Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong năm 2020, cả nước có 134.900 DN đăng ký thành lập mới, giảm 2,3% so với năm trước nhưng có số vốn đăng ký bình quân một DN đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3%. Nếu tính cả 3,3 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 39.500 DN, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm nay là hơn 5,5 triệu tỷ đồng, tăng 39,3% so với năm trước.
Mặc dù dịch Covid-19 tác động khá nặng nề đối với sản xuất, kinh doanh của các DN, song một tín hiệu đáng mừng đó là số DN đăng ký hoạt động trở lại trong năm nay cũng tăng gần 12%, đạt 44.100 DN, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong năm nay lên 179.000 DN, tăng 0,8% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng có 14.900 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Ngược lại, có 101.700 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể trong năm, tăng 13,9% so với năm trước.
Tuy nhiên, trong số này phần lớn là DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, với 46.600 DN, tăng 62,2%. Số DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm gần 14% so với năm 2019, còn số DN hoàn tất thủ tục giải thể chỉ tăng 3,7%. Trung bình mỗi tháng có gần 8.500 DN rút lui khỏi thị trường.
Dịch Covid-19 khiến nhiều DN lao đao, thậm chí rơi vào tình trạng phá sản, song cũng chính từ đại dịch này lại càng nổi bật những nỗ lực không ngừng của các DN, để tồn tại, vươn lên, sẵn sàng cho một thời kỳ bình thường mới.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - nhận định, nhờ sự cố gắng vượt bậc của các DN Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chưa từng có như hiện nay đã đem lại những thành công đáng kể và xứng đáng được ghi nhận trong tăng trưởng kinh tế.
Nhiều DN đã chủ động lên kịch bản để ứng phó với khó khăn và rất nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, thay đổi sản phẩm để tồn tại. Đặc biệt, các DN đều cố gắng có đơn hàng dù là nhỏ để bảo đảm cho người lao động có việc làm, thu nhập.
Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh và những nỗ lực từ phía Chính phủ, DN có thêm niềm tin và lạc quan hơn vào năm 2021. Theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV, 40,6% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV tốt hơn quý III; 24,7% đánh giá gặp khó khăn và 34,7% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Dự kiến quý I/2021 so với quý cuối năm nay, gần 43% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19% số DN dự báo khó khăn hơn và 38,2% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Mặc dù vậy, DN vẫn kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở DN tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để phục hồi sau Covid-19 và tiếp tục phát triển nhanh, bứt phá, bao gồm nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng…
Theo Congthuong