Dự kiến sức mua tháng giáp Tết Nguyên đán sẽ không tăng so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày và trong dịp Tết. Vì vậy, các mặt hàng trang trí nhà cửa, thời trang..., hay những sản phẩm mang tính vui Tết đang được một số doanh nghiệp giảm giá, kích cầu sức mua.
"Săn" hàng khuyến mãi đón Tết
Khảo sát tại phố Hàng Mã, Lương Văn Can, Hàng Lược…(Hà Nội) cho thấy, dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng các con phố này đã bắt đầu “thay áo mới" đầy màu sắc rực rỡ để đón năm mới. Các cửa hàng kinh doanh đã bày bán sản phẩm đồ trang trí Tết với nhiều mẫu mã, chủng loại với tông màu chủ đạo là đỏ và vàng. Nhiều người dân đã bắt đầu đến vui chơi, mua sắm Tết khiến cho nơi đây vô cùng nhộn nhịp.
Dịp Tết này, các nhà sách như: Nhà sách Fahasa, ADC Book…hay các siêu thị BigC, Lotter Mart…cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mại dành cho sản phẩm trang trí Tết.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, bên cạnh xu hướng mua trữ thực phẩm, những ngày gần đây, hệ thống còn ghi nhận sức mua các mặt hàng trang trí nhà cửa, thời trang... hay những sản phẩm mang tính vui Tết cũng gia tăng.
Ông Phan Văn Thế, cửa hàng trưởng nhà sách Nhã Nam trên đường Tây Sơn cho biết, hệ thống đang có vài chục mẫu đồ trang trí khác nhau, với giá từ vài nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Năm nay, giá đồ trang trí Tết tăng nhẹ so với năm ngoái, khoảng 5%. Nhưng các nhà sách trong hệ thống sẽ giữ giá ổn định đến sát Tết. Thậm chí, với một số sản phẩm, nhà sách thống nhất với nhà sản xuất để đưa ra chương trình khuyến mại nhằm giảm gánh nặng chi tiêu cho khách hàng.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, hàng Việt hoàn toàn có thể đạt đến mức độ canh tranh với các sản phẩm nước ngoài nếu nhà sản xuất thật tâm muốn làm và làm đàng hoàng.
Nhìn chung, những mặt hàng trang trí Tết có giá bán không chênh lệch nhiều so với năm ngoái. Nhưng số lượng hàng thì đa dạng hơn hẳn. Trong đó, những mặt hàng phổ biến gồm đèn lồng, dây trang kim, các dây trang trí, dây đèn lồng nhiều kích cỡ, phong bao lì xì, câu đối… Giá bán những mặt hàng này khá đa dạng từ vài nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng/món đồ, tùy theo nhu cầu và khả năng tài chính của người mua.
Cụ thể, dây trang trí nhỏ có giá từ 10.000 - 20.000 đồng/dây; các đồng tiền vàng có chữ “Chúc mừng năm mới”, “Vạn sự như ý”… tùy kích cỡ lớn nhỏ mà có giá bán từ 120.000 - 250.000 đồng/sản phẩm, câu đối giá 120.000 - 240.000 đồng/đôi; những sản phẩm dây treo trang trí hình con hổ vàng giá dao động từ 30.000 - 200.000 đồng/sợi tùy kích thước và kiểu dáng; bao lì xì chúc mừng năm mới in hình hổ vàng 10.000 - 50.000 đồng/xấp; đèn lồng 150.000 - 350.000 đồng/cặp...
Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường
Có thể nói, thị trường trang trí Tết năm nay, các sản phẩm nhập có xuất xứ từ Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại chủ yếu là các sản phẩm truyền thống trong nước được làm thủ công. Anh Nguyễn Hữu Tuấn, chủ cửa hàng Tuấn Hương (Hàng Mã) chia sẻ: “Năm nay, xu hướng các nhà bán lẻ tìm những hàng Việt có cùng mẫu mã, cùng chất lượng với giá cả tốt hơn phục vụ bà con. Gia đình tôi có xưởng làm đồ thủ công, Tết năm nay, xu hướng người dân chọn sản phẩm thủ công trong nước nên dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng doanh thu cửa hàng chúng tôi vẫn tăng nhẹ so với năm ngoái. Dự kiến những ngày cận Tết, sức mua tăng mạnh, cửa hàng phải thuê thêm nhân công để sản xuất kịp số lượng trả hàng cho khách".
"Hàng Việt Nam năm nay có kiểu dáng phong phú, hình thức sản phẩm vẫn chưa thể bằng hàng nhập. Hàng Việt Nam không có những chi tiết dập nổi chữ cầu kỳ mà các chữ trên sản phẩm đều được in trên giấy đỏ và dán lên sản phẩm", anh Ngọc, chủ một cửa hàng cho biết.
Đang lựa chọn mua đồ trang trí Tết, chị Hoàng Thùy Linh (Cầu Giấy) nói: “Tôi tranh thủ đi chợ Tết sớm sẽ có cơ hội tìm mua được những sản phẩm đẹp, ưng ý và đặc biệt là tìm mua được sản phẩm có chương trình khuyến mãi. Năm nay, tìm hiểu trên bao bì sản phẩm thì mặt hàng xuất xứ Trung Quốc đã giảm nhiều, thay vào đó là hàng sản xuất tại Việt Nam, giá cả cũng không cao hơn là bao và hình thức vẫn rất đẹp”.
Theo nhận định của các chuyên gia, 2 năm trải qua đại dịch, nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng Việt đã thay đổi. Họ chuộng hàng hoá Việt một phần vì các doanh nghiệp đã bắt kịp sản phẩm của nước ngoài về chất lượng và mẫu mã. Mặt khác, người dùng có xu hướng quay trở lại với hàng Việt cũng là cách để thúc đẩy sản xuất trong nước thông qua đó ủng hộ doanh nghiệp Việt vực dậy sau khó khăn từ đại dịch.
“Tết là dịp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, cho doanh nghiệp từ nhà sản xuất đến bán lẻ rất tốt. Làm thế nào để sau dịp Tết, người tiêu dùng vẫn tiếp tục chọn lựa sản phẩm nội để sử dụng chứ không phải chỉ mua mỗi một lần. Để làm được điều này, sản phẩm trong nước phải tăng sức cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng và bao bì sản phẩm", chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú khuyến nghị.
Theo Vnbusiness