Ngày 14/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chủ trì hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp năm 2015-2016 và giải pháp đến năm 2020.
Gần 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương có công ty nông, lâm nghiệp và hơn 200 công ty nông, lâm nghiệp của cả nước tham dự.
Chính sách đã đi vào cuộc sống
Công tác đổi mới, sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, được Bộ Chính trị quán triệt tại Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, cuối năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2014/NĐ-CP để triển khai các giải pháp đổi mới, sắp xếp các công ty nông lâm nghiệp (công ty).
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, tính đến cuối tháng 6/2015,Thủ tướng đã phê duyệt 37 phương án; phê duyệt mô hình sắp xếp, đổi mới 243 công ty/254 công ty.
Tổng diện tích đất các công ty đang quản lý, sử dụng trước khi sắp xếp lại là trên 2,38 triệu ha, bao gồm tự tổ chức sản xuất 1,6 triệu ha; khoán 545.300 ha; liên doanh liên kết 52.500 ha; tranh chấp, lấn chiếm 149.100 ha. Dự kiến sắp xếp lại đất đai các công ty giữ lại quản lý, sử dụng gần 1,94 triệu ha; giao về địa phương 452.000 ha.
Về hoạt động của các công ty, ông Tuấn cho biết đến cuối năm 2015, giá trị tài sản theo sổ sách của các công ty là 40.517 tỷ đồng. Bình quân lợi nhuận trước thuế 3 năm 2012-2014 là 2.797 tỷ đồng. Khối các công ty nông nghiệp chiếm tỉ trọng tài sản và lợi nhuận cao hơn khối các công ty lâm nghiệp.
Tổng số lỗ luỹ kế của các công ty nông lâm nghiệp là 1.071 tỷ đồng, chiếm 4% vốn chủ sở hữu, số lỗ lũy kế tập trung phần lớn tại các công ty nông nghiệp. Những công ty có số lỗ luỹ kế vượt quá 3/4 vốn chủ sở hữu đều thực hiện giải thể...
Đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP về đổi mới, sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện. Các địa phương đã quan tâm, triển khai tích cực việc thực hiện kế hoạch, phương án sắp xếp các công ty.
Tuy nhiên, việc thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị định 118 còn chậm, có tỉnh chưa có phương án trình Thủ tướng phê duyệt. Phó Thủ tướng cho rằng các địa phương, công ty mới tập trung thực hiện các công việc khá thuận lợi như đổi mới, sắp xếp công ty 100% vốn nhà nước hoặc là công ty nông, lâm trường chuyển thành công ty TNHH một thành viên. Việc rà soát, đo đạc đất đai và giải quyết tồn đọng về đất đai còn chậm, không đạt được mục tiêu đề ra là hoàn thành trong năm 2015.
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước có 283 công ty, chi nhánh công ty trên địa bàn 41 tỉnh cần phải lập phương án sử dụng đất; lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính; xác định giá thuê đất; giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Nghị định 118. Nhu cầu kinh phí thực hiện theo số liệu đã báo cáo trước đây là 1.016 tỷ đồng, tuy nhiên, con số này hiện nay là khoảng 1.203 tỷ đồng nhưng mới bố trí được 450 tỷ đồng. Còn lãnh đạo một số địa phương cho biết không có nguồn thu khác để bù đắp cho 30% kinh phí, nhất là khó khăn trong rà soát để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên 422.000 ha đất nông, lâm trường.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết đối với phần kinh phí còn lại (khoảng 197 tỷ đồng), Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các địa phương tạm ứng kinh phí để chi trả và ngân sách Trung ương sẽ bù lại nhưng phải bảo đảm chất lượng đo đạc để phục vụ ngay cho công tác sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị
Ngoài ra, nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, lao động và tài sản trên đất, nhất là đối với diện tích khoán đất, khoán rừng và vườn cây ổn định, cổ phần hóa công ty nông, lâm nghiệp thấp do các công ty này thua lỗ kéo dài... cũng được các đại biểu đề cập.
Phải trở thành trung tâm liên kết sản xuất
Phát biểu kết luận hội nghị, nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm, chủ trương, mục tiêu sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông lâm nghiệp theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Nghị định 118 của Chính phủ. Theo đó, việc sắp xếp, đổi mới, phát triển công ty phải gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, phù hợp với chủ trương định hướng tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nền kinh tế để góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.
Phó Thủ tướng nêu rõ đất và tài nguyên rừng phải được giao cho người quản lý, tránh trường hợp sở hữu toàn dân nhưng không có người quản lý và không có người sử dụng; tiếp tục duy trì vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa tập trung, thâm canh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, phù hợp với quy hoạch sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn.
Các địa phương giải quyết cơ bản các tồn tại vướng mắc về đất đai, nhất là đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc, bảo đảm ổn định xã hội, thực hiện tốt việc đổi mới quản lý sử dụng đất, bảo vệ phát triển rừng theo quy định của pháp luật. Theo đó, cần khắc phục tình trạng người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất trong khi công ty nông, lâm nghiệp quản lý đất đai nhưng không hiệu quả, thậm chí rừng tiếp tục bị xâm hại, tàn phá, độ che phủ rừng ngày càng giảm đi.
Cần tạo được chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp; sản xuất nông, lâm nghiệp phải gắn với công nghiệp chế biến và thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa, chuyển các công ty TNHH một thành viên nông, lâm nghiệp sang công ty cổ phần theo quy định của pháp luật và Nhà nước có chính sách phù hợp để các công ty có thể hoạt động công ích, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
“Cái đích của công việc này là nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả kinh doanh chứ không phải sắp xếp để mà sắp xếp, đổi mới để mà đổi mới”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh các công ty nông, lâm nghiệp phải trở thành trung tâm liên kết sản xuất nông, lâm nghiệp, trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ và văn hóa đối với nhân dân trong vùng, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý cho đổi mới, sắp xếp hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp với những thời gian cụ thể.
Với các địa phương, cần nghiêm túc thực hiện phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp đã được phê duyệt cơ bản hoàn thành trong năm 2017; khẩn trương thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian chậm nhất trong tháng 8/2016; hoàn thành việc rà soát đất đai, đo đạc, cắm mốc, xây dựng phương án sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các công ty nông, lâm nghiệp trong năm 2016.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