Thứ Hai, 25/11/2024 09:17:52 GMT+7
Lượt xem: 3381

Tin đăng lúc 27-07-2016

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021

Sáng 26-7, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường. QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XIV; nghe và thảo luận Tờ trình về dự kiến nhân sự để QH bầu Thủ tướng Chính phủ.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức

CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHÍNH PHỦ GỒM 18 BỘ, BỐN CƠ QUAN NGANG BỘ

 

Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Ý kiến của các Đoàn đại biểu QH đều nhất trí với nội dung Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XIV. Đại biểu một số Đoàn đề nghị Chính phủ cần cải thiện lề lối làm việc, xây dựng quy chế phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, rà soát sắp xếp lại các cơ quan của Chính phủ, các tổ chức phối hợp liên ngành, tăng cường phân cấp cho địa phương, cải tiến thu gọn đầu mối, tinh gọn biên chế tại các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, bảo đảm không tăng cơ cấu bên trong, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để khắc phục những bất cập, hạn chế...

 

Tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 đã báo cáo QH về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XIV. Về ý kiến đề nghị thành lập một số bộ và cơ quan quản lý nhà nước về biển đảo, môi trường, an ninh biển đảo, cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước, tách Bộ Tài nguyên và Môi trường thành hai bộ, nhập Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Kinh tế tổng hợp, đề nghị đổi tên một số cơ quan..., đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Cơ cấu tổ chức Chính phủ theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đã được giữ ổn định từ nhiệm kỳ QH khóa XII đến nay, phù hợp xu thế chung của thế giới.

 

Chính phủ đã thảo luận kỹ và thống nhất trình QH cho giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ như hai nhiệm kỳ qua, đúng theo tinh thần chỉ đạo và Kết luận số 64 của Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Nghị quyết số 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và văn bản của Văn phòng Trung ương về thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước và giới thiệu nhân sự lãnh đạo các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tên của các bộ, cơ quan ngang bộ đã được sử dụng trong thời gian dài, kể cả trong nước và quốc tế, không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Vì vậy để tiết kiệm, tránh lãng phí, không phát sinh vướng mắc trong hoạt động, Chính phủ đề nghị QH cho giữ tên các bộ, cơ quan ngang bộ như hiện nay.

 

Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện tổ chức bộ máy của Chính phủ. Về ý kiến thành lập cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ tiếp thu và sớm trình đề án thành lập.

 

Trình bày dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XIV, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ: Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm 18 bộ và bốn cơ quan ngang bộ, cụ thể là các bộ: Quốc phòng; Công an; Ngoại giao; Nội vụ; Tư pháp; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Y tế và bốn cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.

 

QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ với 93,52% đại biểu tán thành.

 

Tiếp đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để QH bầu Thủ tướng Chính phủ. Nhân sự được trình QH xem xét bầu giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 là đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016 từ tháng 4-2016. Cuối buổi sáng, QH tiến hành thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ.

 

Chiều 26-7, các đại biểu QH nghe Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo QH kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu QH về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ.

 

Tiếp đó, QH thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Với 476 đại biểu tán thành, bằng 96,36% tổng số đại biểu QH, QH đã thông qua danh sách nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ là đồng chí Nguyễn Xuân Phúc.

 

Sau đó, QH tiến hành bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Ban Kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu: Với 485 đại biểu tán thành, bằng 98,18% tổng số đại biểu QH, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

 

QH đã thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hệ thống biểu quyết điện tử, với 482 đại biểu tán thành, bằng 97,57% tổng số đại biểu QH.

 

Lễ tuyên thệ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được tiến hành trang trọng. Tại lễ tuyên thệ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khẳng định: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi - Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

 

Các đại biểu QH cũng đã nghe Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để QH bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao. Theo Tờ trình của Chủ tịch nước, dự kiến nhân sự để QH bầu Phó Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016- 2021 là đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2011-2016, từ tháng 4-2016; nhân sự bầu Chánh án TAND tối cao nhiệm kỳ 2016- 2021 là đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án TAND tối cao nhiệm kỳ 2011- 2016, từ tháng 4-2016; nhân sự bầu Viện trưởng KSND tối cao là đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên T.Ư Đảng, Viện trưởng KSND tối cao nhiệm kỳ 2011-2016, từ tháng 4-2016.

 

Ngay sau khi nghe trình bày Tờ trình nêu trên, các đại biểu QH đã họp tại Đoàn để thảo luận về nội dung này.

 

NÂNG CAO HƠN NỮA CHẤT LƯỢNG CÁC DỰ ÁN LUẬT

 

Ngày hôm qua, các đại biểu QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Tờ trình nêu rõ: Trong nhiệm kỳ khóa XIII, QH, các cơ quan của QH, các đại biểu QH và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tập trung, nỗ lực thực hiện hoạt động lập hiến, lập pháp và cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đã đặt ra. Thể chế hóa đường lối của Đảng, cùng với việc thông qua Hiến pháp năm 2013, QH khóa XIII đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều luật, bộ luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, cơ bản hoàn thiện hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực, nhất là các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, về xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động lập pháp vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục. Ủy ban Thường vụ QH đề nghị việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 phải ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án luật, pháp lệnh nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng được nêu trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48- NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đưa vào Chương trình các dự án luật, pháp lệnh nhằm tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp; thực hiện các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân...

 

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ: Hoạt động lập pháp cần phải bảo đảm nghiêm túc, nguyên tắc dân chủ và pháp chế, cần thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để từ nay đến năm 2020 nước ta có đủ các luật cơ bản, cần thiết để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Ủy ban Thường vụ QH sẽ giải trình, tiếp thu các ý kiến của đại biểu và báo cáo QH trong ngày 29-7 tới.

 

Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang