Tiếp cận không dễ
Theo bà Bùi Kim Thùy - Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu) - quy tắc xuất xứ là một trong những vấn đề quan trọng và được quan tâm hàng đầu trong các FTA. DN đáp ứng được quy tắc xuất xứ sẽ được cấp C/O và được hưởng thuế quan ưu đãi, qua đó thúc đẩy sản xuất, xuất nhập khẩu thu hút đầu tư nước ngoài.
Với ngành Dệt may, quy tắc xuất xứ được quy định trong mỗi FTA khác nhau. Đơn cử như Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) từ vải trở đi và được cộng gộp bên thứ 3 (quốc gia có FTA với cả Việt Nam và EU). Với ngành Da giày, quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và EVFTA áp dụng cho mã HS 6406 là chuyển đổi nhóm (CTH), các mã HS còn lại là CTH với điều kiện nếu nguyên liệu sử dụng mã 6406, phải có xuất xứ trong khối ACFTA…
Quy tắc xuất xứ dù được quy định rõ nhưng việc tiếp cận, hiểu cũng như tận dụng không hề dễ dàng, nhất là đối với DN nhỏ và vừa.
Ông Nguyễn Đức Chương - Giám đốc Công ty TNHH Nam Việt - chia sẻ: Nghe phân tích thấy ưu đãi từ việc đáp ứng quy tắc xuất xứ rất hấp dẫn nhưng làm thế nào để đáp ứng, tìm tài liệu về các FTA bằng tiếng Việt ở đâu, DN không biết?! Hơn nữa, DN khai hải quan điện tử nhưng vẫn phải mang tờ khai đi đóng dấu. Hải quan làm việc theo giờ hành chính nhưng thời gian xuất hàng của DN thường rơi vào thứ Bảy, Chủ nhật… Tất cả những điều đó thiếu đồng bộ, gây khó cho DN. Theo bà Dương Thị Yên Hương - Giám đốc Công ty sản xuất và thương mại Tây Bắc Đô, Việt Nam đã ký kết FTA với Liên minh kinh tế Á Âu, tuy nhiên vẫn rất khó xuất hàng sang thị trường Nga do cách áp thuế theo trọng lượng khiến DN không vượt nổi hàng rào thuế quan. “Vậy việc đàm phán FTA có lợi ích gì khi đối tác áp dụng phương thức tính thuế vô lý như vậy”, bà Dương Thị Yên Hương đặt câu hỏi?
Sẵn sàng hỗ trợ
Trước phản ánh của DN, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho hay, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai hoạt động phổ biến nội dung các FTA. “Cục Xuất nhập khẩu sẵn sàng giải đáp vướng mắc của DN, đồng thời phối hợp triển khai phổ biến FTA với các địa phương trên cả nước”, ông Hải nhấn mạnh.
Để có thể đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng ưu đãi thuế quan DN cần liên kết với nhau tạo thành chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, sợi dây liên kết cần được nối giữa các DN hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau mới có hiệu quả, tránh tình trạng kết hợp cùng mặt hàng dẫn tới cạnh tranh lẫn nhau.
Bên cạnh đó, ông Trần Thanh Hải cho rằng, quy tắc xuất xứ từ sợi là yêu cầu khó đối với DN dệt may do năng lực đáp ứng nguyên phụ liệu trong nước chưa tốt. Tuy nhiên, trong TPP có danh mục nguồn cung thiếu hụt, giúp một số sản phẩm sử dụng nguyên liệu không đáp ứng được quy tắc xuất xứ vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan. Về lâu dài, bên cạnh tìm kiếm thêm nguyên liệu từ các nước thành viên TPP, DN cần đầu tư vào những khâu trước cắt, may và đầu tư vào khâu có giá trị gia tăng cao nhưng không đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính, như: Thiết kế, phân phối, xây dựng thương hiệu.
DN đáp ứng được quy tắc xuất xứ sẽ được cấp C/O và được hưởng thuế quan ưu đãi, qua đó thúc đẩy sản xuất, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài.
|
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử