Các biện pháp PVTM (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) được WTO và các Hiệp định FTA cho phép sử dụng để chống lại các hành vi không công bằng trong thương mại quốc tế, cũng như ngăn chặn việc hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành sản xuất trong nước. Đây được coi là công cụ quan trọng để bảo vệ các ngành sản xuất, các doanh nghiệp (DN) trong nước.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) như ASEAN, ASEAN+ và gần đây nhất là EVFTA, thì các biện pháp PVTM đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế cũng như các ngành sản xuất, các DN trong nước. Với các Hiệp định FTA có mức độ giảm thuế quan cao như EVFTA thì áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp sẽ rất cao, do vậy, nhu cầu sử dụng các công cụ PVTM cũng sẽ gia tăng.
Để chuẩn bị, khai thác tốt các lợi ích mà Hiệp định đem lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp trong nước cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong Hiệp định, bao gồm cả các quy định về PVTM. Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), để chủ động ứng phó có hiệu quả với các biện pháp PVTM của nước ngoài, các DN trong nước cần: Tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra PVTM của các nước xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường, thường xuyên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ PVTM và đã từng kiện hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam; chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu; có chiến lược rà soát giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá và phối hợp chặt chẽ với các bạn hàng tại nước sở tại để cập nhật thông tin.
Ngoài ra, khi đã có thông tin về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa liên quan, DN cần cập nhật tin tức và tích cực tham gia, hợp tác trong quá trình điều tra để tránh việc bị cơ quan điều tra sử dụng số liệu sẵn có bất lợi khi đưa ra kết luận về vụ việc. Doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi, nghiên cứu các khuyến cáo cảnh báo sớm các biện pháp PVTM từ cơ quan PVTM để có các kế hoạch cụ thể cho mình. Đồng thời, cần tích cực cung cấp thông tin, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Hiệp hội, các DN trong ngành trong quá trình ứng phó vụ việc.
Có thể nói, khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới, thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19 thời gian qua. Đây là tiền đề quan trọng để các DN trong nước khôi phục, thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh, mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định… Tuy nhiên, để tận dụng tốt được những cơ hội mà EVFTA mang lại, đồng thời bảo vệ được quyền lợi của mình, các DN trong nước cần có sự chuẩn bị tốt cả về nguồn lực tài chính, con người lẫn sự hiểu biết về Hiệp định này để không bị thua ngay cả trên sân nhà./.
Minh Vũ