Thông tin tại tọa đàm về thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam-EU và vai trò của EuroCham và kết nối doanh nghiệp, do Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ - Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức mới đây, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, kiêm nhiệm Đại Công quốc Luxembourg, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo - nhấn mạnh: Quan hệ Việt Nam-EU đang phát triển mạnh mẽ, cơ hội hợp tác sâu rộng, toàn diện đang mở ra trước mắt, nhưng cũng còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả. Là Hiệp hội các doanh nghiệp lớn của châu Âu, với nguồn vốn, công nghệ cao, kinh nghiệm hoạt động phong phú...
Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, EuroCham có vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam-EU, Việt Nam cần sự đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, tầm nhìn và phối hợp chặt chẽ của EuroCham để cùng nắm bắt cơ hội, mở rộng hợp tác mang lại lợi ích chung.
Bên cạnh đó, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cũng đề nghị EuroCham có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa, từ chính những doanh nghiệp đầu tư trên thực tế, để tiếp tục vận động một số quốc gia thành viên sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU).
Về việc EU áp thẻ vàng đánh bắt thủy sản trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU) với Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng, các quyết tâm của Việt Nam thực hiện khuyến nghị của EU và nhấn mạnh thẻ vàng không những tác động tới xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, ảnh hưởng tới quyền lợi của các doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng EU, mà còn tác động tới hình ảnh và môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, qua đó gây bất lợi cho các doanh nghiệp châu Âu.
"Các doanh nghiệp EU có tiếng nói không nhỏ trong vấn đề này, đề nghị cùng phối hợp với Việt Nam lên tiếng dưới nhiều hình thức để Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ thẻ" - Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh và đề cập các chính sách mới của EU vừa qua như luật chống phá rừng (EUDR), tín chỉ carbon (CBAM), thẩm định chuỗi cung ứng… và cho biết, các chính sách này sẽ tác động tới cả doanh nghiệp Việt Nam và EU. Việt Nam sẵn sàng chủ động hợp tác, mong EU duy trì đối thoại, thúc đẩy hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, nâng cao năng lực để Việt Nam có thể thích ứng và hội nhập với các chính sách mới của EU.
Đồng thời nhấn mạnh, EuroCham sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để nắm bắt cơ hội mới, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như: Năng lượng sạch, dược phẩm, nông nghiệp hiện đại, tài chính xanh, logistics….
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá cao việc Việt Nam và EU đã thiết lập khuôn khổ hợp tác vững chắc, đặc biệt là các thỏa thuận quan trọng như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tạo động lực mạnh mẽ cho hợp tác kinh tế toàn diện, hiệu quả.
Cụ thể, bất chấp những gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra trong 3 năm đầu triển khai EVFTA (tháng 8/2020 - tháng 8/2023), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn ghi nhận sự tăng trưởng, với tốc độ gia tăng hằng năm lần lượt là 14,2% năm 2021 và 16,7% năm 2022.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn có những tồn tại trong việc triển khai EVFTA một cách hiệu quả. Cho đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được tối đa lợi thế của hiệp định này trong phát triển bền vững các hoạt động xuất khẩu của mình do thương hiệu Việt Nam vẫn chưa được biết đến nhiều ở các nước châu Âu. Tỷ trọng hàng Việt Nam trong nhập khẩu của EU chỉ chiếm khoảng 2%. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (như rau quả, hải sản, gạo) dù tăng trưởng tốt, song chưa đạt hiệu quả như mong đợi tại thị trường này, chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng này của EU.
Trước thực trạng này, Chủ tịch và Ban lãnh đạo EuroCham khẳng định, EuroCham sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ hơn tới các cơ quan chức năng EU và các nước thành viên. Chủ tịch EuroCham chia sẻ, việc phê chuẩn EVIPA, rút thẻ vàng IUU và thực hiện các chính sách mới sẽ giúp Việt Nam hội nhập và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bền vững, đồng thời mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp EU đã và sẽ hoạt động tại Việt Nam, do vậy, các doanh nghiệp sẽ nỗ lực thúc đẩy.
Bên cạnh đó, EuroCham đề xuất Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp EU, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng hấp dẫn, hiện đại để tiếp tục thu hút nguồn đầu tư chất lượng cao, trong đó có đầu tư từ EU. Thông tin thêm về vấn đề này, ông Gabor Fluit - Chủ tịch EuroCham cho biết, các doanh nghiệp châu Âu đang quan tâm đến những cơ hội đầu tư vào điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam, lâm nghiệp, y tế, các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp điện tử.
Để thúc đẩy đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, ông Gabor Fluit cho rằng: Việt Nam phải tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng bởi chi phí vận chuyển vận tải trong nước vẫn còn cao. Cùng với đó, tiến hành các bước cải thiện luật pháp để bảo vệ các doanh nghiệp đầu tư, trong đó các doanh nghiệp của Việt Nam, các doanh nghiệp châu Âu và các quốc gia khác.
Song song với đó, Việt Nam phải thúc đẩy xu hướng đầu tư xanh, kinh tế sạch. Việt Nam nên cải cách tư vấn Quy hoạch điện VIII nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, tái tạo.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đánh giá cao các chính sách của Việt Nam nhằm hướng tới phát triển bền vững. Đơn cử, theo đại diện Công ty dược phẩm PharmaGroup, doanh nghiệp hoan nghênh các chính sách mới của Việt Nam, trong đó có Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, cho thấy ưu tiên của Việt Nam đối với ngành dược phẩm và đổi mới sáng tạo; mong muốn sẽ tiếp tục được tạo thuận lợi đẩy mạnh hơn nữa đầu tư vào Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trung tâm dược phẩm tại ASEAN.
Ông Tibor Stelbaczky - Cố vấn cao cấp về ngoại giao năng lượng của Cơ quan đối ngoại EU (EEAS) khẳng định tầm quan trọng của đối thoại và hợp tác. Các chính sách mới của EU đều có thời gian khởi động, do đó, Việt Nam có thể tích cực tham gia thích ứng, phía EU sẵn sàng đối thoại và hỗ trợ.
Theo Congthuong