Thông tin trên đưa ra tại hội nghị giao ban 6 tháng năm 2018 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 9/7. Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, đà tăng này đã được ghi nhận trong một khoảng thời gian liên tục, kéo dài từ những tháng cuối năm 2017 đến nay, đã thể hiện nhiều dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.
Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, nửa đầu năm, xuất khẩu ước đạt gần 114 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 48% kế hoạch năm. Tính đến hết tháng 6, đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (22,5 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,45 tỷ USD); hàng dệt, may (13,42 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (7,8 tỷ USD), giày dép các loại (7,79 tỷ USD).
Ông Dương Duy Hưng đánh giá, điểm tích cực trong xuất khẩu nửa đầu năm được thể hiện khá rõ khi khu vực có vốn đầu tư trong nước đã cải thiện tốc độ tăng trưởng so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, khu vực 100% vốn trong nước xuất khẩu ước đạt 33,07 tỷ USD, tăng 19,9%, cao hơn mức tăng 16,3% của năm 2017. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất khẩu ước đạt 80,86 tỷ USD, tăng 14,5%, thấp hơn mức tăng 20,7% của năm 2017.
“Yếu tố tích cực này đã được nhìn nhận từ những tháng cuối năm 2017 và tiếp tục duy trì trong nửa đầu năm nay”, ông Hưng nói.
Để có được những con số này, Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới.
Bằng chứng là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ tăng 9,2%, EU tăng 12,3%, Trung Quốc tăng 28%... Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường tiềm năng cũng ghi nhận đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung như: Ấn Độ tăng 96,6%, Iraq tăng 27,9%, Nga tăng 25,4%...
Nhiều dự án thua lỗ khởi sắc hơn
Những dấu hiệu khởi sắc của khu vực DN nội được thể hiện khá rõ nét ở nhiều dự án, nhất là những dự án nằm trong diện thua lỗ của ngành công thương thời gian qua.
Thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, trong 4 dự án thua lỗ của ngành hóa chất thì hiện một số dự án đã có lãi, trong đó đáng chú ý là số lãi của một DN cao hơn năm 2017 khi đạt con số 80 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đã có có đạm Hà Bắc cắt được lỗ với mức giảm khoảng 150 tỷ đồng so với năm 2017, còn DAP 2 cũng cắt lỗ được 200 tỷ đồng. Điều này giúp cho lợi nhuận của toàn Tập đoàn tăng lên.
Có được kết quả trên, theo chủ tịch Vinachem là nhờ sự chủ động trong việc sắp xếp lại cơ cấu bộ máy cũng như tính toán lại chi phí sản xuất kinh doanh, kể cả việc tiêu hao năng lượng và lao động tại các đơn vị.
"Những đơn vị cắt lỗ này thì xấp xỉ 50% cắt giảm được thông qua việc chi tiêu thực hành tiết kiệm còn 50% là nhờ tăng giá bán", ông Nguyễn Phú Cường nói.
Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng cho biết, việc xuất khẩu than đã được đẩy mạnh thực hiện theo kế hoạchtừ đầu năm, tuy nhiên nhiều thời điểm nguồn than cho xuất khẩu không đủ, vì vậy 6 tháng đầu năm thực hiện xuất khẩu chỉ đạt 47,3 % kế hoạch năm, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, do bán các loại than chất lượng cao nên doanh thu đạt 123 triệu USD, tăng 18 % so với cùng kỳ 2017.
Năm 2018 xuất khẩu sẽ cán mốc 236 tỷ USD
Bộ Công Thương nhận định nửa cuối năm có khá nhiều điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
Theo chu kỳ, thông thường xuất khẩu nông, thủy sản tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm; các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa Quý II.
Bên Cạnh đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới.
Dự báo, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 236,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017.
Tuy nhiên, ông Dương Duy Hưng vẫn cho rằng, xuất khẩu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Nổi bật là việc các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe khiến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên các thị trường nhập khẩu như cảnh báo thẻ vàng của EU đối với thủy sản, mức thuế chống bán phá giá Hoa Kỳ áp dụng đối với cá tra; nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc; tình trạng truyền thông bôi nhọ sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại một số nước...
“Trong nửa đầu năm, trung bình xuất khẩu đạt 19,5 tỷ USD/tháng. Để đạt kết quả chung đề ra, 6 tháng cuối năm phải xuất khẩu đạt 20,45 tỷ USD/tháng. Việc đạt mức xuất khẩu bình quân này là một thách thức rất lớn trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều biến động khó lường. Điều này đòi hỏi nỗ lực không chỉ của Bộ Công Thương mà còn của các bộ, ngành liên quan và cả cộng đồng doanh nghiệp”, ông Hưng nói.
Để thực hiện mục tiêu đề ra trong năm 2018, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị, lãnh đạo Bộ, các Cục, Vụ, Sở Công Thương, các Tập đoàn, Tổng công ty quán triệt sâu sắc việc thực hiện các chương trình hành động của Bộ Công Thương. Đảm bảo năng lực cạnh tranh, tạo động lực cho sản xuất, xuất khẩu; tạo môi trường thuận lợi cho DN, kể cả trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó quan tâm đến việc hoàn thiện pháp luật, thể chế, gắn với xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; có ý kiến góp ý về những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của DN như thuế VAT cho phân bón, thuế môi trường cho xăng dầu… từ đó đảm bảo môi trường thuận lợi cho DN.
“Các đơn vị cần khẩn trương triển khai Tổng sơ đồ Điện VIII; khắc phục các dự án chậm tiến độ; nghiên cứu việc nhập điện từ các nước bạn, đảm bảo đủ điện, đồng thời đảm bảo sự phát triển EVN theo nguyên tắc thị trường. Đảm bảo cung cầu điện từ năm nay, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cắt điện ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Rà soát lại việc thực hiện các kế hoạch, chiến lược phát triển ngành với tình hình triển khai thực tiễn để thấy vướng mắc, báo cáo Chính phủ tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh triển khai thực hiện những tháng cuối năm.
Ngoài ra, chú trọng tháo gỡ khó khăn cho 12 dự án tồn đọng. Các dự án có hiệu quả tiếp tục tạo cơ chế đẩy mạnh phát triển, các dự án kém hiệu quả cần rà soát lại, đề xuất phương án tháo gỡ.
Những tháng cuối năm và thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ còn phải đối mặt với không ít khó khăn. Do đó, các đơn vị như Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại, Cục Phòng vệ thương mại... cần đánh giá thực tiễn, bám sát các biến động thương mại quốc tế, hội nhập và toàn cầu hóa; tiếp tục đề ra giải pháp khai thác hiệu quả các FTA, dự báo các tình huống phức tạp tác động, từ đó ứng phó kịp thời. Đánh giá lại các thị trường còn dư địa, tiềm năng xuất khẩu, từ đó xây dựng các nhóm ngành hàng lợi thế của từng thị trường.
Theo báo Chính phủ