Chủ Nhật, 24/11/2024 02:19:58 GMT+7
Lượt xem: 3003

Tin đăng lúc 06-05-2016

Doanh nghiệp Việt trước sức ép thị trường

Với tâm lý “sính hàng ngoại” cùng với việc Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, trong đó, các hàng rào thuế quan dần được xóa bỏ khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP),… chính thức có hiệu lực sẽ tạo điều kiện để các loại hàng hóa của Thái-lan, Nhật Bản,… ồ ạt xâm nhập thị trường trong nước.
Doanh nghiệp Việt trước sức ép thị trường
Sau thương vụ Central Group chi hơn một tỷ USD để mua siêu thị BigC, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam càng đứng trước nguy cơ bị "mất trắng" ngay trên sân nhà. Ảnh: MINH THÁI

Nếu doanh nghiệp (DN) Việt không có hướng đi hợp lý trong việc cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhằm cạnh tranh với các loại hàng hóa của nước ngoài, rất có thể thị trường trong nước sẽ bị các DN ngoại chiếm lĩnh trong tương lai không xa.

 

Tràn lan hàng ngoại

 

Chỉ cần dạo qua một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như Thái Thịnh, Tây Sơn, Thái Hà, Nguyễn Trãi, Trung Văn, Bà Triệu, Triệu Quốc Đạt,… ai cũng có thể dễ dàng tìm tới những cửa hàng chuyên bán đồ Thái-lan, đồ Nhật Bản,… Tại một cửa hàng chuyên bán đồ Thái-lan trên phố Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) bày bán rất nhiều loại sản phẩm, hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người. Từ lọ muối, chai nước mắm, kem đánh răng, nước rửa bát cho đến các sản phẩm như mỹ phẩm, đồ nhựa, đồ điện gia dụng, quần áo,… được trưng bày khá bắt mắt và sẵn sàng phục vụ khách có nhu cầu. Chủ cửa hàng ở đây khẳng định, toàn bộ sản phẩm đều là hàng chính hãng của Thái-lan. Các loại sữa tắm, dầu gội đầu, mỹ phẩm đều là sản phẩm chính hãng, có mức giá dao động từ 50 nghìn đến 200 nghìn đồng. Các mặt hàng gia dụng như rổ đựng đồ, móc áo, bát đũa, cốc chén, chổi lau nhà, thùng đựng rác có giá từ vài chục nghìn cho đến 600 - 700 nghìn đồng/sản phẩm; riêng các sản phẩm như nồi cơm điện, quạt điện, lò vi sóng,… có giá từ 1 triệu đến gần 3 triệu đồng.

 

Tương tự, tại cửa hàng chuyên bán đồ Thái-lan ở khu vực chợ Văn Quán (quận Hà Đông), lượng người mua bán vào ra tấp nập. Đa phần người tiêu dùng đều mua những sản phẩm thiết yếu như mỹ phẩm, kem đánh răng, nồi cơm điện,… Tôi tỏ vẻ phân vân về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, nhân viên bán hàng ở đây khẳng định chắc nịch: “Anh yên tâm, hàng ở đây bán chuẩn Thái-lan 100%, nếu có vấn đề gì không vừa lòng có thể mang ra đổi lại. Ở đây làm ăn uy tín và bán hàng hơn chục năm nay có thấy ai phản ánh về chất lượng hàng hóa đâu. Hàng bán vừa rẻ, vừa bảo đảm chất lượng, khách vào miễn chê, thậm chí không ít người một lúc bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua hàng về sử dụng,…”.

