Có khoảng 40% hàng hóa xuất khẩu tận dụng được lợi thế từ các FTA
Theo PGS- TS Trần Hoàng Ngân- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh hiện Việt Nam đã ký kết và đàm phán 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước trên thế giới, rong đó có 13 FTA có hiệu lực. Kết quả này khẳng định quá trình hội nhập sâu rộng của kinh tế Việt Nam với thế giới ngày càng mở rộng theo hướng đa dạng hoá, đa phương hoá. Quá trình hội nhập của Việt Nam đã mang lại những thành tựu nhất định về xuất khẩu, giải quyết việc làm, giảm nghèo tái cơ cơ cấu, hoàn thiện thế chế kinh tế thị trường…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA năm 2019 đạt 47,55 tỉ USD và chiếm 37,2% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA. Hiện tại chỉ có một số ít FTA được tận dụng hiệu quả như FTA Việt Nam - Chi Lê đạt 67,72%, tiếp theo là Ấn Độ và Hàn Quốc với tỉ lệ tận dụng lần lượt là 65,13% và 49,78%. Một số thị trường nhập khẩu lớn đã có FTA với Việt Nam như Nhật Bản, Australia, New Zealand ít tận dụng ưu đãi thuế từ CPTPP do quy tắc xuất xứ CPTPP chặt hơn và mức cắt giảm thuế quan theo cam kết trong CPTPP không bằng các FTA đã có.
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, theo ông Phạm Bình An- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh- khi xét riêng 25 đối tác có FTA với Việt Nam (kể cả song phương và khu vực), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh qua các thị trường đều tăng qua các năm trong giai đoạn 2015 - 2019, chiếm tỷ trọng hơn 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và hơn 60% tổng kim ngạch nhập khẩu của TP.
Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này cán cân xuất nhập khẩu của TP với các nước có FTA với Việt Nam vẫn nghiêng về nhập siêu. Trong số đó vẫn có một số FTA chưa được khai thác tốt. Điển hình như với khu vực ASEAN, sau khi thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015 thì mức nhập siêu của TP. Hồ Chí Minh từ ASEAN có xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, DN xuất khẩu chưa tận dụng được nhiều lợi thế, cơ hội từ các FTA do xuất khẩu một số ngành hàng tăng nhưng giá trị gia tăng đem lại không cao, chủ yếu vẫn là cung ứng nguyên liệu thô và hàng gia công. Sức ép cạnh tranh từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng khi tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này ngày càng tăng cao.
DN cần đặc biệt chú trọng quy tắc xuất xứ
Thực tế trên cho thấy cơ hội từ các FTA và lợi ích DN tận dụng được là một khoảng cách không nhỏ. Một trong những nguyên nhân quan trọng là các DN còn chưa nắm được các thông tin cụ thể, thiết thực, sâu sát tới từng ngành hàng, từng DN- ông An nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Nam- Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết để tận dụng được lợi ích từ các FTA, DN cần xem lộ trình cắt giảm thuế quan đã được liệt kê đầy đủ trong các FTA. Đó là quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi hàng hoá. Các DN chỉ cần tập trung vào quy định xuất xứ mặt hàng, đi vào đúng trọng điểm mặt hàng của mình trong quy định biểu thuế.
Nếu DN không nắm rõ về quy tắc xuất xứ thì hàng hoá làm ra đi sang thị trường của đối tác có FTA cũng không được ưu đãi thuế. Hơn nữa, quy tắc xuất xứ là vấn đề kỹ thuật phức tạp, không chỉ tiêu chí xuất xứ của sản phẩm đó mà còn quá trình vận chuyển từ nơi sản xuất tới nơi giao hàng có đảm bảo nguyên trạng hay không; Thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ có phù hợp hay không... Chỉ cần vi phạm một trong các quy định đó là hàng hoá không được hưởng ưu đãi. Do vậy, vấn đề quy tác xuất xứ cần được phổ biến rộng rãi cho các DN để tận dụng sao cho hiệu quả nhất - ông An nhấn mạnh.
Ngoài ra, bên cạnh ưu đãi thuế thì nước nhập khẩu đưa ra một loạt hàng rào kỹ thuật. Cụ thể như đối với EVFTA là các rào cản kỹ thuật (TBT), các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS), ngoài ra còn có các quy định về chống đánh bắt thuỷ hải sản bất hợp pháp, chống khai thác rừng bất hợp pháp… Tất cả các hàng rào kỹ thuật này đều tác động trực tiếp đến sản phẩm xuất khẩu của DN. Nếu DN không đáp ứng thì sẽ bị từ chối không cho nhập khẩu, không cho hưởng ưu đãi...
Theo congthuong.vn