Chủ Nhật, 24/11/2024 02:18:36 GMT+7
Lượt xem: 1203

Tin đăng lúc 26-08-2021

Đồ chơi trẻ em giá rẻ tràn ngập chợ mạng và những cảnh báo về an toàn sức khỏe

Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Trung thu, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người tiêu dùng đang có xu hướng mua sắm đồ chơi trẻ em qua các kênh online. Đa dạng về mẫu mã, màu sắc, và quan trọng là giá rất rẻ…, đồ chơi trẻ em độc hại được nhập về từ Trung Quốc đang được rao bán tràn ngập chợ mạng, gây nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Đồ chơi trẻ em giá rẻ tràn ngập chợ mạng và những cảnh báo về an toàn sức khỏe
Đồ chơi trẻ em giá rẻ đang được rao bán tràn lan trên các sàn TMĐT

Các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo hiện là lựa chọn của phần đông người tiêu dùng, tại đây, sản phẩm đồ chơi trẻ em khá phong phú, đa dạng về mẫu mã, chủng loại và giá thành. Ngoài những sản phẩm quen thuộc trên thị trường, một số sản phẩm được nhiều người tìm kiếm năm nay như trống phát nhạc, bộ đèn cánh bướm, đèn trung thu biết bay, đèn lồng lò xo phát sáng 7 màu, các con công, cá heo phát sáng... Các sản phẩm này có mức giá dao động từ 20.000 đến 100.000 đồng/chiếc. Người mua cũng dễ dàng bắt gặp các món đồ chơi "nhái" theo sản phẩm của các thương hiệu như Babie, Airhocs, Baby Alive, Aqua Dabra, Advengers, Banana… Những món đồ như: Trứng Hachimals, Shopkins, quả chuối Banana, búp bê, xếp hình lego, ô tô, robot, máy bay, bộ đồ chơi nhà bếp, y tế... với mức giá rẻ hơn rất nhiều lần. Cụ thể, các loại đồ chơi phổ biến cho bé trai như siêu nhân, ô tô có giá từ 70.000 đồng. Bộ lắp ghép hình lego từ 150.000 đồng. Robot có giá từ 100.000 đồng. Đồ chơi cho bé gái như bộ đồ nấu ăn, bộ đồ bác sỹ, bộ trang điểm… có giá chỉ từ 80.000 đồng trở lên.   

 

Thậm chí, có những sản phẩm có mức giá rất rẻ, chỉ từ 6.000 đồng. Tuy nhiên, những sản phẩm này đều không rõ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, chất liệu, thậm chí là cảnh báo đối với trẻ nhỏ khi sử dụng. 

 

Chị Hồng An (Nguyễn Đức Cảnh, Hà Nội) cho biết: “Con mình rất thích con thú nhún, đồ chơi hình siêu nhân, ô tô, hoặc những quả bóng nhiều màu sắc, dịp Trung thu này các cháu còn muốn mua mặt nạ hoá trang hình thú bằng nhựa mềm. Thấy sản phẩm được bày bán đại trà, giá rẻ bởi kinh tế gia đình cũng có hạn nên mua chứ nguồn gốc của các món đồ chơi nên mình không để ý lắm”.

 

Cũng giống như chị An, nhiều người tiêu dùng khác vẫn chưa hiểu rõ về tác hại của các loại đồ chơi có nguồn gốc không rõ ràng. Đằng sau những màu sắc hấp dẫn, giá cả ưu đãi và đa dạng về chủng loại là những nguy cơ tiềm ẩn chất độc hại gây nguy hiểm cho trẻ.

 

Theo bác sỹ Nguyễn Thị Hữu, Khoa nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức), nhiều loại đồ chơi không rõ nguồn gốc thường được làm từ nhựa kém chất lượng, kim loại pha chì, rất độc hại khi dùng. Các cháu nhỏ thường có thói quen ngậm đồ chơi, nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, có thể gây nên các căn bệnh về đường ruột, ho lao, viêm phổi. Vì vậy, đã có rất nhiều trẻ nhỏ bị dị ứng hay thậm chí là ngộ độc do dùng đồ chơi được làm bằng nhựa. 

 

Các chuyên gia cũng cho biết, sản phẩm càng nhiều màu mắc sắc thì tiềm ẩn nguy cơ độc hại càng cao. Vì dung dịch tạo màu này không phải màu thực phẩm mà là màu dành cho ngành công nghiệp được tạo nên từ các loại hóa chất độc hại như: Crom, chì, thủy ngân…

 

Các đồ chơi làm bằng nhựa luôn có chất hóa dẻo phthalate, chất này dễ dàng rời bỏ chất gốc và dễ phân tán vào cơ thể nếu nó tiếp xúc với nhiệt độ nóng, khi trẻ ngậm đồ chơi, hoặc qua đường hô hấp. Đã có nghiên cứu cho thấy, các hợp chất này có cấu trúc giống như hóc môn sinh dục nữ, vì thế nó có tác dụng đến trẻ nam khi mà hệ thống sinh dục phát triển chưa hoàn chỉnh, từ đó gây ra hiện tượng vô sinh nam, hoặc nam bị nữ tính hóa, hoặc các em bé gái bị dậy thì sớm. Ngoài ra, phthalate là chất có thể gây nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng là rất cao đối với trẻ em.

 

Đồng thời, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng, không vì ham mua đồ chơi rẻ mà làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Khi chọn đồ chơi cho con trẻ, phụ huynh nên lưu ý tới nhãn mác, xuất xứ, thành phần của sản phẩm. Đối với những sản phẩm được làm bằng nhựa, cần phải kiểm tra xem nó có chứa các kim loại nặng như asen, chì, thủy ngân,... gây hại cho trẻ hay không? Nên chọn các thương hiệu đồ chơi uy tín, chất lượng. Trong trường hợp khi tiếp xúc với các loại đồ chơi, trẻ có dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, mẩn ngứa,.... phụ huynh cần ngừng ngay việc cho con chơi những món đồ chơi đó và cho trẻ đến các cơ sở y tế khám nếu các dấu hiệu không thuyên giảm, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

 

Trường An


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang