Đồng Nai đang có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, lượng rác sinh hoạt, công nghiệp phát sinh ngày một nhiều và giải pháp biến rác thành điện phục vụ cho đời sống có thể coi là khả thi.
* Rác... tiềm năng của điện
Để góp phần bảo vệ môi trường, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch 9 khu xử lý chất thải tại các huyện, thị với 15 dự án đã được phê duyệt triển khai. Tuy nhiên, các dự án trên hầu hết chỉ thu gom rác phân loại tái chế, một phần làm phân bón, còn lại là đốt và chôn lấp, mất rất nhiều diện tích. Thời gian qua, không ít doanh nghiệp đã đến tỉnh tìm hiểu thực tế và đề nghị được đầu tư nhà máy xử lý rác thành điện. Các chủ đầu tư trên đều cho hay, họ chỉ cần tỉnh giới thiệu địa điểm đầu tư, hỗ trợ các thủ tục nhanh, gọn, còn vốn xây dựng các công ty đã có sẵn nên thời gian xây dựng 1-2 năm hoàn thành nhà máy có thể tiếp nhận rác xử lý.
Bà Nguyễn Thị Thu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Toàn Cầu, cho biết: “Công ty đang đề nghị tỉnh Đồng Nai giới thiệu địa điểm khoảng 20 hécta để tiến hành đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn kết hợp với phát điện tại Đồng Nai. Quy mô nhà máy có thể xử lý 1.200 tấn chất thải thông thường/ngày và sản phẩm đầu ra phát điện 24 MW, gạch xỉ và than carbon”.
Cũng theo bà Thu, nguồn vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng do công ty tự bỏ ra, không yêu cầu vay ưu đãi. Công ty này đã xây dựng 1 nhà máy xử lý rác thành điện tại Hà Nam đang hoạt động. Hiện Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Toàn Cần đang xây dựng nhà máy tại Quảng Bình và Phú Quốc. Giá xử lý rác thành điện khoảng 370 ngàn đồng/tấn, và sau vài năm nhà máy đi vào hoạt động thu hồi một phần vốn giá xử lý rác giảm dần.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH VINAXANH, nói “Công ty dự tính đầu tư vào huyện Long Thành một nhà máy xử lý rác thành điện với tổng vốn 700 triệu USD. Nếu tỉnh sớm giới thiệu địa điểm cho công ty, cuối năm 2016 sẽ xây dựng và chỉ gần 2 năm có thể hoàn thành đi vào hoạt động có thể tiếp nhận xử lý 3.500 tấn chất thải/ngày”. Ngoài ra, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế được tỉnh giới thiệu địa điểm xử lý rác thành điện tại Khu xử lý rác Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu).
* Ưu tiên cho dự án xanh
Theo ông Lê Văn Thư, Phó giám đốc Sở Tài chính, hiện nay tỉnh Đồng Nai đang phải trả tiền xử lý rác sinh hoạt cho các đơn vị hơn 400 ngàn đồng/tấn và chủ yếu là chôn lấp và đốt. Nếu có dự án xử lý rác thành điện, giá xử lý rác rẻ hơn nhiều so với giá tỉnh đang trả hiện nay thì lợi cả đôi đường, vì vừa giảm diện tích chôn lấp rác vừa tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước một khoản chi phí không nhỏ. Hiện mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh trên 2.700 tấn chất thải, trong đó chất thải công nghiệp là hơn 1.100 tấn/ngày, chất thải sinh hoạt là hơn 1.600 tấn/ngày, tỷ lệ chôn lấp chiếm 77%.
“Trung bình mỗi ngày tỉnh phải trả khoảng 800 triệu đồng để xử lý rác thải sinh hoạt. Do đó, tỉnh sẽ ưu tiên cho những dự án xử lý rác thành điện có giá thấp vừa có lợi cho môi trường, giảm chi phí” - ông Đặng Minh Đức, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho hay. Các quốc gia phát triển coi chất thải rắn là tài nguyên vì có thể xử lý thành phân bón, gạch, than và điện, tỷ lệ chôn lấp còn rất thấp, chỉ từ 5-10%. Tại Đồng Nai, môi trường đang được ưu tiên hàng đầu, tỉnh đã gần hoàn tất việc xử lý hơn 40 bãi rác tạm và hiện rác sinh hoạt được thu gom đều đưa về những khu xử lý chất thải đã quy hoạch, nhưng phần lớn vẫn phải chôn lấp hợp vệ sinh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho biết: “Tỉnh đang yêu cầu các sở, ngành liên quan tìm hiểu rõ năng lực, công nghệ của các doanh nghiệp đang xin đầu tư nhà máy xử lý rác thành điện trên địa bàn tỉnh. Nếu công nghệ đảm bảo và doanh nghiệp đủ năng lực tỉnh sẽ chấp thuận, vì biến rác thành điện là dự án xanh mà Đồng Nai đang mong muốn”.
|
Theo: Báo Đồng Nai