Trí tuệ nhân tạo không còn là công nghệ của tương lai bởi nó đã và đang dần hiện hữu trong mọi lĩnh vực của đời sống. Đáng lưu ý, với nền tảng hiện có, Việt Nam có cơ hội lớn trong cuộc đua để trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ AI trong khu vực.
Phát triển AI “Make in Vietnam”
Một nghiên cứu của Quỹ đầu tư mạo hiểm EDBI (Singapore) và công ty tư vấn tầm cỡ toàn cầu Kearney cho thấy, công nghệ AI đã và đang được triển khai rộng khắp trong nhiều ngành, lĩnh vực đa dạng tại các quốc gia trong ASEAN. EBDI ước tính, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực có thể tăng thêm 1.000 tỷ USD nếu AI được đầu tư đầy đủ và triển khai tốt. Các chuyên gia cũng nhận định, Việt Nam là thị trường tiềm năng để phát triển công nghệ AI.
Thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 với mục tiêu đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực và trên thế giới.
Thứ hai, thực tế cho thấy, người dùng Việt Nam đang rất quan tâm và đón nhận các sản phẩm AI. Thứ ba, chúng ta có tiềm năng lớn về nguồn nhân lực với đội ngũ kỹ sư AI trẻ trung, có nền tảng giáo dục tốt, được tiếp cận với nhiều nguồn kiến thức công nghệ từ khắp thế giới.
Giám đốc VNPT AI Nguyễn Tiến Cường nhận định, dù trên thế giới có rất nhiều ứng dụng AI tốt, công nghệ hiện đại cũng như khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng Việt Nam vẫn cần phát triển các sản phẩm AI “Make in Vietnam”. Bởi nếu sử dụng AI do nước ngoài phát triển sẽ gặp phải một số vấn đề như tính chính xác của đầu ra, tính bảo mật của dữ liệu, mức độ cập nhật dữ liệu và tính phụ thuộc khi sử dụng.
Để có những dữ liệu chính thống, tin cậy, ngoài dữ liệu về khoa học, những kiến thức chuẩn chung của thế giới, các sản phẩm AI của Việt Nam phải do người Việt viết và dùng chính dữ liệu của Việt Nam. Bên cạnh đó, trợ lý AI của người Việt nên phát triển theo hướng chuyên sâu cho một ngành, một lĩnh vực hay một nghiệp vụ cụ thể.
Để xây dựng trợ lý ảo AI, theo ông Nguyễn Tiến Cường, cần có bốn yếu tố, gồm: Con người, hạ tầng, tri thức và chiến lược. Hiện VNPT đang có đội ngũ nhân sự hơn 120 chuyên gia AI và hơn 5.000 kỹ sư công nghệ thông tin; sở hữu hạ tầng GPU với năng lực xử lý hàng triệu tỷ phép tính/giây cũng như hạ tầng Big Data thực hiện 100 tỷ events/ngày.
Tập đoàn cũng đang triển khai chiến lược đầu tư dài hạn và liên tục vào lĩnh vực AI. Quan trọng nhất là VNPT còn sở hữu một hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện trong nhiều lĩnh vực như chính phủ số, y tế, giáo dục,... để tạo ra nguồn tri thức khổng lồ phục vụ phát triển trí tuệ nhân tạo. Hiện các sản phẩm, dịch vụ của VNPT đều hướng tới tích hợp AI và đều dùng dữ liệu của Việt Nam, những dữ liệu chính thống.
Tạo thị trường cho doanh nghiệp
Đáp ứng lời kêu gọi của Chính phủ, các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT đã và đang tập trung mọi nguồn lực để phát triển mạnh công nghệ AI. Sản phẩm AI “phổ biến” nhất là các trợ lý ảo, khi các doanh nghiệp này đều phát triển trợ lý ảo riêng, tập trung vào những phân khúc có lợi thế như định danh điện tử, giám sát giao thông, trợ lý y tế cho bác sĩ, trợ lý tra cứu cho bộ, ban, ngành, lắng nghe mạng xã hội, chăm sóc khách hàng và người dân,...
Tại Viettel, một số giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo nổi bật là Cyberbot, Reputa và Voice note. Trong đó, Cyberbot là nền tảng thiết kế Bot thông minh ứng dụng các công nghệ xử lý hội thoại, giọng nói tiếng Việt để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống Chatbot và Callbot tương tác thân thiện, tự nhiên với khách hàng, giúp doanh nghiệp chuyển dịch và tối ưu nguồn lực chăm sóc khách hàng.
Còn Reputa là giải pháp AI giúp các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp lắng nghe thị trường, hỗ trợ giám sát danh tiếng cũng như đánh giá hiệu quả của hoạt động truyền thông, thương hiệu. Reputa cũng giúp khách hàng quản trị thương hiệu, phát hiện những rủi ro trên internet và mạng xã hội. Riêng Voice note là ứng dụng ghi chú giọng nói bằng tiếng Việt đầu tiên, hỗ trợ người dùng dễ dàng ghi chép các buổi phỏng vấn, cuộc họp, bài giảng,... bằng công nghệ nhận dạng và chuyển đổi giọng nói thành văn bản.
Tại VNPT, đơn vị này đã xây dựng hệ sinh thái công nghệ VNPT AI bao phủ nhiều lĩnh vực như nền tảng định danh điện tử VNPT eKYC; nền tảng trợ lý ảo hỗ trợ chăm sóc, tư vấn khách hàng VNPT Smartbot; nền tảng lắng nghe và giám sát mạng xã hội VnSocial; nền tảng giọng nói thông minh VNPT Smart Voice; nền tảng xử lý hình ảnh VNPT Smart Vision; nền tảng số hóa văn bản thông minh VNPT Smart Reader; và giải pháp điểm danh, chấm công 4.0 vnFace;...
Trong đó, bộ ba nền tảng, giải pháp VNPT eKYC, vnFace và VNPT Smart Vision được phát triển từ công nghệ sinh trắc học khuôn mặt VNPT FaceID, một trong những thành tựu lớn của VNPT trong lĩnh vực AI. Cho tới thời điểm hiện tại, VNPT FaceID là model AI duy nhất của Việt Nam lọt tốp 10 thế giới trên bảng xếp hạng của Viện Tiêu chuẩn và Kỹ thuật quốc gia Mỹ (NIST); đồng thời, xuất sắc vượt qua bài kiểm định Presentation Attack Detection (PAD) để đạt chuẩn ISO30107-3 của iBeta (Liên minh FIDO).
Làn sóng công nghệ sẽ thay đổi mạnh mẽ từng ngày, còn cuộc đua về AI cũng mới chỉ bắt đầu và chắc chắn sẽ bùng nổ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, làn sóng công nghệ sẽ thay đổi mạnh mẽ từng ngày, còn cuộc đua về AI cũng mới chỉ bắt đầu và chắc chắn sẽ bùng nổ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không tận dụng tốt các lợi thế và tiềm năng sẵn có từ thị trường, chúng ta sẽ bị tụt hậu, doanh nghiệp có thể trở thành người ngoài cuộc trong tương lai.
Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm cho rằng, phát triển AI thời gian qua tại Việt Nam dù đã đạt được một số kết quả, nhưng so với thế giới cũng mới chỉ đi được những bước đầu tiên. Muốn cạnh tranh được với bên ngoài, chúng ta cần phát triển những sản phẩm AI đặc thù, sử dụng dữ liệu Việt để phục vụ cho người Việt - điều mà AI nước ngoài không thể làm được. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp muốn phát triển AI thì cần có thị trường.
Mọi lĩnh vực trong cuộc sống như: y tế, giáo dục, giao thông, du lịch,... đều có thể trở thành thị trường của AI cũng như dễ dàng ứng dụng AI để tạo ra sự đột phá. Quan trọng là cần có những cơ chế, chính sách để biến những cơ hội này thành đầu bài thực tế cho doanh nghiệp.
Theo Nhandan