Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Trần Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết, năm 2016, Đồng Nai có 23/24 chỉ tiêu về kinh tế xã hội đạt mục tiêu đề ra. Kinh tế của tỉnh tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao. Giá trị tổng sản phẩm năm 2016 tăng 8,2% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,06%; khu vực dịch vụ tăng 9,0%; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,32%; thuế sản phẩm tăng 6,13%.
Đồng Nai cũng là một trong những tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của cả nước. Tính đến nay, tỉnh có 35 khu công nghiệp (KCN) được quy hoạch trên diện tích 12.055 ha, trong đó có 30 KCN đã xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng bộ và thu hút được được trên 70% diện tích đất cho thuê. Các KCN đều có nhà máy xử lý nước thải tập trung được quan trắc tự động. Đã có 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với trên 1.200 dự án còn hiệu lực với tổng vốn trên 25 tỷ USD.
Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai cũng chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong TTHC được thực hiện trên diện rộng. Tính đến tháng 3/2017, UBND tỉnh đã chuẩn hóa bộ TTHC của 19/20 ngành để giải quyết TTHC. Tổ chức công khai TTHC của các đơn vị trên các trang thông tin điện tử để người dân và DN tra cứu thông tin kịp nhanh chóng, hiệu quả, đồng thời cập nhật đầy đủ trên dữ liệu thông tin quốc gia. Đồng Nai đang xin ý kiến Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm hành chính công.
Kiến nghị với Phó Thủ tướng và các bộ, ngành về những vấn đề liên quan đến tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ông Nguyễn Phú Cường - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai - chia sẻ, hiện nay quy hoạch sử dụng đất chung của quốc gia chưa có khiến địa phương rất rối trong việc thực hiện quy hoạch, đánh mất nhiều cơ hội thu hút đầu tư. Liên quan đến vấn đề cải cách TTHC, tại tỉnh đã thực hiện liên thông một cửa, nhưng phía bộ, ngành chưa kết nối đã làm ảnh hưởng đến việc cải cách một cách triệt để. Về vấn đề đảm bảo an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông thuộc trách nhiệm của địa phương, nhưng Ban An toàn giao thông địa phương lại không có kinh phí để có thể tổ chức thực hiện công tác này. Nhu cầu nhà ở cho công nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai rất lớn và rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan khởi động nhanh các dự án...
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành đều đã đánh giá cao những kết quả mà Đồng Nai đã đạt được trong phát triển kinh tế xã hội và có những hướng tháo gỡ các kiến nghị, đề xuất của tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi làm việc
Đại diện Bộ Công Thương - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh lại những kết quả mà Đồng Nai đạt được về tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hoạt động thương mại dịch vụ tăng trưởng tốt, thị trường hàng hóa dồi dào góp phần cung ứng tốt cho nhu cầu tiêu dùng của người dân, công nhân lao động trên địa bàn. Về hoạt động xuất khẩu, tuy không đạt kế hoạch đề ra, nhưng vẫn có rất nhiều cố gắng trong bối cảnh chung của thị trường xuất khẩu còn nhiều khó khăn. Thứ trưởng lưu ý, ngoài việc tập trung phát triển xuất khẩu vào các thị trường lớn, Đồng Nai cần chú trọng mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới để tăng kim ngạch xuất khẩu, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường. DN trong tỉnh nên tận dụng triệt để những cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu. Tỉnh cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các hiệp định này để DN nắm bắt thông tin và khai thác các cơ hội mang lại.
Ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - cho rằng, hệ thống giao thông thủy trên địa bàn hiện phát triển tốt đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa. Về dự án cảng hàng không quốc tế sân bay Long Thành thống nhất với đề nghị của địa phương tạm ứng vốn giải phóng mặt bằng 1.000 tỷ đồng. Về nối tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên tới Đồng Nai và Bình Dương, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đã thống nhất tiến hành nghiên cứu nối dài và phía địa phương cần tiến hành quy hoạch trình Bộ Giao thông vận tải. Liên quan đến kinh phí xử phạt phạt giao thông, quan điểm của Bộ là dùng tối đa kinh phí cho địa phương để đảm bảo tốt công tác an toàn giao thông, chủ động hiệu quả.
Kết luận buổi làm việc Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm kinh tế Đông Nam bộ - khu vực kinh tế năng động nhất cả nước. Đồng Nai cũng lả tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế mạnh, đầu tàu về công nghiệp của cả nước, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.
Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả này, Đồng Nai cũng đang đứng trước nhiều thách thức cần giải quyết như: Giá trị hàng hóa xuất khẩu chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu, vấn đề môi trường chưa đảm bảo... Vấn đề tai nạn giao thông có giảm, nhưng vẫn phải chú trọng để không xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường sắt liên quan đến đường dân sinh, tai nạn giao thông đường sông, không để xảy ra những điểm đen về tai nạn giao thông, cần kiểm soát tốt vấn đề khai thác cát trên địa bàn...
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Đồng Nai phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế xã hội đề ra trong năm 2017. Thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho DN thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỉnh cần phát huy lợi thế trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong việc thu hút đầu tư vào các ngành kỹ thuật cao, không gây ô nhiễm môi trường, phát triển các sản phẩm dịch vụ tư vấn. Đồng thời chú trọng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. Trong quá trình phát triển kinh tế cần đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước sông Đồng Nai - Thị Vải. Liên quan đến Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Phó Thủ tướng nhất trí giao cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình phương án vốn để tỉnh thực hiện giải phóng mặt bằng cho dự án.
Năm 2017, Đồng Nai phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP tăng 8 - 9% so với năm 2016. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 83 - 84 triệu đồng (tương đương khoảng 3.700 - 3.750 USD/người). Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 tăng 7% - 9% so với năm 2016. Tổng vốn đầu tư phát triển huy động toàn xã hội năm 2017 khoảng 78.000 - 80.000 tỷ đồng.
Nguồn Báo Công Thương