Giảm thuế nhập khẩu bộ linh kiện
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cơ quan chức năng và các doanh nghiệp về phương án sửa đổi chính sách thuế nhập khẩu với linh kiện, phụ tùng ô tô, trước khi trình Chính phủ.
Cụ thể, nhiều linh kiện ô tô nhập khẩu sẽ được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu trong thời gian 5 năm (từ đầu 2018 đến hết 2022). Muốn được hưởng ưu đãi này, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô phải đăng ký chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu 5 năm, giai đoạn 2018-2022.
Tuy nhiên, để được hưởng thuế nhập khẩu mức 0% hoặc 10%, tùy từng linh kiện, các DN phải cam kết 3 tiêu chí: đạt sản lượng chung tối thiểu và sản lượng riêng tối thiểu cho mẫu xe cam kết; đạt tỷ lệ nội địa hóa cho mẫu xe cam kết theo lộ trình; mẫu xe cam kết ở đây là ô tô chở người dưới 9 chỗ ngồi, có dung tích xi lanh từ 2.000 cc trở xuống, tiêu hao nhiên liệu dưới 7 lít/100km và xe tải có tải trọng từ 5 tấn trở xuống.
Các mẫu xe đều phải đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4 giai đoạn 2018-2021 và mức 5 giai đoạn 2022.
Cụ thể, với ô tô chở người dưới 9 chỗ ngồi, DN phải có sản lượng chung năm 2018 đạt 34.000 xe, năm 2019 đạt 40.000 xe, năm 2020 đạt 46.000 xe, năm 2021 đạt 53.000 xe, năm 2022 đạt 61.000 xe, tổng 5 năm đạt 234.000 xe.
Với sản lượng riêng và tỷ lệ nội địa hóa cho mẫu xe cam kết, năm 2018 đạt 20.000 và 20%, năm 2019 đạt 23.000 xe và 25%, năm 2020 đạt 27.000 xe và 30%, năm 2021 đạt 31.000 xe và 35%, năm 2022 đạt 36.000 xe và 40%. Tổng sản lượng là 137.000 xe.
Với xe tải, sản lượng chung năm 2018 phải đạt 8.000 xe, năm 2019 đạt 9.000 xe, năm 2020 đạt 11.000 xe, năm 2021 đạt 13.000 xe và 2022 đạt 15.000 xe. Tổng sản lượng chung đạt 56.000 xe sau 5 năm.
Với sản lượng riêng và tỷ lệ nội địa hóa năm 2018 phải đạt 4.000 xe và 15%, năm 2019 đạt 5.000 xe và 20%, năm 2020 đạt 6.000 xe và 25%, năm 2021 đạt 7.000 xe và 35%, năm 2022 đạt 8.000 xe và 40% . Tổng sản lượng riêng đạt 30.000 xe sau 5 năm.
Nếu không đạt tổng sản lượng chung, tổng sản lượng riêng và tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40%, tính tới ngày 31/12/2022, cơ quan hải quan sẽ truy thu đủ số thuế nhập khẩu trong 5 năm (từ 2018-2022) với toàn bộ số linh kiện ô tô nhập khẩu đã được hưởng ưu đãi thuế.
Nếu đạt yêu cầu, các DN sẽ được hoàn lại số tiền thuế bị truy thu với những năm không đạt, theo kết quả kiểm toán hàng năm.
Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan chức năng và DN cho ý kiến để hoàn tất và trình Chính phủ dự thảo trên.
Xe trong nước sẽ giảm giá
Song, theo ý kiến từ một số DN ô tô, với điều kiện đặt ra như vậy, nếu không có các chính sách ưu đãi khác đi kèm vẫn không đủ hấp dẫn đối với hoạt động sản xuất lắp ráp. Bởi từ 1/1/2018, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan mức 0%, chỉ với điều kiện, đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối 40%.
Giá xe ô tô lắp ráp trong nước sẽ rẻ từ năm 2018?
Hiện thuế suất thuế nhập khẩu nhiều loại linh kiện ô tô từ ASEAN về Việt Nam đã giảm xuống thấp, vì vậy, nếu có giảm thuế nhập khẩu tất cả linh kiện về 0% thì giá xe sản xuất lắp ráp trong nước cũng chỉ giảm khoảng 3-4% vào 2018.
Trong khi đó, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ sẽ rẻ hơn xe trong nước khoảng 15-20%. Vì vậy, cần có thêm các ưu đãi khác để khỏa lấp chênh lệch giữa xe sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu, giám đốc một DN ô tô FDI nhận xét.
“Chúng tôi được biết, Bộ Công Thương đã có đề xuất không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với phần linh kiện mua trong nước, ngoài ra giảm thuế thu nhập cho DN sản xuất lắp ráp ô tô, cùng những hỗ trợ khác về hạ tầng, vay vốn ngân hàng,... Có như vậy, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước mới đủ sức cạnh tranh với xe nhập khẩu”, đại diện DN sản xuất ô tô cho biết.
Một DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước tính toán, tới 2018, một chiếc xe có dung tích xi lanh dưới 1.5L, nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam, có giá khoảng 7.500 USD, chịu thuế nhập khẩu 0%, thuế tiêu thụ đặc biệt 35%, thuế GTGT 10%, bán ra ở mức 350 triệu đồng trở lên. Nếu xe tương tự trong nước được hưởng những ưu đãi trên, giá của nó sẽ ở mức 330 triệu đồng trở xuống. như vậy sẽ đủ sức cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Nguồn Vietnamnet