Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, PGS.TS Bùi Văn Vần – nguyên Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp (Học viện Tài chính) cho biết, hiện nay, doanh nghiệp thành lập mới là tương đối dễ dàng. Doanh nghiệp có thể chủ động về quy mô, vốn đầu tư... Các vấn đề này chỉ bị hậu kiểm mà không phải tiền kiểm như trước đây.
Do đó có thể thấy quy định của pháp luật về thành lập doanh nghiệp mới hiện nay không gặp khó khăn trở ngại. Thế nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn rất ít. Nguyên nhân của tình trạng này là do các đơn vị thiếu động lực để thành lập doanh nghiệp mới.
PGS.TS Bùi Văn Vần lấy ví dụ, trên thực tiễn nhiều hộ kinh doanh có quy mô không hề nhỏ với rất nhiều chi nhánh, doanh thu lớn, như hệ thống phở, xôi, cà phê... ở Hà Nội. Nhưng những hộ kinh doanh này không thành lập doanh nghiệp. Điều đó cho thấy, bản thân các hộ kinh doanh chưa thấy đủ hấp dẫn nếu như thành lập mô hình doanh nghiệp.
Nhìn ở góc độ quản lý nhà nước, trên thực tiễn, Việt Nam có tương đối nhiều nghị quyết nhưng số lượng nghị quyết đi vào cuộc sống chưa nhiều. Tiêu biểu như việc thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất đúng, rất cần thiết. Nhưng thực tế số doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn từ quỹ này còn thấp.
Chia sẻ về số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường vào quý I năm 2023, PGS.TS Bùi Văn Vần nhấn mạnh, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường phần nhiều do chính sách cho doanh nghiệp chưa hấp dẫn.
Hơn nữa, ảnh hưởng của dịch bệnh mấy năm qua cũng cho thấy sức chịu đựng của doanh nghiệp vừa và nhỏ có hạn nên khi thị trường có biến động rất dễ bị đổ vỡ. Thế nhưng điều này không quá lo ngại. Đây là quy luật của thị trường. Hơn nữa khi “cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra”. Doanh nghiệp rút lui có thể quay trở lại hoạt động.
Bàn về giải pháp phát triển số lượng doanh nghiệp thành lập mới, PGS.TS Bùi Văn Vần cho biết, hiện nay, quy định pháp luật thành lập doanh nghiệp mới là rất tốt. Do đó, để phát triển doanh nghiệp mới, Nhà nước cần tạo ra các động lực đủ mạnh thu hút các đơn vị thành lập và duy trì mô hình doanh nghiệp.
Các bộ ngành như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, ngân hàng cần có các chính sách cụ thể cho doanh nghiệp tạo sức hấp dẫn.
Gợi mở vấn đề loại hình doanh nghiệp, PGS.TS Bùi Văn Vần cho biết, hiện nay, Việt Nam có 5 loại hình doanh nghiệp. Đó là, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân.
Hộ kinh doanh hiện nay chưa phải là một loại hình doanh nghiệp. Điều này khá bất cập, bởi nhiều hộ kinh doanh có quy mô lớn về doanh thu, lao động nhưng lại không bị điều chỉnh bởi luật doanh nghiệp.
Ở các nước khác hầu như đều quy định hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp. Do đó, nhằm mục tiêu phát triển số lượng doanh nghiệp cũng như đảm bảo nguồn thu ngân sách, Việt Nam cần nghiên cứu về việc đưa mô hình hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp.
Chia sẻ với báo giới, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, trước đây chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp nhưng hiện mới chỉ khoảng 800.000 doanh nghiệp. Quý I năm nay, cả nước có khoảng 60.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, nhiều hơn con số 57.000 doanh nghiệp được thành lập.
Lần đầu tiên, số lượng doanh nghiệp biến mất lớn hơn số doanh nghiệp thành lập. Vì vậy mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp ngày càng xa vời. Trong 2 năm tới mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp càng khó khăn hơn, và nếu không muốn nói là thiếu thực tiễn”.
Chuyên gia Vũ Đình Ánh cũng cho biết, kinh tế Việt Nam đang đối mặt “đám sương mù” với những biểu hiện lạ. Trong quý I/2023, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,32%, chỉ cao hơn thời điểm bùng phát dịch COVID-19 (khoảng 3,21%) trong khi hiện Việt Nam không chịu bất kỳ cú sốc nào. Đặc biệt, khu vực công nghiệp, xây dựng lại tăng trưởng âm. Đầu tàu kinh tế TPHCM chỉ tăng trưởng 0,7%, còn tỉnh trọng điểm công nghiệp như Bắc Ninh lần đầu tiên âm 12%.
Theo Laodong.vn