Thứ Sáu, 22/11/2024 17:46:57 GMT+7
Lượt xem: 2946

Tin đăng lúc 18-11-2016

Doanh nghiệp xăng dầu ngày càng bị siết chặt

Việc Bộ Công Thương gần đây có các động thái trấn chỉnh, thậm chí là thu hồi giấy phép của Cty xăng dầu đã cho thấy quyết tâm của Bộ này trong vấn đề quản lý thị trường xăng dầu. Nhưng liệu động thái được cho là chưa có tiền lệ có là “bước đà” để thị trường xăng dầu thực sự đi vào “khuôn khổ”?
Doanh nghiệp xăng dầu ngày càng bị siết chặt
Thanh tra Chính phủ cũng đã ra kết luận Petrolimex chưa quản lý chặt chẽ xăng dầu trước các thời điểm điều chỉnh giá

Tuần trước, trong một động thái khá bất ngờ, Bộ Công Thương đã quyết định thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của Cty cổ phần đầu tư Nam Phúc.

 

Không đơn thuần là đổi giấy phép

 

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Cty này có tên giao dịch đối ngoại là Nam Phuc Investment Joint Stock Company, trụ sở chính tại 1073/89 Cách Mạng Tháng Tám, phường 7, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0303678436 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp lần đầu ngày 23/2/2005, cấp thay đổi lần thứ 15 ngày 23/8/2016. Số giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu: 45/QDD-BCT do Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp ngày 13/8/2015.

 

Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Cty Nam Phúc có trách nhiệm gửi bản chính Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu số 45/QĐ-BCT do Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp ngày 13/8/2015 về Bộ Công Thương trước ngày 21/11/2016. Theo thông báo, từ nay, các hoạt động của Cty được thực hiện theo giấy phép số 11/GPXD-BTC ngày 17/10/2016.

 

Tổng cục Thuế đã ban hành công văn 4156/TCT-DNL yêu cầu Cục Thuế các tỉnh tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu.

 

Như vậy, kể từ ngày được cấp giấy phép mới, Cty Nam Phúc sẽ hoạt động với tư cách là thương nhân đầu mối xăng dầu thay cho hoạt động phân phối xăng dầu trước đó. Giấy phép nhập khẩu cũ sẽ được chuyển trả về Bộ Công Thương theo quy định trước ngày 21/11/2016. Việc chuyển đổi này nhằm đảm bảo cho Cty Nam Phúc được thực hiện chức năng mới là xuất nhập khẩu xăng dầu và sản xuất xăng dầu theo nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

 

Nhìn tổng thể thì việc thu hồi giấy phép này được Bộ Công Thương thực hiện trong bối cảnh thời gian qua, dư luận đã có quá nhiều ý kiến khác nhau về hoạt động quản lý các DN kinh doanh xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng các DN xăng dầu đang được “chiều quá sinh hư”. Đơn cử, nguyên tắc của quản lý giá trong nền kinh tế thị trường là phải phân theo tính chất của thị trường để quyết định xem sản phẩm thuộc loại nào. Nếu thuộc loại tự do cạnh tranh thì phải để cho thị trường quyết định. Còn nếu thuộc lĩnh vực độc quyền thì Nhà nước phải quyết định.

 

Nhiều cơ quan cùng “soi” DN xăng dầu

 

Tuy nhiên, theo phân tích của TS. Ngô Trí Long thì, ở VN, xăng sản xuất trong nước mới đáp ứng được 30% nhu cầu, còn 70% phải nhập khẩu và do 11 DN đầu mối thực hiện, trong đó riêng Petrolimex chiếm trên 60% thị phần.Trong khi đó, theo Luật Cạnh tranh, nếu một DN chiếm trên 30% thì đó là thống lĩnh thị trường, mà thống lĩnh thị trường chính là độc quyền. Như vậy, thực chất thị trường xăng dầu VN mang tính độc quyền.

 

“Đã là độc quyền thì không thể để cho DN tự định giá được. Bộ Công Thương thường có suy nghĩ là phải đảm bảo đủ nguồn năng lượng cung cấp cho nền kinh tế, nên họ có xu hướng “ chiều” theo ý của DN”, ông Long nhấn mạnh.

 

Thực tế thì việc siết chặt và trấn chỉnh lại công tác kinh doanh xăng dầu không kể là DN lớn hay DN nhỏ là điều trước sau gì cũng phải làm để đảm bảo hoạt động này theo thị trường đúng như tinh thần Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Kinh doanh xăng dầu.

 

Vì vậy mà gần đây, không chỉ Bộ Công Thương, ngay cả Bộ Tài chính cũng có các động thái cảnh báo hoạt động kinh doanh của các Cty xăng dầu. Vào trung tuần tháng Chín vừa qua, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn 4156/TCT-DNL yêu cầu Cục Thuế các tỉnh tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Theo đó, tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu vẫn còn tình trạng gian lận gây thiệt hại cho người tiêu dùng và gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, trong bối cảnh việc áp dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu chưa thể triển khai đồng bộ trong phạm vi cả nước, cơ quan thuế cần có những biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế nhằm tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu để đảm bảo chống thất thu thuế và hạn chế gian lận đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu…

 

Mới đây, thanh tra Chính phủ cũng đã ra văn bản số 2280/TB-TTCP, thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Petrolimex và một số đơn vị thành viên trong giai đoạn từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2013. Kết luận nêu rõ : “Petrolimex chưa quản lý chặt chẽ xăng dầu trước các thời điểm điều chỉnh giá, sản lượng xuất bán trước thời điểm tăng giá tại một số Cty xăng dầu thành viên tăng bất thường từ 2,3 -6,7 lần so với sản lượng bán bình quân. Đây là dấu hiệu sơ hở trong quản lý, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, nhưng Tập đoàn chưa có biện pháp quản lý, khắc phục…”

 

Trở lại với câu chuyện thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của Cty Nam Phúc có thể thấy rằng, mặc dù việc thu hồi này được giải thích là cấp giấy phép mới, theo mô hình hoạt động từ Cty phân phối sang làm đầu mối xăng dầu nhưng có thể đây sẽ là “phát súng lệnh” để Bộ Công Thương rà soát và trấn chỉnh lại toàn bộ hoạt động của các Cty kinh doanh xăng dầu, nhằm minh bạch thị trường xăng dầu vốn đang ít nhiều bị mất niềm tin của người tiêu dùng.

 

Nguồn Enternews


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang