Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ, ông Tạ Văn Bình - Giám đốc Doanh nghiệp Mây tre Thanh Bình chia sẻ: Nghề mây tre đan ở xã Thái Xuyên có từ thời chống Pháp của thế kỷ trước, nhưng các sản phẩm của bà con làm ra chỉ để bán tại chợ làng, hoặc tiêu thụ tại các địa phương lân cận. Giai đoạn phát triển, Thái Xuyên cũng đã thành lập được một số hợp tác xã mây tre đan, tổ chức cho bà con gia công các sản phẩm từ mây, tre, cói để mang lên các thành phố, thị xã bán, thậm chí một vài nước Đông Âu cũ đã sang đặt mua với số lượng lớn. Tuy nhiên, do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu và nhất là khó khăn về thị trường tiêu thụ nên nghề mây tre đan cứ dần bị mai một.
Với mong muốn khôi phục lại làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho bà con nông dân trong xã và để khai thác tiềm năng nguyên liệu của địa phương, sản xuất các sản phẩm chỉ dành cho xuất khẩu, năm 2001, ông Tạ Văn Bình đã thành lập Doanh nghiệp Mây tre Thanh Bình trên mảnh đất 2000 m2 của gia đình mình, quy tụ được vài ba chục người vào các tổ, đội sản xuất, song cách làm thì vẫn chủ yếu là chia việc về cho các gia đình tự gia công, khi hoàn thành thì mang giao nộp sản phẩm. Đến năm 2003, ông Bình thuê 7000 m2 đất để làm nhà xưởng và đến năm 2004, mạnh dạn đầu tư 200 triệu đồng để mở rộng sản xuất các mặt hàng mây, tre, có bổ sung nghề đan móc… nhằm giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động tại xã. Sẵn có nghề truyền thống, lại được làm ngay tại gia đình, có thêm thu nhập, nhất là giai đoạn nông nhàn, nên việc truyền nghề, dạy nghề được phát triển nhanh chóng. Tại các hộ dân, không chỉ có các bà, các chị, mà cả các em học sinh cũng có thể làm thêm giúp đỡ gia đình. Từ năm 2005 đến nay, đã có từ gần 80 tổ sản xuất tại 160 xã trong và ngoài Tỉnh được thành lập, với hơn 20.000 lao động vệ tinh chủ yếu là gia công các sản phẩm mây, tre đan, móc sợi. Do chú trọng ngay từ khâu thu mua nguyên liệu thô, đến đan, móc và nghiêm túc trong công tác kiểm tra, nghiệm thu đánh giá chất lượng nên Doanh nghiệp Mây tre Thanh Bình đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu các sản phẩm mây tre, sợi như: Quà lưu niệm, giỏ xách tay, bình hoa, miếng thảm, bàn, ghế mây… sang các nước trên thế giới, trong đó chủ yếu là thị trường Tây Âu và nhiều quốc gia châu Á, châu Phi như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Chile và Nam Phi..., với doanh thu trên 30 tỷ đồng/năm.
