Thứ Hai, 25/11/2024 02:31:24 GMT+7
Lượt xem: 816

Tin đăng lúc 26-05-2021

Doanh nghiệp xuất khẩu chủ động ứng phó với Covid-19

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa đang gặp rất nhiều khó khăn khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát. Song, doanh nghiệp xuất khẩu đang chủ động các giải pháp ứng phó với bão dịch.
Doanh nghiệp xuất khẩu chủ động ứng phó với Covid-19
Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát

Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm

 

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 5, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 11,9 tỷ USD, giảm gần 2 tỷ USD so với nửa cuối tháng 4 trước đó. 4 nhóm hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may.

 

Tính chung từ đầu năm đến 15/5, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 116,8 tỷ USD.

 

Ở chiều nhập khẩu, tổng kim ngạch nửa đầu tháng 5 đạt 13,8 tỷ USD, cao hơn con số 13,76 tỷ USD của nửa cuối tháng 4 trước đó. Tính chung từ đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 117,15 tỷ USD.

 

Với mức thâm hụt tới gần 2 tỷ USD trong nửa đầu tháng 5, nên lũy kế từ đầu năm đến 15/5, cán cân thương mại đảo chiều khi nước ta đã nhập siêu 350 triệu USD.

 

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương chỉ rõ, hiện nay, yếu tố tác động bất lợi nhất đến hoạt động xuất nhập khẩu là tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát trên thế giới. Kinh tế Việt Nam hội nhập rất sâu, sự phụ thuộc giữa hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam sẽ gắn chặt cả về đầu vào là nguồn cung nguyên liệu lẫn đầu ra là các thị trường xuất khẩu. Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát sẽ tác động đáng kể đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

 

Theo đó, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 và diễn ra ngày càng phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành trọng điểm ở khu vực miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… là những địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu từ 10 tỷ USD trở lên (tính trong 4 tháng đầu năm) đã và đang tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

 

Doanh nghiệp chủ động

 

Trước bối cảnh gặp khó khăn do dịch bệnh, các doanh nghiệp xuất khẩu đang nỗ lực để ứng phó với khó khăn. Đơn cử, tại Tổng công ty CP Dệt may Hoà Thọ, ngay khi đợt dịch mới bùng phát, doanh nghiệp đã khởi động các chương trình phòng chống dịch ở mức cao nhất, lưu trữ thông tin, khai báo y tế với tất cả cán bộ công nhân viên và khách. Doanh nghiệp cũng đã trang bị đầy đủ cho người lao động các trang thiết bị cần thiết để phòng chống dịch như cồn sát khuẩn, Chloramine B, khẩu trang… Tăng cường tuyền truyền về phòng chống dịch bệnh trên mọi phương tiện có thể có.

 

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, đặc thù của ngành may mặc và cụ thể là May 10 là sử dụng nhiều lao động nên chỉ cần có 1 ca nhiễm sẽ ảnh hưởng toàn bộ dây chuyền và phải đóng cửa nhà máy. Đợt dịch lần 4 này là lần bùng phát có nguy cơ ảnh hưởng lớn sâu rộng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nguy cơ sức khoẻ người lao động. May 10 đã phải căng mình chống dịch từ 6 giờ sáng đến 24 giờ đêm, theo dõi trên tất cả các ban phòng chống dịch, xây dựng tổ phòng chống COVID-19 tại công ty.

 

Theo đó, doanh nghiệp làm rất nghiêm túc khâu rà soát, truy vết, khoanh vùng người lao động có tiếp xúc hoặc ở gần bán kính cá nhiễm F0, F1 và làm triệt để, kiên quyết, yêu cầu cách ly F2, và thậm chí là F3 tại nhà. Cùng với đó là các biện pháp như khử khuẩn, đo nhiệt độ, thực hiện đầy đủ 5K đối với người lao động từ cổng vào, ngăn nguồn lây... Các bàn ăn đều sử dụng vách ngăn và giới hạn số người từ 6 thành 4, mỗi người 1 buồng, trên bàn thì có poster tuyên truyền để người lao động khi ăn dù chỉ 5 phút cũng nhìn vào đó để thực hiện.

 

Việt Nam đã có kinh nghiệm hơn 1 năm chống dịch. Do đó, theo các chuyên gia, yếu tố cần thiết nhất hiện nay là là phải có sự bình tĩnh, chủ động. Các cấp chính quyền, cơ quan cũng cần chú trọng bảo vệ các doanh nghiệp và các cửa khẩu trọng điểm. Đứng về góc độ kinh tế, đây chính là những nền tảng để giúp Việt Nam duy trì, phát triển nền kinh tế và vượt qua được thách thức của dịch bệnh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần khoanh vùng đúng trọng điểm, tránh giãn cách tràn lan vì nếu không làm được điều đó, rất có thể những biện pháp phòng chống dịch sẽ tác động tới hoạt động sản xuất khiến Việt Nam sẽ không đạt được "mục tiêu kép". Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ cần nới lỏng để đến được với doanh nghiệp.

 

Về phía Bộ Công Thương, do tình hình dịch Covid-19 đang đang có chuyển biến nhanh và phức tạp, gây khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản từ các vùng có dịch sang các địa phương khác cũng như xuất khẩu qua các cửa khẩu, ảnh hưởng lớn đến nông dân và doanh nghiệp. Do đó, tại Đại hội Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã đề nghị Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics tích cực phối hợp với các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp sản xuất và thương mại để có các giải pháp cho việc thúc đẩy vận chuyển, lưu thông hàng hóa đảm bảo an toàn, thông suốt trong tình hình dịch bệnh.

 

Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân các địa phương có dịch tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, trước tiên là tại tỉnh Bắc Giang.

 

Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng được khuyến cáo phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội và giảm bớt khó khăn trong bối cảnh mới.

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang