Khi dịp Tết đến xuân về, mỗi đồng bào các dân tộc Việt Nam lại có những phong tục rất độc đáo để đón Tết cổ truyền, mừng năm mới. Và mỗi kiểu ăn Tết đều biểu hiện nét đặc trưng văn hoá riêng của từng dân tộc.
Chính những nét riêng độc đáo đó đã tạo nên những bản sắc văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú trong bức tranh toàn cảnh Tết của Việt Nam.
Độc đáo phong tục đón Tết của người Thái ở Sơn La
Không giống như một số dân tộc ít người khác, một năm thường có nhiều cái Tết, người Thái trên cao nguyên Mộc Châu chỉ ăn tết chung với Tết Nguyên đán của cả nước.
Tuy nhiên, tục đón năm mới của người Thái lại có nhiều điều thú vị, mang đậm bản sắc riêng. Cũng như các dân tộc khác trên mọi miền đất nước, mâm cơm trong ngày Tết của người Thái được chuẩn bị kỹ càng và chu đáo. Mâm cơm cúng trong ngày Tết của người Thái không thể thiếu các món ăn như cơm mới, cá đồ, cá chua, cơm đồ xôi trộn con cá, chuột khô, thịt hươu, nai khô, cơm cốm, măng khô... Riêng món thịt hươu, thịt nai thường có được nhờ săn bắn và chuẩn bị từ trước đó khoảng nửa tháng. Và theo phong tục xưa, đây là những món bắt buộc phải có trong mâm cỗ cúng Tết.
Người Thái thường gói bánh chưng vào 29 Tết. Bánh chưng được gói thành hai loại đen và trắng. Để làm bánh chưng đen, dân bản đốt rơm lên, lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi mới gói. Muốn bánh có màu đen đẹp bóng, ngay từ tháng 10 âm lịch, sau vụ gặt lúa mùa, người ta chọn nếp dẻo thơm nhất và rơm cọng to, có màu vàng ươm về cất sẵn.
Ngoài ra, trước khi gói bánh, người Thái thường thêm ít hạt vừng xay nhỏ trộn vào để tạo vị đậm đà cho bánh. Thường thì bánh chưng của dân tộc Thái ít dùng nhân bởi họ quan niệm, hương vị của tết ở trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của nếp mới, rơm vàng và lá dong. Theo họ, đó là tinh hoa của thành quả lao động để dâng lên tổ tiên (ma nhà).
Người Thái có tục đón giao thừa "Pông Chay". Thường cả nhà không ai ngủ, đèn luôn sáng, hương nhang không được tàn. Cả nhà ngồi quanh bếp lửa, làm các loại bánh trái như bánh ít, bán rán, đồ cá, moọc, nạp... thỉnh thoảng chủ nhà lại đánh ba tiếng chiêng báo hiệu giờ giao thừa sắp đến.
Đúng giờ giao thừa, các loại bánh trái, xôi đồ, cá khô, xôi cốm,... hai cơi trầu (mỗi cơi 8 miếng); một ấm trà xanh, rót 8 chén rượu, tất cả được xếp vào thúng. Người vợ mở hòm lấy các loại vải thổ cẩm, khăn váy, quần áo mới, vòng tay, bạc nén... Những thứ đồ đó được đem đặt tại bàn thờ ma nhà. Khăn mũ chỉnh tề, chủ nhà kính cẩn đọc bài cúng "chào đón tổ tiên xuống tề tựu"
Một phong tục của người Thái không thể thiếu được trong sáng ngày mùng 1 đầu năm, đó là tục đi lấy nước ở suối về. Người Thái quan niệm rằng, nước là điều may mắn, đem lại sự sống, sự tốt tươi. Cả làng đi lấy nước nếu nhặt được đồ trong khi đi lấy nước thì họ cho là may mắn và vui mừng mang về nhà.
Tết cổ truyền của người Mông ở Sapa
Tết người Mông không giống Tết Nguyên Đán, tuy ngày nay đã có những thay đổi nhưng vẫn không thể thiếu các phong tục mang đậm truyền thống người Mông. Người Mông không định ra một ngày cụ thể để đón Tết mà ăn theo mùa vụ.
Theo phong tục thì Tết cổ truyền người Mông thường diễn ra trước Tết Nguyên Đán 1 tháng, đây cũng là thời điểm thu hoạch mùa màng. Ngày Tết như là ngày để mọi người trong bản nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả, là dịp để con cháu thể hiện lòng tôn kính biết ơn với ông bà tổ tiên, và cầu mong cho một năm mới tốt đẹp.
Người Mông háo hức làm bánh dày đón Tết
Tết của đồng bào dân tộc người Mông luôn thể hiện được một nét bản sắc riêng với những lễ hội như lễ hội Gầu Tào, hay lễ Lử – xu đón năm mới, tục thờ cúng tổ tiên, thờ ma nhà…
Rượu ngô và bánh dày là hai đặc sản không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Mông. Để có rượu chúc nhau trong dịp Tết thiêng liêng này mà người Mông thường nấu trước cả tháng trời. Rượu ngô thường được đựng trong các chum và đậy bằng lá chuối khô để giữ được mùi thơm cũng như độ ngon của rượu.
Người Mông gói bánh dày cũng như việc bánh chưng luôn xuất hiện trong ngày Tết Nguyên Đán của người Kinh. Họ quan niệm rằng, bánh dày tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời chính là thứ thiêng liêng tạo ra sự sống vạn vật trên thế giới này, họ đặt bánh dày trong các mâm cúng tổ tiên và trời đất. Bánh dày được gói bằng lá chuối, bên trong có nếp nương. Để có được những mẻ bánh dày thơm ngon và dẻo, người Mông phải thay nhau giã bánh từ chiều tới tối, họ làm trong nhà rồi đi giúp nhau. Mọi thứ cứ rộn ràng, nhộn nhịp, đầm ấm, thân ái thể hiện đúng bản sắc của Tết cổ truyền.
Tối 30, mỗi gia đình sẽ làm một bữa cơm để cúng ma nhà và tổ tiên. Bàn thờ được đặt giữa nhà đối diện với cửa chính. Trên bàn có 2 bát hương, 1 bát đặt gần hướng mặt trời mọc cúng ma nhà, một bát đặt phía bên mặt trời lặn cúng tổ tiên. Mâm cơm cúng ma nhà gồm 2 bát cơm, 1 con gà luộc, 5 que hương, 2 chén rượu, tiền giấy và bánh giày.
Theo tục, khi nghe tiếng gà gáy đầu tiên vào mùng Một, các gia đình sẽ dậy và đi gánh nước mới được về nấu ăn. Ngày nay, người dân không còn phải đi gánh nước xa như trước kia vì đã có những bể nước tập trung mà tục vẫn được duy trì lại càng thêm ý nghĩa. Người Mông đến sông suối gần đấy, nhà nào xuống trước và gánh được nước về thì năm đó gia đình đấy sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt, phúc lộc đầy nhà hơn những gia đình nhà khác. Ngoài ra, còn tục lệ rằng lấy nước về đem cân lên nếu nước nhiều hơn năm cũ thì sẽ có nhiều lộc hơn.
Huyền bí Tết cổ truyền Katê của người Chăm
Cũng như các dân tộc anh em khác, người Chăm ăn Tết cũng rất linh đình, nhộn nhịp. Hai lễ lớn nhất trong năm là Păng-Katê và Păng-Chabư được xem như cái Tết của họ.
Păng-Katê cử hành vào ngày 1 tháng 7 theo lịch Chăm tức khoảng tháng 9 dương lịch và Păng-Chabư cử hành vào ngày 16 tháng 9 theo lịch Chăm tức vào khoảng tháng 2, tháng 3 dương lịch.
Vào những ngày lễ, đông đảo đồng bào Chăm từ các nơi dổ về tại ba nơi hành lễ: đó là đền Pô Nưgar, tháp Pô Rômê ở huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) và tháp Pô Klông Garai ở thị xã Phan Rang - Tháp Chàm.
Tết Păng Katê là ngày tế lễ các vua Chăm thuở xa xưa có công dựng nước và hướng dẫn việc nông tang, thuộc về dòng họ người cha, tượng trưng cho khí dương, cho nên phải cử hành vào buổi mai, còn Tết Păng Chabư là lễ cúng tế các lễ thần Pô Giang nữ, tức các hoàng hậu, công chúa Chăm, thuộc dòng họ mẹ, tượng trưng cho khí âm nên được cử hành vào buổi chiều tối.
Sáng mồng một Tết, các chức sắc Chăm cùng toàn thể bà con xa gần đều tề tựu về ba nơi hành lễ, quần áo thật mới mẻ, chỉnh tề. Các thầy Cả và các bà Bóng ngồi theo phẩm trật, thứ tự cao thấp trong căn nhà dựng trước cửa đền hay cửa tháp.
Lễ cúng gồm có hoa quả, bánh trái đủ loại, cúng cơm, rượu và thịt. Ba nghi lễ gồm các thầy Cả sư, phó Cả sư, thầy Bà xế, thầy Kè-ke vừa kéo đờn Kanhi (đờn mai rùa) vừa xướng văn tế lễ. Còn các bà Bóng thì lo dâng rượu và múa mừng.
Người Chăm gồm có 2 ngành: Ngành theo đạo Bà la môn và ngành theo đạo Hồi. Ngành theo đạo Bà la môn rất kiêng cữ thịt bò, còn ngành theo đạo Hồi thì kiêng ăn thịt lợn.
Ngày tết, người Chăm theo đạo Hồi thường đến nhà thờ đạo Hồi vào ngày đầu năm để nghe chức sắc, đọc kinh Coran, cầu nguyện đấng Alah, sau đó các tín hữu ra sông, ra suối tắm tẩy uế những cái xui, cái xấu của năm cũ và rước cái mới, cái tốt lành của năm mới.
Ngày mồng 2 Tết là ngày dành riêng cho các chức sắc ăn tết tại nhà. Qua ngày thứ ba trở đi, cho đến ngày thứ 7 hay thứ 9 thì đến lượt mọi người tổ chức ăn tết, lần lượt từ nhà này sang nhà khác. Tuy nhiên, mỗi gia đình chỉ lựa chọn cho mình một ngày duy nhất trong khoảng thời gian qui định mà thôi.
Họ giết lợn, giết gà vịt, bày đủ loại hoa quả, bánh trái. Trong dịp Tết, người Chăm không có tục kiêng cữ cho nên bạn bè, hàng xóm trong dịp ở xa có thể đến chung vui một cách thoải mái. Trong thời gian ăn Tết, người Chăm còn tổ chức các trò vui chơi như múa quạt, tổ chức đánh cồng chiêng, ca hát uống rượu, bắn cung.
Ngoài hai lễ lớn trên, người Chăm còn có các lễ khác trong năm như: Lễ cúng thần nông vào tháng 4 theo lịch Chăm, cử hành vào các đền, tháp; lễ cầu đảo (Chakap Hiâu Kron) cử hành tại các đập nước hay ở các bờ sông, bờ suối; lễ cúng ruộng (Pô Phùm) để cầu cho ruộng lúa tốt tươi và lễ Tống ôn (Rija Nưgar) tổ chức vào mồng một tháng giêng theo lịch Chăm, để cầu cho làng xóm, gia đình được thịnh vượng, an khang.
Nguồn Enternews