Chúng tôi có dịp đi một vòng qua các xưởng đan móc sợi của Doanh nghiệp Mây tre Thanh Bình, được chứng kiến nhà xưởng rộng rãi, thoáng mát, đủ ánh sáng tự nhiên, lại được trang bị hệ thống điện, nước, quạt mát, với hàng ngàn lao động làm việc rất có trật tự, kỷ cương nền nếp. Do đặc thù là công việc đan, móc phù hợp với lao động nữ, nên công nhân tại đây đủ mọi lứa tuổi, từ các em gái tuổi 16 đến các bà trên 60 tuổi. Thấy chúng tôi ngạc nhiên về độ tuổi và số lượng lớn lao động tập trung, Giám đốc Tạ Văn Bình cho biết, trước đây, việc gia công sản phẩm vẫn đưa về hộ gia đình, nhưng từ năm 2013 đến nay, theo yêu cầu của khách hàng (đối tác là một Tập đoàn kinh tế Thụy Điển), Doanh nghiệp đã chuyển đổi cơ chế quản lý, tổ chức lại mô hình sản xuất theo hướng tập trung. Ưu điểm của mô hình này là công tác chỉ đạo điều hành, kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt hơn; thuận tiện trong đào tạo nhân sự khi thực hiện thay đổi mẫu mã mới. Đối với người lao động, được nâng cao ý thức làm việc trong môi trường công nghiệp; được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phấn khởi hơn đó là chế độ lương tối thiểu đối với người lao động có nghề đạt 1,9 triệu đồng/người/tháng và mức lương bình quân của toàn Doanh nghiệp đạt hơn 3,0 triệu đồng/người/tháng. Phía đối tác còn yêu cầu Doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc chế độ làm thêm giờ theo quy định của Nhà nước; chế độ thanh toán tiền lương cho người lao động đúng kỳ (từ 15 – 20 hàng tháng); có sổ lương, sổ thanh toán sản phẩm… Có thể nói, mô hình doanh nghiệp Mây tre Thanh Bình là mô hình mới lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, bởi Doanh nghiệp đã thu hút được một lực lượng lớn lao động có nghề đủ 16 tuổi trở lên, quy mô sản xuất tập trung, thực hiện các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật. Chị Sằng Thị Na (xã Thái Xuyên, Thái Bình), tay thoăn thoắt đường đan, mũi sợi chuẩn bị cho ra đời những sản phẩm túi móc tinh xảo, vui vẻ cho chúng tôi biết: “Từ khi về làm tập trung tại xưởng, không khí làm việc đông vui, mọi người đua nhau làm được nhiều sản phẩm hơn, bởi trước làm tại nhà thì còn vướng bận nhiều việc, lại chăm sóc con cái nên năng suất không cao. Từ ngày về quê chồng và làm việc tại đây, Giám đốc cũng như mọi người rất quan tâm, hay hỏi thăm về đời sống vật chất và tinh thần của chúng tôi. Đặc biệt, Công ty có chế độ thưởng trong những ngày lễ, ngày tết. Nói chung, làm ở đây chúng tôi thấy rất thoải mái và không bị gò bó về thì gian, ít khi phải tăng ca mà chế độ lương thưởng đầy đủ, nên cuộc sống của gia đình tôi đã bớt khó khăn, con cái cũng được ăn học đầy đủ.
Để có được doanh nghiệp hoạt động theo mô hình sản xuất mới trong giai đoạn hiện nay là một thành công ngoài sức mong đợi, nhưng Giám đốc Tạ Văn Bình vẫn còn nhiều trăn trở. Bởi phía trước, Doanh nghiệp của ông chưa phải đã hết khó khăn do thiếu vốn, thiếu mặt bằng xây dựng nhà xưởng, kho bãi, tìm kiếm thị trường, đào tạo lao động, nên rất mong được Nhà nước, các Bộ, Ngành, đặc biệt là địa phương quan tâm, tạo điều kiện tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, nhất là hỗ trợ vay vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất. Hãy ủng hộ Doanh nghiệp Mây tre Thanh Bình bởi vị thuyền trưởng – Giám đốc Tạ Văn Bình không chỉ là người tâm huyết với nghề, gắn bó với làng, với xã, biết lo cho mình, cho cuộc sống của cộng đồng bà con vùng thuần nông Thái Thụy, đóng góp vào ngân sách địa phương, mà chính ông đã và đang âm thầm quảng bá thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống của quê hương, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè thế giới.
Dưới đây là một số hình ảnh về hoạt động của Doanh nghiệp:
Trong Xưởng đan móc sợi
Người lao động của doanh nghiệp được tập huấn công tác cứu chữa người bị nạn
Các sản phẩm mây tre do Doanh nghiệp sản xuất
Như Trang - Bích Hồng