Sinh ra và lớn lên trên quê hương Hoằng Hóa, Thanh Hóa, nơi có truyền thống nổi tiếng là đất khoa bảng, với nhiều bậc hiền tài, tuấn kiệt xuất chúng. Sau nhiều năm xa quê, ông đã có những thành công nhất định, không như những người khác, tìm nơi đất thánh an cư hưởng an nhàn lúc về già, ông đã quyết định quay về quê hương để đầu tư, mặc dù ở quê còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng với ông, tình yêu quê hương lúc nào cũng đau đáu và thôi thúc trong lòng, thông cảm, chia sẻ với những gì còn nghèo nàn, lạc hậu ở nơi mình đã sinh ra. Ông tự nhủ rằng mình phải làm một việc gì để giúp cho quê hương thoát nghèo. Ý tưởng đó đã trở thành hiện thực sau lần ông đi khảo sát vùng đất phía Bắc đại lộ Lê Lợi với diện tích 50ha thuộc xã Đông Hương, thành phố Thanh Hóa. Bằng những lập luận khoa học, biện chứng được gắn với những giá trị kinh tế thực tiễn, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị Bắc đại lộ Lê Lợi của ông đã nhanh chóng được chính quyền tỉnh và thành phố Thanh Hóa phê duyệt, chấp nhận cho đầu tư. Với những kiến thức, kinh nghiệm, năng lực và lòng nhiệt tình, tâm huyết cao nhất, sau 3 năm ông đã cùng với tập thể CBCNV – NLĐ trong công ty của mình, biến một vùng đất ngoại ô lạc hậu ngày nào trở thành một khu đô thị sầm uất, khang trang, mỹ lệ mọc lên san sát nhiều nhà cao tầng, khách sạn ba sao, biệt thự villa bề thế, đáp ứng đầy đủ những tiêu chí của một đô thị văn minh, văn hóa, hiện đại, đã góp phần thay đổi cơ bản diện mạo của thành phố Thanh Hóa. Khu đô thị Bắc đại lộ Lê Lợi ra đời, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định đầu tư đường vòng tránh thành phố Thanh Hóa, công ty của ông được tỉnh tín nhiệm giao cho cùng tham gia đầu tư tuyến đường giao thông này. Trên thực tế, tuyến đường vòng tránh thành phố hoàn thành đã mang đến cho thành phố và tỉnh Thanh Hóa rất nhiều lợi ích về KT – XH. Các phương tiện giao thông không phải đi vào thành phố, đảm bảo cho môi trường sạch đẹp, lại kết nối được toàn bộ các trục giao thông phía đông như đường Duyên Hải, cầu Nguyệt Viên, đường Sầm Sơn và ngã ba cầu Quán Nam đi vào các tỉnh miền Trung, đáp ứng nhu cầu phát triển của một đô thị trẻ đang căng tràn sức sống. Chính điều này đã tác động đến tư duy, tầm nhìn cho lãnh đạo tỉnh và thành phố chuyển đổi trục phát triển không gian đô thị từ phía Tây sang phía Đông, để khai thác nhiều tiềm năng và lợi thế ở phía Đông.
Khẳng định được vị thế của công ty, ông tiếp tục đầu tư nhiều hạng mục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tại khu kinh tế Nghi Sơn, đầu tư xây dựng một nhà máy nước, quy mô 7ha, đạt công suất 90 ngàn m3/ngày đêm. Tổng giá trị 100 tỷ và tại KCN Tây Bắc ga thành phố Thanh Hóa đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ống cống bê tông ly tâm. Trước đó, hệ thống hạ tầng thoát nước của một thị xã có nhiều hạn chế, khi phát triển lên thành phố, hệ thống ống thoát đã lạc hậu, không phù hợp, cứ mưa xuống là bị ngập do tắc cống, không thoát nước kịp. Nhà máy ống cống bê tông ly tâm ra đời, sản xuất các loại cống có đường kính phi lớn từ 300 đến 2000 đã giúp thành phố cải tạo hệ thống thoát nước, chấm dứt tình trạng bị ngập sau mưa của thành phố. Cùng với đó, ông Tuấn còn đầu tư và thi công hạ tầng cơ sở KCN Tây Bắc ga và đầu tư cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ cho khu kinh tế Nghi Sơn.
Ông Tuấn là người nói và làm, tư duy và hành động là một chỉnh thể thống nhất, cái gì ông đã quyết tâm làm, dù khó khăn đến mấy cũng không làm ông nản chí. Dự án nhà máy chip điện tử với tổng kinh phí gần 20 triệu USD là một điển hình về lòng kiên định và bản lĩnh vượt khó của ông. Khi bước vào đầu tư dự án này, ông đã gặp rất nhiều trở ngại, một lĩnh vực mà với ông hầu như mới tinh, chưa có một chút kinh nghiệm gì. Điều gì sẽ xảy ra nếu thất bại? Bên cạnh hàng loạt những băn khoăn, trăn trở đó là những tháng ngày âm thầm, lặng lẽ, nung nấu, mày mò, liên kết với các giáo sư đầu ngành về khoa học điện tử, thu thập tài liệu, nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực, cho sản xuất thử... Biết bao tốn kém về công sức, thời gian và tiền bạc đã không làm ông chùn bước, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa thuyết phục các nhà khoa học. Nể phục sự nhiệt tình, đam mê, lòng kiên trì và trí tuệ kết hợp với sự nỗ lực không mệt mỏi, ông đã thành công. Người Nhật đã đồng ý chuyển giao công nghệ đầu tư xây dựng nhà máy chip điện tử Thạch Anh tại KCN Tây Bắc ga, thành phố Thanh Hóa. Sau 3 năm nếm trải bao gian nan, vượt qua muôn vàn vất vả, ngày 11/11/2011, nhà máy đã đi vào hoạt động, hiện nay đã xuất khẩu đi các nước được 500-600 sản phẩm/tháng và tiêu dùng tại thị trường trong nước. Phấn đấu đến cuối năm 2014 và đầu 2015 sẽ xuất khẩu khoảng 1 triệu đến 1,2 triệu sản phẩm/tháng.
Là người rất coi trọng chữ tín, với bản lĩnh kiên cường và lòng quyết tâm cao, một khi ông đã tâm huyết điều gì,dù có gặp phải nhiều trở ngại đến bao nhiêu, cũng quyết tâm thực hiện cho bằng được. Trong phòng làm việc của ông có khắc ghi một khẩu hiệu: “Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách”. Nhìn vào đó, chúng tôi thầm hiểu hơn về tư tưởng, nghị lực và tính cách của ông. Quả đúng như vậy, mọi thất bại sẽ cho ta những kinh nghiệm quý để đi tới thành công. Ông Tào Quốc Tuấn đã từng thành công ở Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, nhưng với tình yêu quê hương, xứ sở, ông không dừng chân ở đó mặc dù rất có nhiều lợi thế. Ông đã nghĩ đến nơi chôn rau, cắt rốn của mình. Chỉ với quan niệm này đã thấy ở ông, tình yêu quê hương lớn hơn tất cả danh vọng, tiền tài, vật chất. Nhận xét về ông, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, trong một lần gặp gỡ đã nói: “Thanh Hóa được lấy mười người có tâm như anh Tuấn thì nhân dân sẽ giảm nghèo biết bao”. Vào trong Thanh Hóa mới biết không chỉ lãnh đạo tỉnh, thành phố Thanh Hóa nói về ông bằng tất cả sự trân trọng, mến mộ mà nhân dân, xem ông như người anh hùng của họ. Bởi ông là người luôn tiên phong đi trước, các công trình, nhà máy, dự án, khu đô thị, khu công nghiệp được ông đầu tư, đến nay đã mang lại những giá trị to lớn cho nhân dân và đang được phát huy hiệu quả rất rõ rệt. Mặc dù quá trình thực hiện công việc gặp vô vàn những khó khăn, trở ngại, thách thức, vẫn không làm ông nhụt chí, bỏ cuộc. Trong dịp này, thành phố Thanh Hóa long trọng kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận quyết định được công nhận là đô thị loại 1. Chúng tôi được biết nhận xét của lãnh đạo tỉnh, thành phố Thanh Hóa đã khẳng định rằng: “Công ty TNHH Bình Minh do ông Tào Quốc Tuấn làm Chủ tịch, Tổng giám đốc đã đầu tư cho quê hương Thanh Hóa nhiều lĩnh vực, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng KT-XH cho tỉnh, vừa là tác nhân quan trọng để thành phố Thanh Hóa hội tụ đủ các yếu tố văn minh, hiện đại, sạch, đẹp, thân thiện, nhân văn được lên đô thị loại 1 vào năm 2014. Được biết thông tin này, chúng tôi càng thêm khâm phục ông nhiều hơn. Ông là người sống vì nghĩa lớn, không vì lợi ích cá nhân mình, sẵn sàng hy sinh, chia sẻ cho cộng đồng. Những dự án đầu tư của ông đã đóng góp cho quê hương Thanh Hóa nhiều tỷ đồng, giải quyết cho hàng ngàn người dân có việc làm, vươn lên thoát nghèo. Do có nhiều cống hiến quan trọng cho nền kinh tế đất nước, ông đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành và tỉnh Thanh Hóa tặng nhiều phần thưởng cao quý. Nhưng cao quý nhất vẫn là tình cảm của nhân dân Thanh Hóa luôn luôn dành cho ông bằng sự kính trọng, yêu quý và thân mật. Ông thật xứng đáng là doanh nhân của tâm, tài, tín với tình yêu thiết tha, tất cả vì quê hương xứ Thanh, vùng đất địa linh, nhân kiệt đang bừng lên mỗi ngày.
Xuân Trường