Ý Đảng, lòng dân
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại cuộc gặp đã nhấn mạnh, sau 40 năm đổi mới, Việt Nam đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức mới, song "chưa bao giờ có thế và lực như ngày nay”. Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị yêu cầu tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển kinh doanh trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Cùng với đó, Nghị quyết cũng khẳng định tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để DN phát triển, cống hiến.
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta có khoảng gần 900 nghìn DN hoạt động, với khoảng 7 triệu doanh nhân. Kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, 1/3 thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, DN vừa và nhỏ đang chiếm 98% tổng số DN trên cả nước, đóng góp khoảng 50% GDP và 35% tổng thu ngân sách mỗi năm, tạo việc làm, thu nhập cho hơn 50% người lao động. Cùng với các DN nhà nước, các DN FDI, các HTX tạo thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, đưa quy mô GDP Việt Nam vào top 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong top 20 thế giới. Sản phẩm Việt Nam đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước, đồng thời tự hào vươn ra thị trường toàn cầu, đến mọi châu lục.
Khẳng định tầm quan trọng, định hướng xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong xây dựng kinh tế thời kỳ mới, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của các doanh nhân nước ta, góp phần xây dựng đội ngũ DN Việt Nam lớn mạnh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận tinh hoa kinh doanh thế giới và lưu ý, DN cần "nói không với gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, kém chất lượng.
Định hướng phát triển DN
Để đạt mục tiêu phát triển số lượng và chất lượng DN, trên cơ sở quan điểm của Đảng về phát triển DN tại Đại hội XIII, cần phát triển DN bền vững gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.
Sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân vô cùng cần thiết không chỉ trong những hoàn cảnh cụ thể mà còn rất quan trọng đối với việc góp ý xây dựng thể chế chính sách, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong tình hình mới.
Doanh nhân Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế luôn mang trong mình khát vọng đưa DN và đất nước phát triển
Sau gần 80 năm, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945, đến nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã đạt số lượng hàng triệu người, đang lãnh đạo, quản lý, điều hành gần 01 triệu DN, gần 30.000 hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Dự kiến đến năm 2025, cả nước sẽ có 1,5 triệu DN. Đội ngũ doanh nhân đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế Việt Nam năm 2022 vươn lên đứng thứ 37 thế giới về quy mô GDP, nằm trong TOP 20 thế giới về quy mô thương mại quốc tế.
Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia xuất khẩu hàng hoá lớn thứ 6 vào Hoa Kỳ - một trong những nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, vượt qua cả nước Anh, trở thành đối tác thương mại truyền thống của Hoa Kỳ. Một số doanh nhân Việt Nam đã có tên trong danh sách tỷ phú toàn cầu. Hiện có trên 1.600 dự án đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam với tổng số vốn gần 22 tỷ USD.
Nét tiêu biểu của doanh nhân Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế là những người tự tin, có trình độ quản trị và kiến thức chuyên môn, có sự năng động, sáng tạo và có khát vọng đưa DN và đất nước phát triển ngang tầm với các quốc gia thuộc tốp đầu trong khu vực và thế giới, thực hiện nguyện ước của Bác Hồ, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Nước ta đang có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, đặc biệt do tác động của tình hình địa chính trị, khó khăn của kinh tế toàn cầu, cùng với đó là tình hình thiên tai, bão lũ, gây thiệt hại cho cả nền kinh tế. Đồng thời, khi xử lý những bất cập, tồn tại của thị trường tài chính nhất là trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ sẽ có thể ảnh hưởng đến tâm lý xã hội và nhà đầu tư.
Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa, cùng cộng đồng DN không ngừng phát triển cả về lượng và chất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; cân đối, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam với truyền thống Tâm - Tài - Trí - Tín vượt qua mọi khó khăn, thách thức đã và đang xây dựng DN ngày càng phát triển, đóng góp tích cực, hiệu quả vì một Việt Nam hùng cường - thịnh vượng, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân.
Văn Nguyễn