Nhỏ nhưng… không muốn lớn
Có thể khẳng định, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) đã và đang tăng trưởng nhanh, đóng góp ngày càng lớn vào kinh tế đất nước với trên 40% tổng nguồn vốn xã hội, đóng góp khoảng 40% GDP quốc gia, sử dụng 83,6% tổng số lao động. Tuy nhiên, đó là số liệu tính chung cho cả 600.000 DN và 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, nếu tính riêng thì đóng góp của 600.000 DN có đăng ký kinh doanh là rất nhỏ bé.
Số liệu được TS. Trần Đình Thiên đưa ra tại cuộc tọa đàm "Doanh nhân trẻ Việt Nam - 25 năm cùng khát vọng Việt Nam" cho biết, khu vực DN tư nhân trong nước chỉ đóng góp chưa đến 8%. Với sứ mệnh đổi mới, kinh tế tư nhân đáng lẽ phải được coi là lực lượng vô cùng quan trọng nhưng 30 năm sau đổi mới vai vế vẫn không rõ ràng, vai trò chủ đạo vẫn là lực lượng khác. "Cứ trói buộc và phân biệt thì DN không thể lớn và không muốn lớn" - TS. Thiên nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm trên, các chuyên gia, doanh nhân còn liệt kê hàng loạt rào cản khiến DN tư nhân không thể "lớn", như: Có sự phân biệt đối xử trong tiếp cận nguồn lực giữa DN tư nhân và các DN khác; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro cao, thiếu an toàn, minh bạch; mức độ không an toàn trong kinh doanh từ chính sách vẫn còn cao, đặc biệt là do sự thay đổi nhanh và khó tiên liệu của chính sách… Lấy thuế thu nhập DN để so sánh, doanh nhân Phương Hữu Việt - nguyên Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - nêu thực tế, bình quân thuế thu nhập DN của các DN FDI chỉ 11%, còn với DN Việt Nam trung bình 29%.
Định hình lại chiến lược phát triển
Để DN tư nhân phát triển và lớn mạnh, các chuyên gia cho rằng, trước hết, bản thân DN phải tự chuẩn bị cho mình nội lực, từ vốn, nguồn lực lao động, khoa học kỹ thuật đến việc đặt ra các kế hoạch, chiến lược kinh doanh ngắn và dài hạn.
Đưa số liệu chỉ có khoảng 54% DN hoạt động thực chất, trong khi số lượng DN thành lập mới và DN tuyên bố phá sản ngang bằng nhau, các chuyên gia nêu băn khoăn, chúng ta mong muốn tăng số lượng DN nhưng lại chưa chú trọng vấn đề DN phải có chất lượng, có hiệu quả và đóng góp cho nền kinh tế một cách bền vững hơn, chắc chắn hơn.
Giải pháp được đưa ra ở tầm vĩ mô là, nhà nước cần xây dựng môi trường kinh doanh ổn định, định hướng rõ ràng để các DN có thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn. Các nhà hoạch định chính sách phải nhận thấy vai trò của DN vừa và nhỏ thì mới xây dựng được hành lang pháp lý phù hợp, dài hạn hay ngắn hạn để DN bám theo đó hoạch định cho mình. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, cộng đồng DN nhỏ và vừa cần có các DN "đầu đàn" đóng vai trò dẫn dắt cho các DN nhỏ và vừa. TS. Trần Đình Thiên hy vọng, sẽ định hình lại một chiến lược mới cho DN Việt Nam.
Để DN tư nhân phát triển và lớn mạnh, trước hết, bản thân DN phải tự chuẩn bị cho mình nội lực, từ vốn, nguồn lực lao động, khoa học kỹ thuật đến việc đặt ra các kế hoạch, chiến lược kinh doanh ngắn và dài hạn. |
Nguồn Báo Công Thương