Đi đầu đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP
Đông Anh là huyện đầu tiên của Hà Nội tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Với bước đi, cách làm bài bản, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và nhân dân trong huyện, Đông Anh đã được Thành phố đánh giá cao trong công tác tổ chức. Đến nay, sau gần 4 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện Đông Anh đã có 172 sản phẩm của 42 chủ thể được đánh giá, phân hạng và nâng cấp sản phẩm OCOP, tập trung vào 3 nhóm ngành hàng thực phẩm, đồ uống và thủ công mỹ nghệ, bao gồm: 01 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao; 59 sản phẩm được công nhận 4 sao; 113 sản phẩm được công nhận 3 sao. Trong đó có 122 sản phẩm thuộc nhóm rau củ quả thực phẩm, bao gồm 70 sản phẩm rau củ quả và thực phẩm tươi sống; 52 sản phẩm chế biến; 03 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm đồ uống; 47 sản phẩm thuộc nhóm đồ thủ công mỹ nghệ.
Người dân quan tâm đến các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống tại “Ngày hội sản phẩm OCOP và sản phẩm truyền thống huyện Đông Anh”
Trao đổi về công tác triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Tuấn Hà, Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết: Chương trình OCOP góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Huyện Đông Anh xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ngay từ trong cấp ủy, chính quyền huyện cho đến cơ sở. Khi triển khai Chương trình OCOP đã tác động rất lớn đến tư duy phát triển kinh tế của các chủ thể, từ việc sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất mang tính thủ công,.., đến nay, các chủ thể đã quan tâm sâu hơn đến các sản phẩm của mình, chăm chút hơn và gắn với sản phẩm bằng những câu chuyện, bằng văn hóa các vùng miền để lan tỏa.
Ống hút hoa quả - sản phẩm OCOP chất lượng cao
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối NTM thành phố Hà Nội đánh giá cao về công tác triển khai Chương trình OCOP huyện Đông Anh: Có thể nói Đông Anh là một địa phương triển khai Chương trình OCOP bài bản nhất thành phố Hà Nội. Ngay từ năm 2019, chúng tôi xác định Đông Anh là đơn vị đầu tiên làm để rút kinh nghiệm triển khai trên các địa bàn quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt, giai đoạn 2020 – 2025, Đông Anh đã xây dựng được đề án về chương trình phát triển OCOP gắn với những nội dung chính hoạt động của kỳ đại hội của huyện. Có thể nói, Đông Anh là một điển hình, là cơ sở để đánh giá lại các quận, huyện, thị xã để triển khai trong gia đoạn tới.
Hỗ trợ thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm
Tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm là nhiệm vụ quan trong hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở có sản phẩm OCOP, hoạt động bán hàng giữ vai trò quan trọng sống còn. Điều kiện thuận lợi của các chủ thể OCOP huyện Đông Anh là được chính quyền quan tâm hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ cải tiến, mẫu mã, bao bì, thông tin điện tử, quản lý chất lượng, nâng tầm sản phẩm... Sản phẩm chứng nhận OCOP được nhiều người biết tới và yên tâm tin dùng.
Các đại biểu tham gia hội nghị
Nhằm hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, mới đây, huyện Đông Anh đã tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP nhằm khơi nguồn nội lực, hội nhập và phát triển với sự tham gia của lãnh đạo UBND huyện, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp thu mua nông sản, sàn thương mại điện tử và các chủ thể OCOP, các doanh nghiệp sản xuất nông sản trên địa bàn huyện…
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Hà, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh chia sẻ: Năm 2022 đánh dấu cột mốc quan trọng với chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh. Đây là năm bản lề cho việc nâng tầm huyện Đông Anh thành quận Đông Anh; với những nỗ lực chuyển mình từ cơ sở hạ tầng đến vận hành bộ máy quản lý sản xuất, để xứng tầm với một giai đoạn phát triển kinh tế mới của địa phương, hòa vào dòng chảy chung của đất nước. Trong tiến trình hội nhập kinh tế, chính quyền và nhà sản xuất trên địa bàn huyện Đông Anh cầu thị nhận được sự quan tâm của các nhà quản lý, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các đơn vị tư vấn, các chuỗi cung ứng, nhà đầu tư cùng Đông Anh đồng hành và phát triển.
Các đại biểu tham dự hội nghị cởi mở, nhiệt tình chia sẻ, trao đổi về góc nhìn, hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, hoạt động tìm kiếm đầu ra, hình thức kết nối, hợp tác,…
Đại diện HTX NN Thụy Lâm
Trao đổi với đại diện HTX Kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thụy Lâm bên thềm Hội nghị, được biết, HTX có hai sản phẩm: Bánh chưng và gạo nếp cái hoa vàng được cấp chứng OCOP 3 sao. Sản phẩm có hương vị, độ ngon và chất lượng đảm bảo an toàn, nhất là sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng, do giống, thổ nhưỡng, cách chăm sóc mà gạo nếp cái hoa vàng Thụy Lâm có hương vị đặc trưng riêng. Những năm qua, bên cạnh sự quan tâm của các cấp chính quyền, HTX luôn chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng do chất lượng sản phẩm tốt nên được các đại lý tin tưởng và nhất là người tiêu dùng công nhận.
Có thể nói, Hội nghị này thể hiện trách nhiệm của chính quyền với người dân, đồng thời mở ra cơ hội kết nối, thúc đẩy hợp tác liên kết đầu tư giữa các chủ thể OCOP, các doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp thu mua, sàn thương mại điện tử, tạo đà phát triển cho những năm kế tiếp, góp phần triển khai thành công các chương trình mục tiêu kinh tế phát triển của huyện Đông Anh, chương trình OCOP trên địa bàn huyện, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình 04 của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.
MNK