Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Hoà, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) về những vấn đề DN đang kêu “khó” khi thực hiện những quy định trong Thông tư 21/2017/TT-BCT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyde và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may có hiệu lực thi hành từ ngaỳ 1/1/2019.
Ngay khi bắt đầu áp dụng, DN đã phản hồi về việcThông tư 21 đang tiếp tục gây khó khăn cho DN. Bộ Công Thương có biết tình trạng này không?
Ông Trần Việt Hoà: Đối với một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 21 mà Bộ tổng hợp từ các ý kiến của các Hiệp hội, DN liên quan đến đánh giá hợp quy theo lô sản phẩm, công bố hợp quy, thủ tục kê khai trong hồ sơ tại các Sở Công Thương, Bộ Công Thương đã hướng dẫn các đơn vị thống nhất trong cách hiểu và triển khai thực hiện đảm bảo thuận lợi cho DN với tinh thần nhanh chóng, linh hoạt, công khai và minh bạch.
Bộ Công Thương đã xây dựng trang thông tin giải đáp về Thông tư 21 trên website của Bộ. Tuy nhiên, nếu có khó khăn đề nghị các đơn vị phản hồi về Bộ Công Thương để Bộ kiểm tra và có hướng dẫn hoặc phương án xử lý theo quy định. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã và đang tổ chức các đoàn kiểm tra tại các tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy, Sở Công Thương… để kịp thời phát hiện, xử lý và hướng dẫn việc thực hiện Thông tư 21.
Theo phản ánh của DN, Thông tư 21 hướng dẫn kiểm tra theo lô nhưng thực tế DN vẫn phải kiểm tra từng mẫu sản phẩm. Ngay cả cách thức kiểm tra theo lô cũng gây khó cho DN khi dù cùng một chủng loại sản phẩm, cùng nhà cung cấp, chất liệu… nhưng nếu ví dụ được nhập về 5 lô, thì vẫn phải lấy mẫu kiểm tra 5 lô. Phản ánh này của DN có đúng không? Nếu không đúng thì DN sẽ phải thực hiện quy định trong Thông tư 21 như thế nào?
Ông Trần Việt Hoà: Thông tư 21 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật, tại Quy chuẩn quy định các chỉ tiêu (danh mục hóa chất và hàm lượng tồn dư cho phép trên sản phẩm), tiêu chuẩn thử nghiệm, đánh giá chất lượng sản phẩm dệt may nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Thông tư không quy định về quản lý, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính. Do đó, phải khẳng định rằng, việc kiểm tra theo “lô” không có vướng mắc đối với DN trong quá trình thực hiện Thông tư như đã trao đổi ở trên.
Về vấn đề lấy mẫu thử nghiệm, theo quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, việc đánh giá sản phẩm phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật gắn liền với hoạt động hợp quy. Để thực hiện hợp quy, cần thực hiện 02 hoạt động thành phần là: thử nghiệm mẫu và chứng nhận hợp quy (dựa trên kết quả thử nghiệm mẫu ban hành chứng thư chứng nhận/ giám định về chất lượng sản phẩm). Như vậy hoạt động thử nghiệm mẫu và hoạt động chứng nhận, giám định vừa có mối liên hệ mật thiết vừa mang yếu tố độc lập.
Ở góc độ kỹ thuật, đối với sản phẩm dệt may, hàm lượng formaldehyde và của các amin thơm tồn dư trên sản phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nguyên liệu để sản xuất ra vải, từ chất liệu (bông, tơ, sợi tổng hợp các loại...), kiểu dệt (dệt thoi, dệt kim, không dệt...), yêu cầu về màu sắc sẽ quyết định công nghệ xử lý hoàn tất, đây là công đoạn tạo ra hàm lượng hóa chất tồn dư trên sản phẩm. Formaldehyde và các amin chỉ là một số hóa chất còn tồn dư trên sản phẩm và gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Căn cứ trên kiểu dệt, nguyên liệu, mầu sắc…để xác định số lượng mẫu cần lấy thử nghiệm sẽ khác nhau đối với mỗi lô hàng.
Do đó, có những lô hàng chỉ lấy một mẫu thử nghiệm (ví dụ: cùng màu đen, cùng là vải dệt kim, cùng là nguyên liệu 100% bông) mặc dù có nhiều kiểu dáng thiết kế khác nhau (áo nữ; áo nam; quần, áo trẻ em; đầm;…); có những lô hàng phải lấy nhiều mẫu để thử nghiệm (ví dụ như sản phẩm trong lô hàng có cùng một kiểu dáng thiết kế (ví dụ áo sơ mi nam) nhưng được sản xuất từ 2 chất liệu khác nhau (100% cotton; 100% tơ tằm), mỗi chất liệu có 2 màu khác nhau (đen, xanh) và có cùng kiểu dệt thoi thì phải thử nghiệm 4 mẫu.
Về cách thức kiểm tra theo lô, ở đây, có 2 lô hàng gồm: Lô hàng nhập khẩu và làm thủ tục hải quan; Lô hàng hóa đăng ký công bố hợp quy. Quy chuẩn Việt Nam đã quy định: “Lô hàng hóa đăng ký công bố hợp quy là tập hợp các mặt hàng dệt may đăng ký công bố hợp quy trong cùng một đợt”. Do đó, lô hàng hóa đăng ký công bố hợp quy khác lô hàng làm thủ tục nhập khẩu.
Ví dụ như DN nhập khẩu 5 lô hàng sản phẩm dệt may, ở các cửa khẩu khác nhau tại cùng 1 thời điểm hoặc trong các thời điểm khác nhau. Khi thực hiện hoạt động đăng ký công bố hợp quy, DN có thể lựa chọn linh hoạt 1 trong các phương án sau để xây dựng lô hàng hóa công bố hợp quy gồm: Nhập cả 5 lô hàng nhập khẩu này thành 1 lô hàng sản phẩm để đăng ký hợp quy; hoặc chia 5 lô hàng nhập khẩu thành nhiều lô hàng sản phẩm để đăng ký hợp quy; hoặc bổ sung các sản phẩm từ các lô hàng khác (được nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước) cùng với sản phẩm từ 5 lô hàng nhập khẩu trên (theo phương án 1 hoặc 2) thành 1 lô hàng sản phẩm để đăng ký hợp quy.
Trong hồ sơ đăng ký hợp quy, DN có thể cung cấp bản sao vận đơn hoặc tờ khai hải quan để giúp cung cấp thông tin về hàng hóa (xuất xứ, chủng loại…) mà không phải kê khai thêm các thông tin này.
Có ý kiến cho rằng, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định với sản phẩm có khả năng gây mất an toàn, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm với hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, trang thiết bị khai thác mỏ... nhưng không có quy định Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý với hàng dệt may. Hiện cũng chưa có quy định về việc này, nên việc ban hành quy định trên là không đúng thẩm quyền. Quan điểm nêu trên là đúng hay sai, thưa ông?
Ông Trần Việt Hoà: Về tính pháp lý, Điều 70 Luật Chất lượng sản phẩm quy định Bộ Công Thương chịu trách nhiệm đối với hóa chất.
Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quy định Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với sản phẩm công nghiệp tiêu dùng.
Điểm c Khoản 1 Điều 63 Luật Hóa chất quy định, Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý hóa chất sử dụng trong các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng; ban hành Danh mục các hóa chất không được sử dụng trong các sản phẩm gia dụng, sản phẩm tiêu dùng, trừ các sản phẩm do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Khoản 2 Điều 47 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định “Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Thông tư 21 quy định về giới hạn hàm lượng của 2 nhóm hóa chất là formaldehyde và các amin thơmtrong sản phẩm dệt may để bảo vệ sức khỏe, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Do đó, việc Bộ Công Thương ban hành Thông tư 21 là cần thiết, phù hợp các quy định của pháp luật.
Tính đến thời điểm hiện tại, sau khi áp dụng Thông tư 21, đã có sản phẩm/lô sản phẩm nào không đáp ứng yêu cầu tại quy chuẩn chưa?
Ông Trần Việt Hoà: Tuy chưa có thống kê cụ thể, nhưng tỷ lệ lô hàng vi phạm so với tổng số lô được kiểm tra là rất nhỏ. Theo tổng hợp báo cáo từ các Tổ chức đánh giá sự phù hợp tính đến ngày 28/2/2019, có 12 lô hàng với khoảng 13.600 sản phẩm không đạt yêu cầu.
Chúng tôi cho rằng khi có quy định quản lý về chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp sẽ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu theo quy định. Vì vậy, sau một thời gian nhất định, số lượng sản phẩm qua kiểm tra không đạt chắc chắn sẽ giảm xuống.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn Chinhphu