Nhưng có một thực tế, mặc dù là vựa nông sản, giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới về sản lượng, nhưng Tây Nam Bộ là một trong những miền kém phát triển nhất cả nước, đời sống nhân dân còn khó khăn, mức độ hưởng thụ các tiến bộ xã hội còn hạn chế, cụm từ “sống chung với lũ” đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Nguyên nhân có nhiều nhưng chục năm trở lại đây ĐBSCL bắt đầu xuất hiện nhiều vấn đề về thiên tai lẫn nhân tai, trong đó lưu lượng nước bị chặn bởi các đập thủy điện ở dọc đường đi của sông Mekong là nguyên nhân hàng đầu làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, đẩy nhanh hiện tượng xâm nhập mặn, hàm lượng phù sa mất đi nhanh chóng.
Cùng với biến đổi khí hậu là tình trạng ly hương, bỏ xứ đổ dồn về các trung tâm kinh tế lớn mưu sinh. Và hệ quả là TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai…phần nào phải gánh chịu áp lực dân số, môi trường, việc làm, tệ nạn xã hội. Vậy mới thấy vấn đề của ĐBSCL không chỉ là chuyện của riêng ai.
Đứng trước yêu cầu cấp bách đó, ngày 27/9 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL sau khi đi trực thăng thị sát toàn vùng.
Cái khó là ở chỗ từ một vùng đồng bằng châu thổ màu mỡ có xu hướng trở thành vùng ngập mặn, nhiễm phèn, tức là thế mạnh về cây lúa trong tương lai sẽ không còn. Và nếu không có cây lúa sẽ phá vỡ kết cấu dân số vùng do dư thừa lao động.
Cho nên chuyển đổi kinh tế như thế nào là vấn đề then chốt cứu ĐBSCL khỏi khủng khoảng. Việt Nam là một quốc gia biển, có tỉ lệ lãnh thổ tiếp giáp biển thuộc vào loại cao nhất thế giới, cho nên kinh nghiệm chung sống với đất ngập mặn chắc chắn không tồi.
Thực tế cho thấy không dễ làm giàu bằng cây lúa nước, họa may chỉ đủ ăn, điều này cho thấy vì sao những cường quốc nông nghiệp không chú trọng vào cây lúa. Vậy nên, diện tích trồng lúa nước bị thu hẹp cũng chẳng phải là điều gì quá hệ trọng, nếu không muốn nói đây là cơ hội để thoát khỏi sự độc tôn của cây lúa.
Vùng ĐBSCL có thể dễ dàng chuyển đổi sang chăn nuôi thủy hải sản, vấn đề là nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông có thống nhất được với nhau hay không!
Ngoài diện tích chuyển đổi thành chăn nuôi thì ĐBSCL còn một thế mạnh khác là trồng cây công nghiệp ăn quả, ví dụ như dừa, sầu riêng, bưởi da xanh Bến Tre, chôm chôm, xoài Vĩnh Long, Tiền Giang, quýt Đồng Tháp và vô vàn những đặc sản có thể phát triển thành ngành mũi nhọn. Cũng cần biết, chất lượng cây ăn quả vùng này không hề thua kém Đông Nam Bộ.
Cách đây vài chục năm, xu thế nông nghiệp theo hướng thâm canh phát triển mạnh mẽ, tức là đầu tư khoa học công nghệ, kỹ thuật để tăng năng suất trên một diện tích không đổi. Điều này giải thích vì sao Israel hầu hết lãnh thổ là sa mạc nhưng là cường quốc nông nghiệp, hay Nhật Bản có công nghệ trồng lúa trên đất nhân tạo cho năng suất, chất lượng hàng đầu thế giới.
Dù không còn nhiều phù sa nhưng những thế mạnh khác vẫn còn y nguyên, phần còn lại là quyết tâm của Chính phủ và nguồn vốn đầu tư cho vùng. Một tín hiệu vui mừng là sau hội nghị phát triển bền vững vùng ĐBSCL sẽ giải ngân 1 tỷ đô la đầu tư cho vùng từ đây đến 2020 để làm một số công trình điều tiết nước ngọt, lũ và ngăn nước nhiễm mặn, xử lý một số đoạn sạt lở nghiêm trọng.
Trên thế giới có nhiều mô hình để tham khảo, không nói đâu xa ngay trong khu vực, Singgapore là quốc gia hầu như không có nước ngọt, họ chỉ có nước biển. Xa hơn chút xíu là Hà Lan, quốc gia Châu Âu này thấp hơn nước mực biển có nơi đến 1m, cái cần học là công nghệ đê điều, thủy lợi.
Gạt đi yếu tố “nhân tai”, biến đổi khí hậu là nguy cơ toàn cầu không nước nào tránh được. Đối với ĐBSCL đây vừa là thách thức vừa là cơ hội bứt phá vượt ra khỏi cái khuôn không có gì ngoài lúa gạo.
Nguồn Enternews.vn