Ông Phan Minh Báu - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có gần 1.700 trang trại chăn nuôi heo, trong đó có 400 trang trại được chứng nhận an toàn và 40 trang trại có chứng nhận VietGAP. Việc chưa kiểm soát được chất lượng thịt heo ngay tại đầu nguồn (quy trình chăn nuôi, giết mổ) đang lộ ra nhiều khiếm khuyết trong ngành công nghiệp chăn nuôi heo, ảnh hưởng lớn đến chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, TP. Hồ Chí Minh hiện tiêu thụ khoảng 8.000-10.000 con heo/ngày, trong đó 80% nguồn heo do các địa phương khác cung cấp. Đối với lượng heo thu mua từ các địa phương, đến nay thành phố chưa thể kiểm soát hết được nguồn gốc và chất lượng của thịt heo, đặc biệt là vấn đề kiểm dịch và chất cấm trong quá trình chăn nuôi.
“Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh xúc tiến việc hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt heo Te-food cho các cơ quan chức năng, hộ chăn nuôi, trang trại và các lò giết mổ gia súc ở Đồng Nai là nhằm mục đích tạo nguồn thịt heo an toàn khi cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh trong tương lai”- ông Hòa cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh giới thiệu với người chăn nuôi heo ở Đồng Nai về vòng nhận diện để truy xuất nguồn gốc thịt heo
Theo ông Hòa, phần mềm quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ giúp kết nối người bán và người mua, ngành quản lý có dữ liệu để công bố các cơ sở kinh doanh tin cậy để người tiêu dùng cùng giám sát và loại bỏ những cơ sở chăn nuôi, giết mổ vi phạm. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại với nhiều quốc gia, nếu không tạo được niềm tin về sản phẩm sản xuất trong nước thì nguồn thịt ngoại với lợi thế chất lượng và giá rẻ hơn sẽ làm cho ngành chăn nuôi heo bị thiệt hại nghiêm trọng.
Tại buổi hướng dẫn áp dụng phần mền truy suất nguồn gốc thịt heo có gần 100 chủ hộ, trang trại chăn nuôi heo tại khu vực Đồng Nai, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai Phan Minh Báu cho rằng, truy xuất nguồn gốc là vấn đề không mới vì Đồng Nai đã làm, song chưa thực hiện công đoạn này một cách đầy đủ.Vì thế cần phải có kế hoạch triển khai nhanh và đồng bộ giải pháp truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng công nghệ Te-food từ trang trại cho đến các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ.
Ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, con heo được gắn vòng nhận diện, mọi thông tin về nguồn gốc và quá trình chăn nuôi đã được ghi nhận đầy đủ, khi thịt heo ra thị trường người tiêu dùng dễ dàng nhận biết những chỉ số này qua điện thoại thông minh, giúp người dân yên tâm khi sử dụng thịt heo.
Theo Chi cục chăn nuôi và thú y Đồng Nai, tổng đàn heo của Đồng Nai hiện đã lên gần 1,8 triệu con, tăng gần 1 triệu con trong khoảng 3 năm trở lại đây. Truy xuất nguồn gốc thịt heo không chỉ là việc đảm bảo cho người tiêu dùng sử dụng thịt an toàn mà còn nâng tầm ngành công nghiệp chăn nuôi heo theo hướng an toàn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Nguồn Báo Công Thương