 

Chị Lê Ngọc Huyền, trú tại Khu đô thị Văn Quán cho biết, các cửa hàng quảng cáo hàng Thái-lan thì chỉ biết vậy chứ có phải ai cũng biết tiếng Thái để mà kiểm tra độ xác thực. Trên thực tế, có không ít sản phẩm hàng nhái “đội lốt” hàng Thái-lan, hàng Nhật Bản nhưng khi mua về chất lượng không bảo đảm, lỡ sử dụng rồi ai còn mang ra bắt cửa hàng đổi lại nữa. Cách đây vài ngày, chị Huyền bỏ ra 125 nghìn đồng mua một lọ sữa rửa mặt được quảng cáo là hàng Thái-lan “xịn” về dùng, nhưng khi vừa rửa mặt xong bỗng nổi các nốt mụn nhỏ li ti. Càng về sau các nốt này mọc càng nhiều, phát hoảng chị Huyền phải vào bệnh viện khám và được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm da dị ứng do dùng sữa rửa mặt không bảo đảm chất lượng. Sau khi “thoát nạn”, chị Huyền mang sản phẩm ra cửa hàng phản ánh thì nhân viên ở đây giải thích: “Chắc do da chị bị mẫn cảm nên mới bị dị ứng, từ trước đến giờ rất nhiều người dùng có thấy ai phàn nàn gì đâu. Nếu không tin, chị có thể chọn loại khác về sử dụng, bị làm sao ra đây cửa hàng sẽ đền bù thiệt hại. Còn sản phẩm này cứ để lại, cửa hàng sẽ bán cho người khác”. “Tôi đã sử dụng rất nhiều sản phẩm của Thái-lan, từ trước đến nay chưa thấy vấn đề gì nhưng vừa rồi lại bị dị ứng, điều đó cho thấy chất lượng sản phẩm có vấn đề. Do vậy, để bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc thanh, kiểm tra nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa trên thị trường” - chị Huyền nhấn mạnh.

 

Chẳng riêng gì các cửa hàng chuyên bán hàng Thái-lan, hàng Nhật Bản trên các tuyến phố, khu chợ mà ngay cả các trung tâm thương mại, đại siêu thị, tỷ lệ hàng Thái-lan, hàng Nhật Bản được giới thiệu, bày bán ngày càng gia tăng. Qua tìm hiểu được biết, mặc dù hàng Nhật Bản có mức giá cao hơn các sản phẩm cùng loại khác nhưng vẫn được đông đảo người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn vì chất lượng, mẫu mã của sản phẩm được bảo đảm, đáp ứng đúng tiêu chí “ăn chắc mặc bền” của người tiêu dùng Việt Nam. Đối với hàng Thái-lan, do lợi thế về giá, mẫu mã, chủng loại sản phẩm có phần nhỉnh hơn sản phẩm cùng loại của hàng Việt Nam cùng với tâm lý “sính hàng ngoại” nên thu hút được sự chú ý, lựa chọn của đông đảo người tiêu dùng.

 

Cuộc chiến không cân sức

 

Nếu như năm 2014, người tiêu dùng Việt Nam bỏ ra hơn 7,1 tỷ USD để nhập khẩu các loại hàng hóa từ Thái-lan (từ lọ muối cho tới ô-tô) về phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống thì năm 2015 con số này đã tăng lên 8,3 tỷ USD. Tính đến hết quý I - 2016, kim ngạch nhập khẩu từ Thái-lan cũng tăng 1,8 tỷ USD, điều đó cho thấy nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, bản đồ ngành bán lẻ Việt Nam đã được vẽ lại kể từ sau thương vụ Central Group chi hơn một tỷ USD mua Big C. Nguy cơ phổ cập hàng tiêu dùng Thái-lan đang được rất nhiều người Việt Nam ưa chuộng cả về chất lượng và giá cả đã hiện hữu. Nhiều quan chức và DN Thái-lan đang tăng cường đi học tiếng Việt để bắt nhịp cuộc chơi hội nhập đầy khốc liệt này.

