Với hơn 1,4 tỷ dân, Trung Quốc là thị trường vô cùng quan trọng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Từ lâu, Trung Quốc cũng là đối tác xuất khẩu nông sản lớn của nước ta, nhưng hình thức xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch cho nên giá trị kinh tế còn thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sự chuyển mình đúng hướng sang xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam không chỉ mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc mà còn từng bước khẳng định vững chắc giá trị nông sản Việt.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2022, vượt qua các khó khăn do Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này vẫn đạt khoảng 10 tỷ USD.
Gia tăng lợi thế
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), thực hiện cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Trung Quốc (ACFTA), đến nay Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có nông sản, mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn này. Trong thời gian qua, nhu cầu, sức mua của người dân Trung Quốc đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm cũng không ngừng tăng cao cho nên Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Trong giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc của ngành hàng này đạt khoảng 8,9%/năm.
Từ nửa cuối năm 2022, Việt Nam và Trung Quốc đã lần lượt ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, chuối, khoai lang, tổ yến sang thị trường Trung Quốc. Điều này mở ra cơ hội mới cho các mặt hàng thâm nhập sâu vào thị trường rộng lớn này. Trước hết là vì hàng xuất khẩu chính ngạch có thể vào Trung Quốc qua tất cả cảng biển, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên biên giới đất liền mà không phải ùn ứ chờ đợi ở một vài cửa khẩu phụ, lối mở dành cho trao đổi cư dân như xuất khẩu tiểu ngạch.
Ngoài ra, với việc xuất khẩu chính ngạch, giao kết hợp đồng thường được thực hiện theo thông lệ quốc tế với các quy định rõ ràng về mặt hàng, đơn giá, quy cách, chất lượng hàng hóa, đóng gói, phương thức vận tải, phương thức giao hàng, phương thức thanh toán, giải quyết tranh chấp; hàng hóa có nguồn gốc, chứng từ rõ ràng, được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và bảo đảm truy xuất nguồn gốc cho nên thông quan nhanh.
Trong trường hợp có biến động thị trường hoặc chịu tác động bởi các sự kiện không lường trước được trong quá trình giao hàng, các bên sẽ cùng thỏa thuận theo điều khoản hợp đồng, do đó hạn chế các trường hợp bị ép giá. Khi xuất khẩu chính ngạch, việc giao hàng được thực hiện theo tập quán quốc tế giúp phân chia rõ trách nhiệm, rủi ro cho bên mua và bên bán; việc chậm trễ hoặc ách tắc giao hàng cũng được giảm tới mức thấp nhất.
Với những lợi thế đó, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lê Thanh Hòa cho rằng, các thương nhân cần chủ động chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch. Thực tế, trong những thời điểm khó khăn nhất, cụ thể như trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát nặng nề, xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông ổn định, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch gặp rất nhiều rủi ro, ùn tắc. Mặt khác, xuất khẩu chính ngạch ổn định cũng chính là động lực thúc đẩy sản xuất các sản phẩm có chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Các thương nhân cần chủ động chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch. Thực tế, trong những thời điểm khó khăn nhất, cụ thể như trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát nặng nề, xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông ổn định, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch gặp rất nhiều rủi ro, ùn tắc.
Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lê Thanh Hòa
Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 1/1/2022, Lệnh 248 về “Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” do Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành đã chính thức có hiệu lực. Những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bắt buộc tuân thủ những yêu cầu, quy định mới.
Đây là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chuẩn hóa điều kiện xuất khẩu nhằm thâm nhập thuận lợi vào thị trường này. Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (SPS) cho biết: Sau gần một năm Lệnh 248 có hiệu lực, tính đến đầu tháng 12/2022, có 2.426 mã sản phẩm được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc.
Trong đó, 1.236 mã sản phẩm thuộc nhóm 18 mặt hàng đăng ký qua cơ quan thẩm quyền (chiếm 50,9%) và phần còn lại 1.190 mã sản phẩm không thuộc danh mục phải đăng ký qua cơ quan thẩm quyền. Trong số hai nhóm này, các sản phẩm thủy sản được hải quan Trung Quốc thông qua nhiều nhất, tiếp đến là sản phẩm hạt (hạt điều, cà-phê...), và các sản phẩm dầu thực vật, bánh bột.
