Thứ Tư, 27/11/2024 03:02:51 GMT+7
Lượt xem: 1437

Tin đăng lúc 11-05-2020

Doanh nghiệp chủ động tìm nguồn cung mới

Trước mắt các doanh nghiệp thiếu nguyên liệu vẫn vừa duy trì sản xuất, vừa tìm nguồn nguyên liệu mới từ nhiều thị trường mới.
Doanh nghiệp chủ động tìm nguồn cung mới
Nhiều DN đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn nguyên liệu để sản xuất

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), các ngành sản xuất của cả nước đang gặp khó về đầu ra, khi một số đối tác ở các thị trường quan trọng là Hoa Kỳ (Mỹ), Liên minh châu Âu (EU) tạm ngừng đơn hàng hoặc giãn tiến độ nhận hàng. Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên liệu của ngành công nghiệp dệt may, giày dép từ nhập khẩu cũng chưa phục hồi. Các nhóm hàng chủ chốt liên quan đến nguyên liệu đầu vào của hai lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu quan trọng này vẫn bị sụt giảm kim ngạch nhập khẩu so với cùng kỳ 2019. Cụ thể, nhóm nguyên liệu đầu vào quan trọng của dệt may, da giày gồm, bông, xơ, sợi dệt, vải. Nguyên phụ liệu dệt may, giày, dép… so với cùng kỳ 2019, kim ngạch nhập khẩu bị sụt giảm từ 8% - 12%, khi nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường châu Á.  Trong đó, thị trường Trung Quốc giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Hàn Quốc giảm 11,9%, Đài Loan giảm nhẹ 0,4%... Đến thời điểm đầu tháng 5/2020 này, nguồn cung nguyên liệu vẫn chưa ổn định trở lại dù một số quốc gia đã nới lỏng việc hạn chế đi lại, vận chuyển hàng hóa. Ở lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, nguồn cung nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu như tôm đến từ Ấn Độ, Trung Quốc cũng tạm ngưng, khiến nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu loay hoay tìm nguồn nguyên liệu.

 

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam cho biết, ngành da giày, túi xách Việt Nam phụ thuộc rất lớn nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Hiện các nhà máy ở Trung Quốc chưa hoạt động ổn định trở lại, nên việc cung cấp nguyên, phụ liệu cho ngành vẫn gián đoạn, khiến các công ty da giày vỡ kế hoạch sản xuất, không đáp ứng được tiến độ giao hàng cho đối tác nhập khẩu. Các DN trong lĩnh vực dệt may cũng nhập đến 70% nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc. Số nguyên, phụ liệu hiện nhập từ trước Tết Nguyên đán 2020 chỉ đủ để đáp ứng đơn hàng đến tháng 3/2020. Đến thời điểm này, nguyên, phụ liệu sản xuất đã bắt đầu thiếu hụt, rất nhiều DN duy trì sản xuất theo hình thức luân phiên, giãn cách thời gian. Tuy nhiên, đây chỉ là các giải pháp tình thế. Còn lại rất nhiều DN đang chuyển hướng tìm nguồn vật tư, nguyên liệu từ nhiều thị trường khác như Ấn Độ, EU, Singapore, Nhật Bản… để tăng nguồn cung, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, duy trì sản xuất.

 

Ông Vũ Đức Giang Chủ tịch Vinatex nhận định, việc hạn chế nguồn cung nguyên liệu và logistics là hai khó khăn lớn trong thời điểm này. Không có nguyên liệu khiến các doanh nghiệp không thể đảm bảo cung ứng hàng cho thị trường. Để chủ động ứng phó với tình huống xấu nhất, hiện một số doanh nghiệp dệt may, da giày đang chọn phương án nhập nguyên, phụ liệu từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Bagladesh, Brazil... nhằm bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất. Ngay từ đầu năm 2020, doanh nghiệp thuộc Vinatex đã bắt đầu nhập khẩu một số nguyên phụ liệu sản xuất từ Singapore. Số lượng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ Singapore tăng đến 7 lần, tương đương 664,84% đạt 2,14 triệu USD trong 4 tháng/2020. Hiện Cục Xúc tiến thương mại (Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu) và Thương vụ Việt Nam tại Singapore phối hợp với Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore đang xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm xuất nhập khẩu từ hai nước, kỳ vọng đây là khởi đầu mới cho doanh nghiệp hai nước chủ động được nguồn cung hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất thời gian tới.

 

Tương tự, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cũng tổ chức hàng loạt sự kiện kết nối giao thương trực tuyến với các hiệp hội ngành nghề (dệt, may, thủy sản, gia vị…) của các quốc gia xuất khẩu trong khu vực như Ấn Độ, Bagladesh, Indonesia… để hỗ trợ DN tìm nguồn cung nguyên liệu phù hợp về giá cá, chủng loại. Trước mắt các doanh nghiệp thiếu nguyên liệu vẫn vừa duy trì sản xuất, vừa tìm nguồn nguyên liệu mới từ nhiều thị trường mới.

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang