tới, đại diện Hiệp hội da giày cho rằng, các DN sản xuất không nên chỉ tập trung một số thị trường, cần đa dạng hoá từ thị trường nhập khẩu cho đến các thị trường xuất khẩu.
“Đặc biệt, các DN cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực, bởi nếu muốn sản phẩm có giá trị gia tăng cao, các DN phải tiến tới sản xuất được sản phẩm chất lượng cao hơn nữa để giá trị thu về cao hơn. Để làm được như vậy, chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng cũng như tay nghề của đội ngũ lao động nhất thiết phải được nâng lên”, bà Phan Thị Thanh Xuân chỉ rõ.
Cũng theo bà Xuân, đối với việc phát triển nguyên phụ liệu, DN cũng cần tập trung phát triển dòng nguyên phụ liệu hướng tới phát triển bền vững, như môi trường xanh, sạch để bắt kịp với xu hướng của thế giới. Điều này vừa đảm bảo ổn định sản xuất, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng một cách bền vững.
Theo ông Vương Đức Anh, dệt may và da giày vẫn đang mong muốn có 1 chiến lược phát triển cụ thể của từng ngành trong giai đoạn 2025 - 2030 theo định hướng của Chính phủ, để 2 ngành này có kế hoạch phát triển, duy trì tính bền vững của xuất khẩu.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM - Bộ Công Thương) cho biết, để triển khai và tận dụng hiệu quả các giải pháp XTTM hướng tới xuất khẩu bền vững, các DN cần nâng cao tính chủ động trong tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách và nghiên cứu thị trường. Trong đó, các DN cần chú trọng nâng cao quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và các hàng rào phi thuế quan.
“Xuất khẩu bền vững đòi hỏi mỗi DN chuẩn bị kế hoạch xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu. Chủ động liên kết giữa các DN nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong việc đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Các DN cần hết sức chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất mà còn trong lĩnh vực thương mại”, ông Tài chỉ rõ.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, để thúc đẩy xuất khẩu theo hướng bền vững, nhà nước cần có chính sách khuyến khích DN tăng tính cạnh tranh để xuất khẩu tăng mạnh về chất, tăng giá trị gia tăng và tỉ lệ nội địa hoá với sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hơn. Bên cạnh đó, nhà nước cần đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí thời gian cho DN tập trung vào sản xuất kinh doanh với tiền đề là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực. Trong hoạt động xuất nhập khẩu cần kiểm soát tốt để đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại.
“Hơn lúc nào hết các DN cần ứng dụng đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, giúp hạ giá thành sản phẩm bằng chuyển đổi số, đổi mới quy trình công nghệ và đổi mới nguồn nhân lực. Những giải pháp này cần được thực hiện đồng bộ, không chỉ riêng nhà nước mà cả chính DN mới có thể hướng đến xuất khẩu bền vững đáp ứng các yêu cầu FTA đề ra”, ông Phương chỉ rõ./.
Theo VOV