Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc công ty CP nhựa Bình Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho rằng việc xây dựng năng lực cạnh tranh của DN trong nước trước hết phải từ chính bản thân DN, song rất cần sự chủ động hỗ trợ của các hiệp hội cũng như từ phía các cơ quan quản lý.
Như khuyến nghị của ông Ngân, có những vấn đề tuy không mới nhưng luôn là nỗi lo thường trực của DN nội hiện nay. Trước hết là việc tiếp cận vốn và lãi suất. Với đa phần DN trong nước là DN nhỏ, đang tiếp cận nguồn vốn khá cao so với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Lo “đói” vốn, cạnh tranh yếu
Chính việc này khiến các DN nhỏ trong nước rất khó khăn để có thể nâng cao quy mô hoạt động cũng như tăng khả năng cạnh tranh với khối ngoại. “Điển hình là các DN nhựa trong nước đang đứng trước nỗi lo bị thâu tóm từ những DN nhựa của nước ngoài luôn có lợi thế mạnh về vốn” – ông Nguyễn Hoàng Ngân cảnh báo.
Lưu ý với lãnh đạo Tp.HCM, các DN cho biết tình trạng sản xuất, tiêu thụ hàng giả cũng là chuyện đáng báo động. Với những DN nội có sản phẩm uy tín, chất lượng, nỗi lo bị làm giả càng lớn.
Đơn cử như công ty CP nhựa Bình Minh xảy ra hai vụ việc bị làm hàng giả trị giá nhiều tỷ đồng, được phát hiện từ lâu nhưng cơ quan chức năng xử lý khá chậm, chưa tạo ra sự răn đe cần thiết và làm yếu hiệu quả quản lý của Nhà nước, khiến cho chính các DN bị thiệt hại không chỉ về uy tín, về vật chất mà cả việc mất niềm tin của người tiêu dùng.
Vấn đề chính sách cũng là điều các DN muốn phản ánh. Thừa nhận có nhiều tiến bộ từ việc ban hành các chính sách cởi mở hơn, nhưng nhiều DN cho rằng tính nhất quán, tính ổn định cũng như tính dễ dự báo của chính sách vẫn “có vấn đề”.
Theo nhận định của ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN Tp.HCM, nếu nhìn lại năm 2016 sẽ thấy số lượng DN thành lập mới có tăng nhưng năng lực cạnh tranh vẫn yếu. Công nghệ sản xuất hạn chế, nhiều chi phí cao nên chỉ khoảng 35% trong tổng số DN có đóng góp cho ngân sách.
Việc chuẩn hóa hệ thống quản trị, chuẩn hóa tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cũng là điều khiến giới DN nội băn khoăn khi phản ánh với phía cơ quan quản lý. Ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cho rằng nếu các DN nội muốn tham gia vào chuỗi cung ứng nhưng yếu tố chuẩn hóa không đạt, chắc chắn không bao giờ chen chân vào được chuỗi cung ứng.
Cần thương hiệu, quy chuẩn hàng hóa
Từ quan sát thực tiễn cộng đồng DN nội, ông Diệp Dũng cho rằng cần có sự hỗ trợ từ phía chính quyền về chính sách tài chính cho DN, về chuẩn hóa sản phẩm phải đạt những chuẩn nào và đi vào chuỗi giá trị gì. Sản phẩm nếu không chuẩn hóa được, dù DN có bỏ ra bao nhiêu tiền cũng không thể bước chân vào chuỗi giá trị.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Ngân đề nghị cần sớm xây dựng một quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia để DN tuân thủ, đây cũng là cách xây dựng hàng rào bảo vệ thị trường trong nước.
Đơn cử, nhiều mặt hàng kém chất lượng tràn lan vào Việt Nam như đồ chơi trẻ em là do cơ quan quản lý không có những quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định. Chính sự bất cập này vừa ảnh hưởng đến người tiêu dùng vừa gây bất lợi cho DN trong nước khi không thể cạnh tranh với hàng ngoại kém chất lượng.
Dưới góc độ của một DN có bề dày trong lĩnh vực phát triển thương hiệu, bà Nguyễn Minh Hương, Giám đốc điều hành Tập đoàn Truyền thông Golden, cho rằng thương hiệu vẫn là điểm yếu của các DN nội hiện nay. Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, nếu DN nội nắm được các yếu tố mạng xã hội, sản phẩm sẽ tiếp cận người tiêu dùng một cách dễ dàng hơn bởi họ mới là người kiểm soát thông tin và thích các kết nối.
Nhưng, theo bà Hương, việc xây dựng thương hiệu không thể dựa vào bất cứ ai ngoài nguồn lực của chính bản thân DN. Điều đó không có nghĩa là vai trò của hiệp hội đứng ngoài mà cần có những định hướng chiến lược thương hiệu cho từng ngành. Về phía chính quyền, cần tạo dựng được hệ sinh thái để các DN nội xây dựng thương hiệu cho riêng mình.
Nhiều DN cũng bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên công ty như hiện nay. Điển hình, tại Tp.HCM đang đặt ra mục tiêu sẽ có 500.000 DN vào năm 2020.
Thống kê cho thấy, ở Tp.HCM, hiện có 245.000 hộ cá thể đang kinh doanh, nhưng những hộ này chỉ đóng góp 2% vào ngân sách thành phố. Qua khảo sát, có đến 14.000 hộ kinh doanh cá thể có thể chuyển lên DN để góp phần cho thành phố đạt con số 500.000 DN vào năm 2020. Khả năng trong năm 2017 sẽ thành lập mới được 40.000 DN, chuyển thêm 20.000 hộ cá thể lên DN.
Ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế, bày tỏ ý nguyện rằng phía cơ quan quản lý cần phải làm sao để các hộ kinh doanh cá thể hiểu được cần phải làm gì để chuyển đổi thành công ty, nhất là trong chính sách về thuế, vay vốn ngân hàng.
Nguồn Thời báo kinh doanh