Nhiều ngành hàng hứa hẹn tăng trưởng cao
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc vào tháng 7/2022, đến tháng 9/2022, lô hàng sầu riêng đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Tính riêng tháng 10/2022, sầu riêng đã trở thành mặt hàng rau quả có giá trị xuất khẩu cao nhất vào Trung Quốc, đạt 49,9 triệu USD (chiếm 32,9% tổng giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường này) và cao gấp 42,2 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Do đó, dự báo năm 2023, sầu riêng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mạnh mẽ. Ngoài sầu riêng thì nhiều mặt hàng rau quả khác cũng đang có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Trung Quốc trong năm 2023. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Đinh Gia Nghĩa cho biết: Việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, mở cửa biên giới sẽ đẩy nhu cầu tiêu thụ rau, củ, quả tăng lên rất cao, các doanh nghiệp đang sẵn sàng đón đầu làn sóng tiêu thụ này.
Tuy nhiên thời gian tới, Trung Quốc sẽ áp dụng kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm cho nên ngoài giá cả hợp lý thì chất lượng các mặt hàng cần được nâng cao, đáp ứng đúng tiêu chuẩn. Riêng đối với sầu riêng, mặt hàng cấp đông sang Trung Quốc đang rất rộng mở và hứa hẹn giá trị xuất khẩu rất cao. Vào những lúc cao điểm, giá sầu riêng cấp đông sang thị trường Trung Quốc có thể đạt 13.000-15.000 USD/tấn.
Đối với ngành hàng thủy sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 12/2022, trong khi xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường và khối thị trường đều sụt giảm thì xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Công (Trung Quốc) vẫn tăng 17%. Cả năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Hồng Công (Trung Quốc) đạt hơn 1,8 tỷ USD, tăng 59% so với năm 2021. Đây là “bàn đạp” cho sự “bùng nổ” kim ngạch được dự báo sẽ diễn ra vào năm 2023, nhất là với các mặt hàng chủ lực tôm và cá tra.
Thống kê của hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh của Trung Quốc đã vượt 5 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2022, tăng 59% so cùng kỳ năm 2021. Đây là dư địa thị trường lớn cho tôm Việt Nam bứt phá. Với mặt hàng cá tra, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP Lê Hằng cho biết: Năm 2023, Trung Quốc là thị trường được kỳ vọng lớn sau khi nước này bỏ các quy định kiểm soát, xét nghiệm Covid-19 đối với hàng nhập khẩu. Dự báo các khách sạn, nhà hàng, dịch vụ sẽ bùng phát nhu cầu tiêu thụ thủy sản, bắt đầu từ Tết Nguyên đán 2023.
Năm 2022, Việt Nam có hơn 160 doanh nghiệp có mặt hàng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh số đạt hơn 700 triệu USD, chiếm 29% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Có thể thấy, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn cho thủy sản Việt Nam tăng tốc xuất khẩu trong năm 2023, nhất là trong bối cảnh lạm phát đang diễn ra tại nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản của các thị trường này có xu hướng giảm mạnh.
Bên cạnh đó, mặt hàng gạo, cà-phê cũng đang có sự gia tăng tiêu thụ từ Trung Quốc. Theo thống kê từ Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam, xuất khẩu cà-phê sang Trung Quốc liên tục gia tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2020 đạt hơn 95,6 triệu USD; năm 2021 đạt hơn 128,4 triệu USD. Tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc đứng thứ 8 trong 10 nhà nhập khẩu cà-phê lớn của Việt Nam. Đối với mặt hàng gạo, Trung Quốc hiện giữ vị trí thứ hai về tiêu thụ gạo của Việt Nam, với kim ngạch trung bình những năm gần đây đạt khoảng 500 triệu USD.
Theo Nhandan