Trở về từ Nhật Bản sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp châu Á (ngày 13/7/2015), Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết ông đã chia sẻ với các tổ chức đối tác của Nhật về hướng đi mới của Việt Nam trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Trước đó, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2015, Chính phủ đã giao VCCI phối hợp với các Bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao và các bộ, cơ quan liên quan, các hiệp hội doanh nghiệp xây dựng một số đề án đẩy mạnh thương mại và đầu tư song phương với một số nước là đối tác chiến lược, báo cáo Chính phủ.
“Tôi nghĩ rằng khi Chính phủ giao việc này cho VCCI thì cần một quan điểm tiếp cận mới về công tác xúc tiến. Nếu như trước đây cơ quan Nhà nước là trung tâm, doanh nghiệp chạy theo, thì nay doanh nghiệp là trung tâm, còn Nhà nước sẽ hỗ trợ. Tất nhiên Nhà nước sẽ vẫn xây dựng cơ chế, chính sách, đàm phán mở cửa thị trường…, nhưng công tác xúc tiến sẽ làm theo cách của doanh nghiệp, doanh nghiệp chủ động đề xuất và thực hiện vì hơn ai hết, họ biết mình cần gì”, ông Lộc nói với Báo Điện tử Chính phủ.
VCCI đã đề nghị các tổ chức của Nhật, gồm Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren), Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro), Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), phối hợp xây dựng chiến lược thúc đẩy thương mại đầu tư với Nhật theo quan điểm nói trên và được các tổ chức này rất hoan nghênh. Những hướng hợp tác chính được xác định gồm nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin và du lịch.
Mơ những quả xoài Nhật nghìn đô trên đất Việt
Những buổi làm việc giữa đoàn doanh nhân Việt Nam với 3 tổ chức trên diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong buổi tiếp Chủ tịch Jetro hôm 4/7 tại Nhật, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đề nghị tổ chức này khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao… tại Việt Nam.
Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân châu Á đã nhắc đến nguy cơ khan hiếm cung-cầu thực phẩm trong trung, dài hạn và tại các buổi làm việc với phía Nhật, lãnh đạo VCCI cùng các doanh nghiệp đã nhấn mạnh những lợi thế của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Đầu tháng 7 vừa qua, một sự kiện nhỏ nhưng đáng chú ý về quan hệ giao thương Việt-Nhật đã được báo chí đăng tải: Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho hay các chuyên gia Nhật vừa lấy mẫu đất, mẫu nước tại vùng chuyên canh xoài Cao Lãnh về phân tích xem có phù hợp để trồng giống xoài vốn được người dân xứ sở Mặt trời mọc rất yêu thích.
Nhắc tới những quả xoài có thể được bán với giá hàng nghìn USD tại Nhật, ông Lộc cho rằng ví dụ này cho thấy tiềm năng hợp tác hai bên trong lĩnh vực nông nghiệp là rất lớn và với sự hỗ trợ của công nghệ cao từ Nhật, Việt Nam có thể cung cấp nguồn thực phẩm ổn định, an toàn, chất lượng cao cho không chỉ cho Nhật Bản và hơn nữa, trở thành “bếp ăn” cho cả thế giới.
Cần những nhà đầu tư nhỏ và vừa
Về công nghiệp phụ trợ, theo ông Lộc, phát triển ngành này chính là phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Không ai có thể phủ nhận đây chính là 2 yêu cầu hết sức bức bách với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Chúng ta thiếu công nghiệp hỗ trợ chính là do thiếu một đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa tinh nhuệ.
Mặt khác, hoạt động xúc tiến thương mại hiện nay dường như vẫn chú trọng nhiều hơn đến việc lôi kéo các doanh nghiệp lớn. Nhưng thực tế thì hầu hết các doanh nghiệp lớn đều đã có mặt ở Việt Nam và họ có những nền tảng rất tốt để đánh giá và ra quyết định đầu tư.
Ngược lại, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nước phát triển, trong đó có Nhật, vẫn ngại ra ngoài nếu không có thông tin tin cậy, không có người hướng dẫn, động viên từ các nước muốn lôi kéo họ. Trong khi, các doanh nghiệp này vẫn nắm giữ những công nghệ cao, là xương sống của các nền kinh tế và có khả năng đem lại giá trị gia tăng cao cho các nước họ đầu tư.
“Những đề án xúc tiến thương mại được giao cho VCCI triển khai thời gian tới sẽ được triển khai theo hướng này. Keidanren có hàng triệu hội viên, thành công hay không là ở việc có kéo được các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật vào Việt Nam không”, ông Lộc nói.
Trong tuần tới, VCCI sẽ có cuộc làm việc tiếp theo với các tổ chức của Nhật và Đại sứ quán Nhật Bản để cụ thể hóa hơn nữa kế hoạch thúc đẩy thương mại đầu tư giữa hai nước.
Lo ngại Luật Đầu tư chưa có hướng dẫn
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá rất cao quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, đặc biệt là qua Nghị quyết 19 của Chính phủ.
Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề lo ngại như việc Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã tách bạch giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với giấy chứng nhận đầu tư dự án và điều này được hiểu là tăng thêm thủ tục; các vấn đề vướng mắc về thị thực… Đặc biệt, các doanh nghiệp Nhật rất lo ngại về việc chưa có hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư năm 2014.
Thông báo quyết tâm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là phải đưa Việt Nam vào nhóm nước dẫn đầu về môi trường kinh doanh trong ASEAN, Chủ tịch VCCI đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản một mặt tiếp tục gửi các khó khăn vướng mắc để VCCI tập hợp gửi các cơ quan chức năng, mặt khác “hiến kế”, gợi ý cho Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải cách theo những thông lệ, những cách làm tốt nhất ở các quốc gia mà doanh nghiệp Nhật hoạt động.
Theo khảo sát của Jetro, có tới 66% doanh nghiệp Nhật dự kiến mở rộng đầu tư ở Việt Nam trong 2 năm tới, 32,4% dự kiến giữ nguyên quy mô và chỉ 1,5% dự kiến giảm quy mô hoặc chuyển sang nước khác. Tuy nhiên, trong 19 nước châu Á-TBD, Việt Nam chỉ đứng thứ 5 về tỷ lệ doanh nghiệp Nhật dự kiến mở rộng đầu tư, sau Campuchia, Ấn Độ, Bangladesh và Indonesia.
Cũng liên quan đến khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp châu Á về chủ đề hội nhập kinh tế khu vực thông qua các FTA, đại diện Việt Nam đã đặc biệt nhấn mạnh đến tính dễ bị tổn thương của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các nước đang phát triển trong quá trình hội nhập.
Điều này một mặt do năng lực yếu kém của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng mặt khác là do các hàng rào kỹ thuật nhiều khi quá mức cần thiết được các nước phát triển dựng lên. Điều này khiến hàng nhập khẩu của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, không thể tiếp cận thị trường, và qua đó những ưu đãi thuế quan theo các FTA cũng bị vô hiệu hóa.
Mặt khác, hết sức cần thiết những chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là của các nước đi sau, để bảo đảm quá trình hội nhập, tự do hóa thương mại đạt được mục tiêu cùng thắng (win-win) cho các bên.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