Đó là những “con số biết nói” được in đậm trong Báo cáo Kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) công bố hôm nay, ngày 26/5.
Cuộc khảo sát được thực hiện theo hình thức trực tuyến cuối tháng 4/2023 với sự tham gia của gần 10.000 doanh nghiệp.
Báo cáo nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ Chính phủ giao cho Ban IV về tổng hợp tình hình, khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân định kỳ hàng tháng và đề xuất sáng kiến, giải pháp cụ thể, nhằm hỗ trợ cộng đồng sản xuất, kinh doanh.
Thiếu đơn hàng là khó khăn lớn nhất
Kết quả khảo sát cho thấy, doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn. Cụ thể, 82,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết dự kiến phải giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.
Đối với các doanh nghiệp còn trụ lại thị trường, 71,2% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô lao động với mức giảm hơn 5%; 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu hơn với mức giảm 5%, trong đó tỷ lệ giảm doanh thu hơn 50% là 29,4% doanh nghiệp.
Niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đang xuống thấp, nhất là đối với các doanh nghiệp ngành xây dựng, doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng theo kết quả khảo sát, các doanh nghiệp cho biết những khó khăn, thách thức lớn nhất đang phải đối mặt gồm: Khó khăn về đơn hàng; tiếp cận vốn vay; thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật; nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế.
“Trong bối cảnh khó khăn này, cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi có tới 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả”, Báo cáo chỉ ra.
Kiến nghị đột phá vào thực thi chính sách
Trong Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban IV nêu rõ: Hoạt động điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận là rất quyết liệt, kịp thời, bám sát những khó khăn của doanh nghiệp và của nền kinh tế.
Vấn đề đặt ra ở đây là khâu triển khai chính sách, truyền thông chính sách và hiệu quả thực thi chưa tương xứng với quyết tâm, hành động của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cần có cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới để nỗ lực của Chính phủ và hệ thống hành chính thực sự đem lại giá trị cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Để đạt được mục tiêu này, cần nghiên cứu đẩy mạnh các quy trình công bố, công khai chính sách, thủ tục hành chính bảo đảm sự minh bạch và thống nhất trên toàn quốc.
Đồng thời tuân thủ các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính để hạn chế tối đa sự tùy nghi trong thực thi, hoặc hạn chế việc tạo ra các cách hiểu khác nhau do không có các quy trình thống nhất toàn quốc, tạo thuận lợi cho không chỉ doanh nghiệp mà cho cả cán bộ, công chức giải quyết chính sách, thủ tục hành chính.
Báo cáo cũng chỉ ra, nguyên nhân của những khó khăn hiện tại đối với doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đến từ chu kỳ khó khăn của kinh tế thế giới mà còn do những vấn đề nội tại của nền kinh tế.
Đây là thách thức rất lớn nhưng cũng mở ra những cơ hội để Chính phủ thực hiện những cải cách triệt để nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao sản lượng kinh tế trong dài hạn.
Tổng hợp khuyến nghị của các chuyên gia và từ tình hình thực tiễn, Ban IV kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công để bơm tiền cho nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn, tập trung vào nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia.
Trong đó chú trọng các hạ tầng kết nối giữa các trung tâm kinh tế đã hiện hữu với các địa phương lân cận để tạo cơ hội thu hút các làn sóng đầu tư tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thế hệ mới;
Đầu tư mạnh vào cải thiện chất lượng giáo dục đại học theo hướng hiện đại và đào tạo nghề theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó tăng năng suất lao động;
Thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng Chính phủ số, quản trị dựa trên dữ liệu gắn với xây dựng nền hành chính hiện đại, kỷ cương, phục vụ, hiệu quả và minh bạch; xây dựng các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân một cách thực chất, có trọng tâm, trọng điểm; chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh và tuần hoàn.
Đợt khảo sát cũng ghi nhận rất nhiều kiến nghị, đề xuất cụ thể từ cộng đồng doanh nghiệp mang tính cấp bách, hướng đến tháo gỡ các nút thắt ngay trước mắt nhằm củng cố niềm tin và gia tăng nội lực để doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước vượt qua giai đoạn nhiều thách thức hiện nay.
Nhóm kiến nghị này tập trung vào các giải pháp giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ.
Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay như nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực; không siết tín dụng với các nhóm bất động sản liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hạ tầng sản xuất;
Cho phép ngân hàng thương mại trong nước được mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt vì lượng trái phiếu này có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của các doanh nghiệp trong nước.
Nhóm giải pháp quan trọng khác được đề xuất là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường.
Theo Nhandan.vn