Ông Vũ Tiến Lộc dẫn một kết quả điều tra mới đây cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản dự kiến mở rộng làm ăn tại Việt Nam cao nhất trong số cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại các nước ASEAN. Đặc biệt, năm 2017 - năm Việt Nam đảm nhận cương vị chủ nhà APEC - nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh sẽ được mở ra mà doanh nghiệp trong nước không thể để lỡ.
Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cùng hiệp hội, ngành hàng rất kỳ vọng vào vai trò cầu nối của các tân đại sứ Việt Nam vừa được bổ nhiệm. Sự tín nhiệm này được thể hiện ngay tại cuộc gặp với nhiều “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp được doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất.
Liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cung cấp số liệu rất đáng chú ý. Theo đó, doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam, chỉ khoảng 0,03%.
4 “đơn đặt hàng” ông Nguyễn Hoàng gửi tới các đại sứ, gồm: Thứ nhất, các đại sứ hỗ trợ thông tin về quỹ đầu tư quốc tế để doanh nghiệp có thêm nhiều kênh tiếp cận vốn tốt hơn. Thứ hai, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang thiếu nguồn máy móc công nghệ tiên tiến, đề nghị các đại sứ giúp tiếp cận, giới thiệu thiết bị sản xuất hiện đại từ nước ngoài phù hợp. Thứ ba, giới thiệu các doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước sở tại để doanh nghiệp Việt Nam liên kết, hợp tác. Thứ tư, thông tin tới doanh nghiệp nước ngoài đang có nhu cầu những sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất được.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao cũng được đại diện doanh nghiệp trong nước đặc biệt kỳ vọng ở các trưởng đại diện ngoại giao Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam - mong muốn các đại sứ thiết lập được hệ thống thông tin thị trường đầy đủ và cập nhật hàng tuần, hàng tháng từ các nước. Chia sẻ ý kiến này, ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam - cho biết, Việt Nam hàng năm chi 4 - 5 tỷ USD để nhập khẩu nông sản. “Chỉ cần không nắm được thông tin hoặc thông tin không đầy đủ về sản lượng, thị trường, giá cả, là doanh nghiệp nhập khẩu trong lĩnh vực này dễ dàng “sập tiệm”. Các đại sứ có thể giúp chúng tôi được không?”, ông Lê Bác Lịch băn khoăn.
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Đại - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Minh Dương - cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chế biến thực phẩm, có rất nhiều công nghệ mà thế giới đã sử dụng rất lâu nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang “mò mẫm”. Ông Phạm Xuân Đại mong muốn các đại sứ tìm hiểu, giới thiệu công nghệ mới từ nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam, từ đó tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.
Trực tiếp trả lời “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp, các đại sứ mong muốn, VCCI truyền tải tới cộng đồng doanh nghiệp thông điệp: “doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc liên hệ với các đại sứ quán Việt Nam tại nước mà mình muốn kinh doanh”. “Các đại sứ sẵn sàng gặp cụ thể từng doanh nghiệp Việt Nam để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và tìm phương án hỗ trợ doanh nghiệp” - ông Vũ Đăng Dũng - Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, Trưởng đoàn đại sứ Việt Nam - khẳng định.
Ông Vũ Đăng Dũng - Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan: Vấn đề hỗ trợ thông tin kinh tế sẽ là một nội dung quan trọng của Hội nghị ngoại giao diễn ra từ 21 đến 26/8/2016. |
Nguồn: Báo Công Thương điện tử