 

Trên thực tế, nhiều mặt hàng Thái-lan đã thế chân hàng Trung Quốc để vươn lên dẫn đầu trong xuất khẩu sang Việt Nam như ô-tô, rau quả và nông sản. Năm 2015, Việt Nam đã nhập hơn 25 nghìn ô-tô, nếu tính cả phụ tùng ô-tô, người Việt Nam đã chi hơn 1 tỷ USD nhập khẩu mặt hàng này từ Thái-lan. Đáng chú ý, Việt Nam còn nhập khẩu rất nhiều mặt hàng mà chính nước ta cũng sản xuất và có thế mạnh như: hàng rau quả, sữa và các sản phẩm từ sữa, thủy sản, ngô, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cao-su và sản phẩm từ cao-su, sản phẩm từ chất dẻo, giấy… Nhìn nhận về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú khẳng định, việc sở hữu hàng loạt các chuỗi siêu thị lớn của Việt Nam sẽ biến hệ thống này trở thành kênh phân phối chính thức hàng Thái-lan tại Việt Nam. Cùng với tâm lý yêu thích hàng Thái-lan, chính sách về chiết khấu, khuyến mại lớn, mẫu mã đẹp,… khiến hàng Thái-lan đang chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt. Ngoài ra, ông chủ các siêu thị lớn ở Việt Nam như Aeon, Big C và Lotte Mart do nhận thấy hàng hóa Thái-lan đang bán chạy nên đã tăng cường tỷ lệ bán hàng Thái-lan tại các siêu thị của mình. Điều đó cho thấy, cơ hội tăng cường làm ăn của các DN Thái-lan nói riêng và các DN nước ngoài khác tại Việt Nam đang ngày càng được mở ra khi AEC, TPP đã và sắp được thực hiện. Khi đó, hàng rào thuế quan dần được xóa bỏ sẽ là điều kiện lý tưởng để các loại hàng hóa của nước ngoài xâm nhập thị trường trong nước và như vậy tỷ lệ 80% lượng hàng Việt trong các siêu thị chắc chắn giảm đi trong thời gian tới. “Với bước đi bài bản của người Thái-lan, cùng với sức mạnh về tài chính, kinh nghiệm bán lẻ trên thị trường thế giới đã phản ánh cuộc chiến không cân sức đối với các DN Việt Nam. Do đó, các DN nội địa cần phải có sự liên kết, cung cấp hàng hóa theo chuỗi, đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu một cách bài bản mới có thể cạnh tranh được” - ông Phú nhấn mạnh.

 

Theo Phó Tổng Giám đốc thường trực Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng, trong quá trình hội nhập, có hơn 10 nghìn loại hàng hóa từ các nước thành viên TPP sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan nên nguồn hàng hóa chất lượng từ các nước đổ vào Việt Nam sẽ ngày càng tăng và làm cho hàng hóa Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh. Do đó, để chống lại sự xâm nhập của hàng hóa nước ngoài, DN Việt không còn cách nào khác phải liên kết, cải cách toàn diện, cho ra những hàng hóa có chất lượng, nâng cao năng suất, giảm giá thành,… nhằm nâng cao sức cạnh tranh. 
 

Việc hàng Thái-lan tràn vào Việt Nam trước hết giúp người tiêu dùng có lợi vì được tiếp cận và mua những sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng. Đồng thời, hàng Thái-lan lấn sân cũng tạo ra sức ép tốt cho DN Việt phải cải cách, cạnh tranh và vươn lên. Nếu không có cạnh tranh, DN sẽ không chịu cải tiến, cứ mãi ì ạch, chậm phát triển.

Ông Lê Đăng Doanh

Chuyên gia kinh tế

 

Sự gia nhập thị trường của các DN bán lẻ Thái-lan rất mạnh mẽ, tuy nhiên, chưa thể nói những DN này đang thâu tóm thị trường. Bởi vì, có thâu tóm hay không cần phải đánh giá và cân nhắc một cách khách quan thông qua số liệu cụ thể, không thể định tính mà phải phân tích về mặt định lượng. Thế nhưng, có sự quan ngại ở chỗ, hàng hóa của Việt Nam sẽ rất khó gia nhập hệ thống bán lẻ của các DN Thái-lan.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan

Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam

 

Theo Hoàng Anh/ Báo Nhân Dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang