Thứ Sáu, 22/11/2024 22:12:38 GMT+7
Lượt xem: 3327

Tin đăng lúc 28-12-2015

Doanh nghiệp: Lạc quan và tự tin

Hơn 90% DN ngành công nghiệp và chế tạo bày tỏ sự lạc quan vào tình hình sản xuất kinh doanh năm 2016. Đây là số liệu được trích ra từ bản báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội năm 2015 của Tổng cục Thống kê ngày 26/12. Từ những mục tiêu đã đạt được trong năm 2015, Tổng cục Thống kê cũng đề ra những khuyến nghị chính sách cho năm 2016.
Doanh nghiệp: Lạc quan và tự tin
Có tới hơn 90% DN dự báo trong năm 2016, khối lượng sản xuất, số lượng đơn hàng xuất khẩu sẽ tăng và khả quan hơn so với năm 2015. Về xu hướng kinh doanh, có tới 82% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên.

2015 là năm có ý nghĩa to lớn và quan trọng đối với Việt Nam vì là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015 trong bối cảnh thị trường toàn cầu có những bất ổn: kinh tế thế giới chưa lấy lại được đà tăng trưởng và phục hồi chậm; giá dầu thô giảm mạnh; sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu...

 

90% doanh nghiệp lạc quan

 

Theo Tổng cục Thống kê, GDP năm 2015 ước tính tăng 6,68% so với năm 2014, cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2014, cho thấy nền kinh tế phục hồi rõ nét. GDP bình quân đầu người năm 2015 ước tính đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014.

 

Qua khảo sát, đa phần các DN ngành công nghiệp, chế tạo đều bày tỏ tin tưởng vào tương lai. Cụ thể, có tới hơn 90% DN dự báo trong năm 2016, khối lượng sản xuất, số lượng đơn hàng xuất khẩu sẽ tăng và khả quan hơn so với năm 2015. Về xu hướng kinh doanh, có tới 82% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

 

Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa năm 2015 ước tính đạt lần lượt là 162,4 tỷ USD và 165,6 tỷ USD, tăng 8,1% và 12% so với năm 2014. Cán cân thương lại năm 2015 nhập siêu là 3,2 tỷ USD (sau 3 năm liên tiếp xuất siêu), trong đó khu vực kinh tế trong nhập siêu 20,3 tỷ USD, khu vực FDI xuất siêu tới 32,3 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm trước.

 

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch chiếm 28,8% tổng kim ngạch nhập khẩu, tiếp đến là Hàn Quốc chiếm 16,7%; ASEAN chiếm 14,4%... Sau nhiều năm xuất siêu, năm 2015, Việt Nam đã nhập siêu hơn 300 triệu USD từ thị trường Nhật Bản.

 

Bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, cho biết năm 2015 là năm đầu tiên đánh dấu sự kết thúc của 3 năm Việt Nam xuất siêu hàng hóa. Với một số thị trường, ta đang có xu hướng quay trở lại nhập siêu như Nhật Bản và Hàn Quốc.

 

Theo bà Thủy, vấn đề định hướng nền kinh tế theo hướng xuất khẩu là hoàn toàn đúng đắn nhưng quy mô của đa số DN Việt Nam hiện nay vẫn còn nhỏ, năng suất lao động thấp, phương thức và công nghệ sản xuất còn lạc hậu. Vì vậy, DN Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh với các DN nước khác, đặc biệt là trong bối cảnh sắp tới, Việt Nam sẽ đi vào thực thi các FTA và kí kết thêm nhiều hiệp định thương mại kiểu mới. Vì vậy, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN vừa và nhỏ...

 

DN (chưa tính HTX), đóng góp khoảng 55% vào GDP của Việt Nam. Trong năm 2015, cả nước có 94.754 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 601.500 tỷ đồng, tăng 26,6% về số DN và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014.

 

Số vốn đăng ký bình quân một DN năm 2015 đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm trước. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các DN thành lập mới trong năm 2015 là 1,4 triệu người, tăng 34,9% so với năm 2014.

 

Trong năm nay, cả nước có 21.506 DN quay trở lại hoạt động, tăng 39,5% so với năm trước. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm là 9.467 DN, giảm 0,4% so với năm trước. Số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong năm là 71.391 DN, tăng 22,4% so với cùng kì năm trước.

 

Chìa khóa nằm ở năng suất lao động

 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo năm 2015 ước đạt 21,9%, cao hơn mức 19,6% của năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2015 là 2,31%; trong đó khu vực thành thị là 3,29%, khu vực nông thôn là 1,83%. Năng suất lao động xã hội toàn nền kinh tế năm 2015 theo giá hiện hành ước đạt 79,3 triệu đồng/lao động, tương đương 3657 USD/lao động.

 

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết Cộng đồng ASEAN (AEC) sẽ chính thức vận hành vào 1/1/2016, trong đó kinh tế là một trụ cột rất quan trọng của AEC. Năm 2016 cũng là thời điểm Việt Nam bắt đầu thực thi một số FTA như FTA Việt Nam-Hàn Quốc...

 

Điều này bắt đầu đặt áp lực lên các DN Việt Nam trong việc cải thiện các chỉ số cạnh tranh, nâng cao năng lực quản trị. Mà trong đó, mấu chốt của vấn đề là năng suất lao động. Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, không đồng đều giữa các ngành, các khu vực, còn khoảng cách xa với các nước ASEAN, do cơ cấu kinh tế còn chậm chuyển dịch, máy móc lạc hậu, trình độ quản lý, đóng góp của năng suất còn thấp, do cải cách thể chế...

 

“Tác động của các FTA sẽ làm tăng nhập khẩu, tăng cạnh tranh, nhưng trong hoàn cảnh xuất nhập khẩu của DN Việt Nam còn yếu, khả năng cao sẽ dẫn tới nhập siêu”, ông Lâm nhận định.

 

Năm 2016, Việt Nam đã đặt ra một vài mục tiêu cụ thể như: tăng trưởng GDP đạt 6,7%, lạm phát dưới 5%, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu là 10%. Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp, Tổng cục Thống kê nhận định, để thực hiện được những mục tiêu trên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như giá dầu thô có thể sẽ tiếp tục giảm, dẫn tới giảm thu ngân sách. Tuy vậy, giá dầu giảm cũng tạo những thuận lợi cho nền kinh tế trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng...

 

Năm 2016, các bộ ngành cũng sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giá điện, tiến tới giá theo thị trường để tránh phải bù lỗ. Người dân sẽ phải chi tiêu nhiều hơn, tác động đến chỉ số giá. Dù vậy, Tổng cục thống kê cho rằng điều chỉnh những dịch vụ cung này không kích thích bên cung, không kích thích sản xuất...

 

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân - Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp Tổng cục Thống kê

 

Trong năm tới, các bộ ngành sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giá điện,...tiến tới giá theo thị trường. Việc người dân sẽ phải chi tiêu nhiều hơn có thể tác động đến chỉ số giá và chất lượng cuộc sống của nhiều người có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng.

 

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng Cục trưởng Cục Thống kê

 

Năm 2015 ghi nhận chỉ số tiêu dùng của người Việt Nam tăng cao, thậm chí còn cao hơn nhiều nước trong khu vực cũng như chỉ số lạm phát thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Những điều này đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện mục tiêu 5 năm giai đoạn 2011-2015 về kinh te - chính trị - xã hội. Năm 2016, Việt Nam sẽ phải đón nhận thêm rất nhiều thử thách trong bối cảnh giá dầu thế giới có thể tiếp tục sẽ giảm, giảm thu ngân sách nhà nước và FED tiếp tục tăng tỷ giá USD.

 

Bà Lê Thị Minh Thủy - Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ

 

Hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Trong bối cảnh hội nhập sắp tới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn để cạnh tranh và nâng cao năng lực chỉ số cạnh tranh của mình. Điều này có thể dẫn tới Việt Nam sẽ phải nhập siêu hàng hóa của các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, điều cần thiết sắp tới là nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh, cải thiện triệt để năng suất lao động.

 

 

Theo Thời báo kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang