Thứ Bẩy, 23/11/2024 03:00:30 GMT+7
Lượt xem: 3261

Tin đăng lúc 20-12-2015

Đối ngoại song phương năm 2015: Những tầng nấc mới

Năm 2015 diễn ra nhiều chuyến công tác mang tính lịch sử của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các nước, góp phần thúc đẩy và nâng cao hơn nữa quan hệ song phương với nhiều đối tác, tiếp tục thể hiện rõ nét đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế cũng như vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đối ngoại song phương năm 2015: Những tầng nấc mới
Lễ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Việt Nam, Trung Quốc đạt được nhận thức chung quan trọng

 

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 4/2015 nhằm tiếp tục củng cố, tăng cường tin cậy, duy trì cục diện hòa bình, hữu nghị, ổn định, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trên các lĩnh vực, tạo đà phát triển lành mạnh cho quan hệ Việt-Trung, đồng thời tạo thuận lợi cho việc tiếp tục giải quyết những tồn tại, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình cho phát triển, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Tại cuộc hội đàm ngày 7/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí sẽ cùng chỉ đạo việc quán triệt và thực hiện đối với tất cả các ngành, các cấp, đến tận cán bộ, đảng viên để thống nhất trong nhận thức và thể hiện nhất quán trong hành động cụ thể với tinh thần “nói đi đôi với làm” nhằm góp phần củng cố, tăng cường tin cậy chính trị, hữu nghị giữa hai nước, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững và ngày càng đi vào chiều sâu, phù hợp với lợi ích căn bản của hai Đảng, hai nước và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước.

 

Về vấn đề trên biển, hai bên nhấn mạnh tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”; cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ, có hiệu quả "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC) và sớm đạt được "Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông" (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

 

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Obama. Ảnh: TTXVN

 

Hai bên nhấn mạnh xây dựng COC là một phần quan trọng để giải quyết vấn đề trên biển.

 

Định hướng tầm nhìn quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ

 

Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ ngày 6-10/7) thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí, dư luận trong nước, quốc tế bởi đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ, chuyến thăm diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1995-2015).

 

Tổng Bí thư đã có 23 hoạt động quan trọng, thực chất, trong đó có cuộc hội đàm lịch sử với Tổng thống Obama; phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS); gặp gỡ các tầng lớp xã hội Hoa Kỳ, các nghị sĩ Hoa Kỳ; thăm gia đình cựu Tổng thống Bill Clinton; gặp gỡ bạn bè cánh tả có cảm tình với Việt Nam…

 

Hai bên đã ra Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ. Đây là khuôn khổ quan trọng, định hướng tầm nhìn quan hệ hai nước theo hướng tích cực, lành mạnh, ổn định; ký kết 14 văn kiện, thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực, trong đó có những văn bản quan trọng liên quan đến hàng không, thuế, ngân hàng, dầu khí, thể hiện thông điệp mạnh mẽ về tương lai quan hệ thương mại giữa hai nước.

 

Trao đổi về một số vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama nhất trí rằng duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của cộng đồng khu vực và quốc tế; ủng hộ nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hình thành Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, không đơn phương làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.

 

Kết nối kinh tế Việt-Nhật theo hướng lâu dài

 

Trong cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 15/9 tại Tokyo, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tăng cường tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, giao lưu và hợp tác giữa Quốc hội và các chính đảng hai nước; mở rộng và làm sâu sắc hơn các cơ chế hợp tác đối thoại hiện có.

 

Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế theo hướng lâu dài, bền vững trên một số lĩnh vực mà hai bên có lợi thế so sánh, tiềm năng và nguồn lực có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển bền vững, trong đó chú trọng kết nối chiến lược phát triển kinh tế, kết nối năng lực sản xuất và kết nối nguồn nhân lực.

 

Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế bền vững, bao gồm ưu tiên cung cấp ODA cho Việt Nam; tuyên bố trước mắt sẽ dành nguồn vốn ODA khoảng 100 tỉ yên cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam và cảng; bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có dự án sân bay Long Thành; phát triển năng lượng, trong đó có Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, phát triển các khu công nghiệp chuyên sâu tại Hải Phòng và Bà Rịa-Vũng Tàu.

 

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết phải nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm tiến tới thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

 

Sau cuộc hội đàm, hai bên chứng kiến lễ ký kết, trao đổi 6 văn bản hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, gìn giữ hòa bình, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, hàng không, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng bệnh viện và an toàn hàng hải.

 

Kim ngạch Việt-Đức hướng mốc 20 tỉ USD

 

Trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Đức Joachim Gauck ngày 25/11 nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Liên bang Đức của Chủ tịch nước, hai bên nhất trí phấn đấu mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15-20 tỉ USD vào năm 2020 và đầu tư của Đức tại Việt Nam đạt 5 tỉ USD.

 

Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước hoạt động và kinh doanh thuận lợi tại thị trường của nhau nhằm khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước.

 

Tổng thống Joachim Gauck cho rằng tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, và các bên cần tìm kiếm mọi biện pháp giải quyết, trong đó có kênh đa phương nhằm duy trì tự do hàng hải, hàng không và bảo đảm an toàn, an ninh khu vực.

 

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Philippines Benigno Aquino chứng kiến Bộ trưởng Ngoại giao hai nước ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Ảnh: VOV

 

Nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Philippines

 

Trong khuôn khổ chuyến tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2015 tại Manila, Philippines, chiều 17/11, tại Phủ Tổng thống Philippines, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm với Tổng thống Philippines Benigno Aquino.

 

Sau hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Philippines đã chứng kiến Bộ trưởng Ngoại giao hai nước ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Sự kiện này mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước; tạo thêm những xung lực mới nhằm tăng cường lòng tin, thúc đẩy quan hệ song phương và góp phần mang lại hòa bình, thịnh vượng và ổn định cho khu vực.

 

Theo ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Ngoại giao) việc nâng cấp quan hệ với Philippines nằm trong chiến lược đối ngoại của Việt Nam cả song phương và đa phương, là nền tảng quan trọng để Việt Nam phát huy vai trò chủ động, tích cực hơn trong ASEAN, nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định và nhằm thực hiện tốt chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian tới.

 

Tạo thêm động lực phát triển quan hệ Việt-Nga

 

Trong khuôn khổ dự lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại tại Liên bang Nga, chiều 9/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

 

Về quan hệ chính trị, lãnh đạo hai nước đánh giá cao cơ chế trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao giữa Việt Nam và Nga, góp phần không ngừng tăng cường quan hệ tin cậy giữa hai nước. Hai bên nhất trí tiếp tục trao đổi các đoàn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo thêm động lực thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước.

 

Sau chuyến thăm này, hai bên ký Hiệp định về khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu vào cuối tháng 5, tạo bước đột phá nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa kim ngạch song phương lên mức 10 tỉ USD vào năm 2020.

 

Về quan hệ quốc phòng-an ninh, lãnh đạo hai nước nhất trí hai bên cần tăng cường phối hợp đưa hợp tác trong lĩnh vực này đi vào chiều sâu, hiệu quả, trước hết tích cực triển khai những lĩnh vực hợp tác truyền thống như đào tạo quân nhân, chuyên gia kỹ thuật.

 

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Najib Rajak đã ký Tuyên bố về khuôn khổ đối tác chiến lược Việt Nam - Malaysia. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Việt Nam, Malaysia thiết lập quan hệ đối tác chiến lược

 

Trong chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 7/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Najib Rajak đã ký Tuyên bố về khuôn khổ  đối tác chiến lược Việt Nam-Malaysia và chứng kiến ký kết 3 văn bản hợp tác gồm: Cấp phép về nguyên tắc cho ngân hàng CIMB, hợp tác trong lĩnh vực lao động và thỏa thuận hợp tác giữa PetroVietnam và Petronas.

 

Lãnh đạo hai nước khẳng định việc nâng cấp quan hệ Malaysia-Việt Nam lên tầm đối tác chiến lược sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương, tạo xung lực mới để đưa các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước ngày càng hiệu quả, đóng góp tích cực cho Cộng đồng ASEAN, gìn giữ hòa bình, ổn định, tăng cường hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

 

Tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với Australia, New Zealand
 

Trung tuần tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm chính thức Australia (từ ngày 17-18/3) và thăm chính thức New Zealand (từ ngày 19-20/3) theo lời mời của Thủ tướng Australia Tony Abbott và Thủ tướng New Zealand John Key.

 

Với Australia, hai bên đã ra Tuyên bố chung; ký Tuyên bố về tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Australia và 4 văn bản hợp tác quan trọng khác, bao gồm Thỏa thuận chương trình lao động kỳ nghỉ; Thỏa thuận về triển khai chương trình hợp tác châu Á-Australia về phòng chống buôn bán người; Bản ghi nhớ hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; Bản ghi nhớ về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam.

 

Với New Zealand, hai bên cũng ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và New Zealand, đồng thời ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận chuyển hàng không và Thỏa thuận về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật.

 

Củng cố quan hệ với nhiều nước thành viên ASEAN

 

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến công tác tới một số nước thành viên ASEAN, gồm Myanmar (tháng 6), Thái Lan (tháng 7) và Lào (tháng 9).  
 

* Nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 7 (Hội nghị CLMV 7) và Hội nghị Cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 6 (Hội nghị ACMECS 6), chiều 22/6, tại thủ đô Nay Pyi Taw, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Tổng thống Myanmar Thein Sein. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong 12 lĩnh vực ưu tiên theo tinh thần Tuyên bố chung về hợp tác Myanmar-Việt Nam ký tháng 4/2010. 
 

* Trong chuyến thăm chính thức Thái Lan, ngày 23/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm hẹp với Thủ tướng Prayut Chan-ocha, nhất trí đẩy mạnh thực hiện tốt Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2014-2018; tiếp tục triển khai thực hiện những thỏa thuận đạt được về hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh. 
 

* Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại CHDCND Lào, sáng 14/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Lào Thongsing Thammavong, trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực. Hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến 2030.

 

Cũng trong năm 2015, Thủ tướng đã có các chuyến thăm chính thức Bulgaria, Bồ  Đào Nha, Algeria, Kyrgyzstan.

 

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry. Ảnh: TTXVN

 

Đưa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ đi vào chiều sâu

 

Tiếp nối thành công từ chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 7/2015, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tới Hoa Kỳ từ ngày 3-9/9 nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ và hội nhập quốc tế của Việt Nam, tiếp tục đưa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ đi vào chiều sâu thiết thực và hiệu quả.

 

Tại thủ đô Washington, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lần lượt có các cuộc tiếp xúc với giới chức cấp cao của Nhà Trắng và nghị viện Hoa Kỳ như: Chủ tịch Thường trực danh dự Thượng viện Patrick Leahy; Chủ tịch Ủy ban Quân vụ, Thượng nghị sĩ John McCain, Ngoại trưởng John Kerry, Đại diện Thương mại Michael Froman.

 

Các quan chức cả Quốc hội và Chính phủ Hòa Kỳ đều đánh giá cao công cuộc đổi mới ở Việt Nam; tin tưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phát triển và tươi sáng, đồng thời nhất trí sẽ đẩy mạnh đàm phán sớm ký kết Hiệp định TPP, mở rộng hơn nữa "cánh cửa" hợp tác giữa Quốc hội, Chính phủ và nhân dân hai nước.

 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang