Sản lượng điện thương phẩm sau khi trừ sản lượng điện tiết kiệm là 61,5 tỷ kWh, tăng 11,89% so với năm 2016.
Theo EVNSPC, thực hiện Chỉ thị 171/CT-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2011 về việc tăng cường thực hiện tiết kiệm điện, Tổng công ty nói riêng và ngành Điện nói chung đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền đến người sử dụng trên địa bàn 21 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam.
Đáng chú ý là các doanh nghiệp trên địa bàn đã đồng hành với ngành Điện trong việc giải quyết khó khăn về nguồn, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả khi tình hình phụ tải tăng đột biến như một số ngành công nghiệp phát triển nhanh do được thay đổi cơ chế quản lý; một số sản phẩm nông nghiệp tìm được thị trường tiêu thụ nên mở rộng diện tích canh tác như trồng thanh long, trồng hoa….
Đánh giá của ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cho thấy, các doanh nghiệp với khả năng tài chính của đơn vị đã từng bước trang bị nguồn dự phòng (máy phát điện) để duy trì sản xuất khi mất cân đối cung cầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tự đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến để tiết kiệm điện năng nhằm giảm chi phí sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Sự chủ động của các doanh nghiệp về nguồn dự phòng đã giảm một phần áp lực về cung cấp điện cho ngành Điện, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, giảm thiệt hại trong sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Phước Đức, trong các năm vừa qua, trong bối cảnh tăng trưởng điện bình quân khoảng 10%/năm, ngành Điện phải chuẩn bị nguồn vốn đầu tư nguồn và lưới điện rất lớn để đáp ứng yêu cầu phụ tải. Do vậy, việc tiết kiệm được sản lượng điện hàng năm trên 1,5% tổng sản lượng điện thương phẩm; trong đó, thành phần điện sản xuất chiếm tỷ trọng đến 60%, đã giúp giảm áp lực cung cấp điện và giãn bớt tiến độ đầu tư cho ngành trên địa bàn quản lý.
Thực tế hàng năm, trong kế hoạch chuẩn bị cung cấp điện cho mùa khô, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã yêu cầu các Công ty Điện lực thành viên phối hợp Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố ban hành Chỉ thị hoặc văn bản nhắc nhở việc thực hiện tiết kiệm điện với tất cả các thành phần; trong đó có các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thống kê tất cả các máy phát dự phòng hiện có trên địa bàn; trong đó có máy phát của khách hàng là các doanh nghiệp; ký kết phụ lục hợp đồng về huy động nguồn khi có mất cân đối cung cầu về điện xảy ra.
Mặt khác, EVNSPC đã có các giải pháp hỗ trợ tiết kiệm điện cho phụ tải công nghiệp như: Phối hợp với Sở Công Thương tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; hỗ trợ một phần chi phí kiểm toán năng lượng để doanh nghiệp có giải pháp thực hiện tiết kiệm điện.
Đánh giá của EVNSPC cũng cho thấy, việc cung cấp điện ổn định trên địa bàn các tỉnh miền Nam trong thời gian qua ngoài sự cố gắng của ngành Điện là sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp.
Vì vậy trong thời gian tới, ngoài việc bố trí vốn đầu tư về nguồn, lưới điện để đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu phát triển phụ tải, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội cho khu vực, theo EVNSPC, ngành Điện tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư vấn giải pháp, phổ biến các cách làm hay, hiệu quả để doanh nghiệp sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm. Từ đó, đảm bảo lợi ích chung cho doanh nghiệp và cho cộng đồng.
Ngoài ra, Tổng công ty còn triển khai nhiều giải pháp để giảm suất sự cố và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng qua việc nâng mức hài lòng của khách hàng cao hơn năm 2016; giảm chỉ số tiếp cận điện năng….
Nguồn Icon.com.vn