Xu thế tất yếu
Tại hội thảo “Tự chứng nhận xuất xứ - Xu hướng trong các FTA thế hệ mới” được Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Brian Staples - Chuyên gia Dự án EU - MUTRAP - cho biết, việc áp dụng cơ chế TCNXX hàng hóa đang và sẽ là xu hướng tất yếu, bắt buộc trong đàm phán một số FTA thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP quy định, để được hưởng ưu đãi thuế quan, DN phải TCNXX hàng hóa. Trong tương lai, cơ chế này được áp dụng phổ biến tại Việt Nam do các đối tác mà Việt Nam đã và đang đàm phán FTA đều sử dụng cơ chế này.
TCNXX hàng hóa là cơ chế rất mới đối với Việt Nam, bởi hiện tại, các DN Việt Nam vẫn phải xin chứng nhận xuất xứ (C/O) tại một cơ quan có thẩm quyền do Nhà nước chỉ định. Việt Nam mới chỉ đang bắt đầu đưa vào thí điểm một số trường hợp TCNXX trong ASEAN và hiện Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) là DN Việt Nam duy nhất được TCNXX hàng hóa. Bộ Công Thương đang xem xét hồ sơ để cấp giấy TCNXX hàng hóa cho một số DN khác.
Dù TCNXX hàng hóa là phương pháp mới nhưng nếu đạt được, cơ chế này sẽ giúp ích lớn cho các DN xuất khẩu (XK). Bà Bùi Kim Thùy - Phó Trưởng phòng xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho hay, cơ chế này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN. DN chỉ phải xin TCNXX một lần duy nhất cho hàng hóa trong một khoảng thời gian nhất định thay vì mỗi khi có nhu cầu lại phải đến các cơ quan chức năng, từ đó thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư giữa các nước.
Quy tắc từ sợi đến vải là yếu tố quan trọng trong các FTA
Bên cạnh đó, mỗi nước TPP có thể có mức thuế ưu đãi khác nhau cho một sản phẩm XK của Việt Nam, nhưng yêu cầu về quy tắc xuất xứ giống nhau và áp dụng chung. Do đó, một sản phẩm XK nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ của TPP, khi XK sang bất kỳ một thị trường nào thuộc khối TPP cũng được hưởng ưu đãi thuế quan.
Biến rào cản thành cơ hội
Theo khuyến cáo của Cục Xuất nhập khẩu, muốn tận dụng tối đa lợi thế của cơ chế TCNXX hàng hóa, DN cần tìm hiểu chính xác quy tắc xuất xứ áp dụng cho nhóm hàng hóa của mình, nhằm được hưởng ưu đãi mức thuế quan tốt nhất.
Bên cạnh đó, thủ tục chứng nhận xuất xứ theo TPP không chỉ mới về hình thức chứng nhận, mà còn mới về chủ thể chứng nhận. Do đó, việc thực thi sẽ rất khác so với cơ chế chứng nhận xuất xứ bởi cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, ngoài việc tìm hiểu về cơ chế mới này, DN cần chủ động có ý kiến với các cơ quan nhà nước liên quan để thiết lập, vận hành, điều chỉnh cơ chế mới theo hướng thuận lợi nhất cho DN.
Ngoài ra, trong trường hợp nếu đối tác nhập khẩu muốn TCNXX cho lô hàng họ muốn nhập khẩu, DN Việt Nam chú ý cẩn trọng khi cung cấp các thông tin về nguồn, giá cả, cách thức mua bán nguyên phụ liệu… để có thể vừa giữ quan hệ làm ăn với đối tác vừa không đánh mất bí mật kinh doanh.
Thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) sẽ tổ chức 3 hội nghị tại Hà Nội, Thanh Hóa và Lạng Sơn nhằm cung cấp cho DN kiến thức về quy tắc xuất xứ nói chung và TCNXX hàng hóa nói riêng. |
Theo Báo Công Thương điện tử