Thứ Sáu, 22/11/2024 22:59:27 GMT+7
Lượt xem: 3492

Tin đăng lúc 12-08-2015

Đón đầu TPP, Ấn Độ tăng cường đầu tư vào dệt may Việt Nam

Ấn Độ sẽ không bị ảnh hưởng bởi TPP. Thay vào đó, nhiều cơ hội sẽ mở ra cho ngành công nghiệp dệt may của Ấn Độ khi đầu tư vào Việt Nam...
Đón đầu TPP, Ấn Độ tăng cường đầu tư vào dệt may Việt Nam
Ảnh minh họa

Nếu TPP được ký kết, thị trường hàng dệt may của Hoa Kỳ sẽ có thay đổi lớn khi các ưu đãi về thuế dành cho 11 nước thành viên còn lại bao gồm Nhật Bản, Australia, Việt Nam, Singapore và Canada. Đây có thể là một mối đe dọa lớn đối với ngành công nghiệp dệt may của Ấn Độ.

 

Được coi là hiệp định lớn của thế kỷ 21, TPP hứa hẹn sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên TPP. Từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm, cơ hội tiếp cận thị trường; loại bỏ hàng rào thuế quan đối với các loại hàng hóa và dịch vụ.

 

Theo dự báo của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế, khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ là trọng tâm của thương mại toàn cầu và kể cả những nước không tham gia TPP cũng sẽ bị ảnh hưởng.

 

Mỹ tham gia TPP nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước nhờ gỡ bỏ hàng rào thuế quan khi thâm nhập vào các thị trường thành viên TPP. Việc đàm phán TPP đã bắt đầu từ năm 2005 và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2015.

 

“Ấn Độ, cùng với các nước xuất khẩu dệt may khác như Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi TPP do việc miễn thuế đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam” – một báo cáo của Công ty nghiên cứu IndiaNivesh (Ấn Độ) nhận định.

 

Bởi tuân theo quy tắc xuất xứ của TPP, một quốc gia xuất khẩu hàng dệt may không đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ vải, sợi từ một nước thành viên TPP sẽ không được hưởng ưu đãi về thuế quan. Trong khi đó, Việt Nam – một quốc gia xuất khẩu dệt may lớn, lại có lợi thế chi phí lao động rẻ, nguồn nhân công dồi dào.

 

Trên cơ sở đó, nhiều chuyên gia trong ngành dự báo, dòng lợi ích có thể sẽ chuyển dịch từ Ấn Độ sang các nước thành viên TPP. Ngành công nghiệp dệt may của Ấn Độ – ngành vốn được dự đoán tăng 12-15% trong vài năm tới có thể sẽ bị tăng trưởng chậm lại.

 

Việt Nam được đánh giá là một trong những quán quân về xuất khẩu hàng dệt may. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Hoa Kỳ  đã tăng từ 2,88 tỷ USD năm 2005 sang 9,96 tỷ USD năm 2014; với mức tăng trưởng trung bình trong suốt giai đoàn này là 14,8%/năm.

 

Thị phần hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng tăng trưởng ấn tượng từ 3,2% năm 2005 lên 9,3% năm 2014.

 

Tuy nhiên, mới đây ông Anil Rajvanshi, Giám đốc viện Nghiên cứu Nông nghiệp Nimbkar (Ấn Độ) cho biết, Ấn Độ sẽ không bị ảnh hưởng bởi TPP. Thay vào đó, nhiều cơ hội sẽ mở ra cho ngành công nghiệp dệt may của Ấn Độ khi đầu tư vào Việt Nam.

 

“Trong cuộc hội đàm cấp cao với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 10/2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố sẵn sàng cho Việt Nam vay gói tín dụng 300 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu cho một số ngành kinh tế nhằm giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào, tránh bị lệ thuộc vào một thị trường” – ông Rajvanshi nói.

 

Trước đó, nhiều nghiên cứu cho thấy, để có thể sản xuất được sợi và nguyên liệu dệt may trong nước nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” của TPP, ngành dệt may Việt Nam cần thu hút đầu tư từ các nước khác, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.

 

“Ấn Độ đang tăng cường đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam nhằm đón đầu lợi thế về quy tắc xuất xứ từ TPP. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng dành nhiều ưu đãi về thuế, tiền thuê đất… cho các nhà đầu tư Ấn Độ” – báo cáo của IndiaNivesh cho hay.

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang