Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 4 đạt 21,13 tỷ USD, giảm 27,8% so với tháng 3, lũy kế 4 tháng đầu năm đạt 98,51 tỷ USD, giảm 1,5%, tương ứng giảm 1,47 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 4 đạt 11,01 tỷ USD, giảm 32,6% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu của khối này trong 4 tháng đầu năm lên 53,57 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 4 đạt 10,11 tỷ USD, giảm 21,8% so với tháng trước, lũy kế 4 tháng đạt 44,94 tỷ USD, giảm 0,2%.
Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 4 có mức thặng dư trị giá 0,9 tỷ USD, lũy kế 4 tháng đạt 8,63 tỷ USD.
Thống kê cho thấy, doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế ở tất cả những nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất. Điển hình như ở nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất là điện thoại và linh kiện, tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp FDI lên tới 91,5%; ở nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng chiếm đến 86,3%. Ngành hàng xuất khẩu lớn thứ ba là dệt may trước đây vốn do doanh nghiệp trong nước chiếm ưu thế, nhưng tỷ trọng của doanh nghiệp FDI hiện cũng có sự áp đảo với tỷ trọng 58%.
Ở lĩnh vực nhập khẩu, nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam hiện nay là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch 4 tháng đầu năm đạt gần 17,6 tỷ USD, tăng 11,5% (tương ứng tăng 1,81 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.
Trong nhóm hàng này, doanh nghiệp FDI cũng chiếm 14,7 tỷ USD, tương đương 84% trong tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của cả nước và tăng 11,7% so với cùng kỳ.
Theo Thời Báo Ngân Hàng